MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người thuê nhà vật lộn mùa nắng nóng: ‘Bật ngửa’ vì hoá đơn điện tiền triệu, khổ 'lây' vì hàng xóm xung quanh nhưng mua nhà vẫn còn là "giấc mơ xa"

16-05-2023 - 10:38 AM | Sống

Người thuê nhà vật lộn mùa nắng nóng: ‘Bật ngửa’ vì hoá đơn điện tiền triệu, khổ 'lây' vì hàng xóm xung quanh nhưng mua nhà vẫn còn là "giấc mơ xa"

Không đủ tài chính để sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình, nhiều người phải loay hoay vì những bất tiện “từ trên trời rơi xuống” khi ở nhà thuê. Đặc biệt là trong mùa hè nắng nóng, nhiều vấn đề xung quanh việc đi thuê nhà càng dễ phát sinh.

Tốn tiền, chật vật chỉ vì…nóng

Hà Nội bắt đầu bước vào mùa nắng nóng là lúc Thanh Uyên (nhân viên văn phòng, 24 tuổi) phải loay hoay tìm cách “hạ nhiệt” cho phòng trọ của mình, từ quạt hơi nước đến chiếu điều hòa. Do tìm phòng gấp thời điểm sau Tết nên Thanh Uyên chỉ còn sự lựa chọn là thuê một căn phòng tầng 4 ở khu vực Thanh Xuân.

Chủ trọ cho biết phòng này có điều hòa nên sẽ đắt hơn các phòng không điều hòa 500.000 đồng/tháng. Thanh Uyên vẫn gật đầu đồng ý ký hợp đồng vì biết rằng phòng áp mái vào mùa hè sẽ vô cùng nóng nóng bức, bỏ ra thêm chút tiền để sống thoải mái hơn cũng chẳng sao.

Người thuê nhà vật lộn mùa nắng nóng: ‘Bật ngửa’ vì hoá đơn điện tiền triệu, khổ 'lây' vì cách tránh nóng của nhà khác nhưng vẫn ngậm ngùi chấp nhận vì 1 lý do - Ảnh 1.

Căn phòng của Thanh Uyên. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng ngay trong những ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay, Thanh Uyên mô tả phòng mình không khác gì “lò thiêu” vì điều hòa không thể làm mát cả căn phòng. Khi Thanh Uyên yêu cầu chủ nhà kiểm tra lại điều hòa, người này liên tục lấy nhiều lý do để không qua nhà trọ.

Thợ sửa cũng “bó tay” vì chiếc điều hòa này quá cũ, đã được sơn lại vỏ để “qua mắt” những người thuê nhà nhưng chủ quan không kiểm tra như Thanh Uyên. Tiếc số tiền cọc không nhỏ nên cô gái này cho biết mình vẫn sẽ cố ở lại căn phòng này cho đến hết hợp đồng vào tháng 8.

Phòng có điều hoà nhưng tiền điện tăng “đột biến” trong những tháng nắng nóng lại là nỗi lo của vợ chồng Minh Tú (Cầu Giấy, Hà Nội). Sau khi kết hôn, vợ chồng Minh Tú (Cầu Giấy, Hà Nội) dọn ra ở riêng. Nhà có 2 người anh chị thuê một căn hộ dạng studio với mức giá khoảng 8 triệu đồng/tháng chưa bao gồm điện nước và các phí dịch vụ khác.

Theo lời của anh Tú, do căn hộ hướng Tây, những ngày nắng lên đến 38-40 độ C nhà anh như cái lò. Anh cho biết đôi khi nhiệt độ trong nhà không chênh với ngoài trời quá nhiều.

Nên thay vì đi làm và tan ca 5h30 chiều, vợ chồng anh đều cố ngồi lại làm việc ở công ty để “hưởng ké” điều hoà nhằm tránh cảm giác oi bức khi quanh quẩn trong căn phòng 40m2. “Giá điện ở nhà thuê quá cao nên chúng tôi không thể dùng quá nhiều điều hoà. Vào những ngày cuối tuần, hầu như điều hoà được mất từ sáng đến đêm”, Minh Tú nói.

Anh cũng cho biết, với giá điện phải trả là 5.000 đồng/số điện, 3 tháng nắng nóng đỉnh điểm năm ngoái, tiền điện của gia đình anh không tháng nào dưới mốc 3 triệu đồng/tháng. Chia sẻ thêm anh cho biết chủ yếu tiêu thụ nhiều là điều hoà.

Do đặc thù công việc của cả 2 vợ chồng thường phải xử lý sau giờ hành chính, việc ở lại văn phòng để có không gian làm việc mát mẻ là sự lựa chọn lý tưởng. Anh cho biết thông thường, vợ chồng anh chỉ về nhà lúc 19h30 khi trời đã tắt nắng. Nhiều hôm họ còn ở lại đến 21h do thời tiết quá oi nóng.

Với cách này, vợ chồng anh muốn giảm thiểu số giờ bật điều hoà nhằm tiết kiệm điện, có thêm một khoản dành vào tiền tiết kiệm mua nhà.

Nỗi khổ nắng nóng không phải là chuyện của riêng ai. Gia đình chị Bích Ngọc ở quận Cầu Giấy, Hà Nội không phải chịu trực tiếp cái nắng như thiêu đốt của mùa hè do thuê căn hộ chung cư hướng Đông Nam. Thế nhưng mùa hè gia đình chị lại gặp phải một vấn đề không kém phần nhức nhối khác là nhiều căn hộ ở tòa đối diện sử dụng giấy phản quang, khiến ánh nắng phản chiếu trực tiếp vào nhà chị.

“Tôi có nhờ chủ nhà phản ánh với ban quản lý nhưng không ‘ăn thua’, một thời gian sau lại thấy có người tiếp tục dùng. Biết là ở hướng Tây mùa này sẽ nóng hơn nhưng mỗi nhà nên cố gắng tìm hiểu biện pháp tránh nóng khác để bớt ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh”, chị Bích Ngọc cho biết.

Người thuê nhà vật lộn mùa nắng nóng: ‘Bật ngửa’ vì hoá đơn điện tiền triệu, khổ 'lây' vì cách tránh nóng của nhà khác nhưng vẫn ngậm ngùi chấp nhận vì 1 lý do - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Mỗi lần bị phản chiếu nắng vào nhà, chị Ngọc đành bất lực kéo rèm, mở điều hòa vì lúc này trong nhà có khi còn nóng hơn ngoài trời.

Chưa phải đợt nắng nóng đỉnh điểm nhưng tiền điện nhà chị đã bắt đầu tăng vọt so với những tháng trước. Người phụ nữ này đang có ý định thuê nhà khác nhưng lại sợ gặp tình trạng tương tự, như vậy vừa tốn công vừa tốn sức mà vẫn khổ vì nóng.

Người Việt vẫn còn nhọc nhằn chuyện mua nhà

Với những bất cập của cuộc sống ở thuê, nhiều người Việt hiện nay đang có khao khát sở hữu một căn hộ ở thành phố lớn.

Theo báo cáo Tâm lý người tiêu dùng bất động sản đầu năm 2022 được Batdongsan.com.vn công bố hồi tháng 2/2022 cho thấy 92% trong số hơn 1.000 người được khảo sát có ý định mua nhà, trong đó hơn một nửa muốn mua nhà trong vòng 2 năm tới. Tỷ lệ này của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, so với mức 70% ở các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore…

photo-1684208186236

Nguồn: Batdongsan (Năm 2022)

 Xét về địa điểm, Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có nhu cầu tìm kiếm nhà ở cao nhất cả nước, bởi đa số người tiêu dùng hiện nay có ý định mua nhà trong khu vực sinh sống do những hạn chế về đi lại.

Tuy nhiên việc sở hữu bất động sản tại các đô thị lớn đối với người trẻ không phải điều đơn giản. Theo khảo sát của Batdongsan.com, trong 2 tháng đầu năm 2023, giá rao bán trung bình nhà mặt phố tại Hà Nội ở mở mức 22,8 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, biệt thự có giá rao bình quân 17,8 tỷ đồng/căn, nhà riêng khoảng 6,3 tỷ đồng/căn và chung cư khoảng 3,1 tỷ đồng/căn.

Theo Tổng cục Thống kê thu nhập trung bình của người dân Hà Nội là 135 triệu đồng/năm. Nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà thì để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Hà Nội, người dân cần làm việc 169 năm, sở hữu biệt thự thì cần 132 năm, mua nhà riêng sẽ mất 47 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm.

Người thuê nhà vật lộn mùa nắng nóng: ‘Bật ngửa’ vì hoá đơn điện tiền triệu, khổ 'lây' vì cách tránh nóng của nhà khác nhưng vẫn ngậm ngùi chấp nhận vì 1 lý do - Ảnh 4.

Tương tự, ở TP.HCM, người lao động cũng phải mất đến 168 năm để mua nhà mặt phố (25 tỷ đồng/căn), 162 năm để sở hữu biệt thự (24 tỷ đồng/căn), nhà riêng (7,9 tỷ đồng) là 53 năm và chung cư (3,5 tỷ đồng) ước tính khoảng 24 năm.

Dù số năm tích luỹ mua chung cư ở Hà Nội là 23 năm thấp hơn nhiều so với các loại hình bất động sản. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định đây là con số rất lớn, cho thấy giá nhà tại Hà Nội đang cao hơn nhiều so với thu nhập và mong muốn của người dân.

Theo VTV, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững” hồi tháng 2, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực đã nhận định: “Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)…”.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao…

Với thực tế và lý do trên, việc sở hữu một căn hộ thành phố lớn đối với người trẻ trở nên nhọc nhằn nên họ buộc phải ở thuê với mức chi phí cao.

Phương Linh, Đinh Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên