MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người tiêu dùng bị 'móc túi' 230 tỷ đồng: Có thể khiếu nại đòi tiền

30-09-2016 - 07:50 AM | Xã hội

Theo đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), khách hàng hoàn toàn có thể khiếu nại các nhà mạng để đòi bồi thường, trả lại tiền qua nhiều kênh. Tuy nhiên, người dùng cần có chứng cứ để chứng minh bị nhà mạng lấy tiền một cách bất hợp pháp.

Té ngửa vì dịch vụ GTGT

Liên quan đến vụ việc gần 100.000 khách hàng bị “móc túi” hơn 230 tỷ đồng từ những vi phạm quảng cáo của Cty SAM Media, đến ngày 28/9, cả 4 nhà mạng đã cắt hợp đồng với các đối tác của công ty này. Trong đó, Viettel và MobiFone đã tiến hành rà soát toàn bộ những thuê bao đang sử dụng dịch vụ của các đầu số này, đồng thời nhắn tin đề nghị khách hàng đang sử dụng dịch vụ đăng ký lại dịch vụ nếu có nhu cầu. Nếu khách hàng không nhắn tin đăng ký lại, dịch vụ sẽ tự bị hủy.

Sau khi nhà mạng nhắn tin nói rõ cho khách hàng về những dịch vụ họ đang sử dụng, không ít người “tá hỏa” vì lâu nay vẫn nghĩ mình chỉ sử dụng dịch vụ nghe gọi. Anh Đỗ Tiến Dũng (chủ nhân số 09336xxxx) cho biết: Mới đây, anh nhận được thông báo từ MobiFone với nội dung: Thuê bao của anh chỉ còn 1 ngày để sử dụng GameZone, mFilm, MobiClip… Anh Dũng lên mạng tìm hiểu mới té ngửa mình đang sử dụng 5 dịch vụ của MobiFone, trong đó có các dịch vụ như chơi game (giá 3.000 đồng/ngày), xem Clip (25.000 đồng/30 ngày), xem phim trực tuyến (19.000 đồng/30 ngày).

“Tôi chỉ dùng duy nhất dịch vụ 3G gói cước 90.000 đồng/tháng, nhưng không biết từ khi nào mỗi tháng phải chi thêm gần 200.000 đồng/tháng”, anh Dũng bức xúc.

Anh Nguyễn Đức Hoàng, chủ nhân số thuê bao 0925576xx cho biết, ngay khi nhận được thông tin “móc túi” từ các dịch vụ GTGT, anh đã gọi lên tổng đài Vietnamobile để kiểm tra. Kết quả anh Hoàng sử dụng 3 dịch vụ có giá trị hơn 100.000 đồng/tháng. “Đây là số điện thoại dự phòng nên tôi rất ít dùng, chứ đừng nói là đăng ký dịch vụ GTGT. Tôi sẽ kiến nghị yêu cầu đòi lại tiền dịch vụ bị mất”, anh Hoàng bức xúc.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, toàn bộ các vi phạm của SAM Media như cỡ chữ nhỏ, quảng cáo, dịch vụ ứng dụng… đều là những dịch vụ GTGT, không phải dịch vụ viễn thông nên không thuộc trách nhiệm của Cục. Các nội dung quảng cáo hiện nay vẫn do các nhà mạng cho các doanh nghiệp nội dung thuê. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo sát vụ việc, trên quan điểm nếu thu sai thì nhà mạng phải hoàn tiền cho khách hàng hoặc nộp vào ngân sách”, một lãnh đạo Cục Viễn thông nói.

Cần tiến hành điều tra

Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chỉ ra những “chiêu trò” của nhà mạng “móc túi” người tiêu dùng. Đó là nhà mạng không cung cấp đầy đủ thông tin về các dịch vụ GTGT cho người dùng. Một “chiêu trò” khác là các dịch vụ GTGT “dùng thử”. Các nhà mạng tự động gửi tin nhắn, tự động đăng ký, kích hoạt cho người tiêu dùng dùng thử các dịch vụ GTGT. Trong trường hợp người dùng không hủy sau khi hết hạn dùng thử, thì một số dịch vụ được tự động gia hạn mà không cần sự cho phép của người dùng.

Theo ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý Cạnh tranh), người tiêu dùng muốn khiếu nại thì phải tuỳ theo từng vụ việc cụ thể. Về nguyên tắc, nếu người dùng có được chứng cứ để chứng minh bị nhà mạng lấy tiền một cách bất hợp pháp, có quyền khiếu nại để đòi qua nhiều kênh. “Đến thời điểm hiện tại, Cục đã nhận được một số khiếu nại liên quan nhưng do đang trong giai đoạn giải quyết nên chưa có vụ việc nào đi đến kết quả”, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh thông tin.

Theo các chuyên gia luật, dù 4 nhà mạng không ký hợp đồng trực tiếp với SAM Media nhưng cũng phải có trách nhiệm liên đới. Bởi các tin nhắn quảng cáo dịch vụ gửi đến khách hàng đều thông qua nhà mạng. Ngay cả khi đối tác sử dụng hình thức tự động đăng ký gói dịch vụ cung cấp nội dung cũng phải qua sự kiểm soát của các nhà mạng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam đề nghị, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tiến hành điều tra doanh nghiệp nước ngoài và các đối tác của họ cùng với các nhà mạng trong nước, làm rõ có hay không hành vi sai phạm của cá nhân trong các đơn vị trên, có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS 1999) để làm căn cứ truy tố trách nhiệm hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới loại bỏ triệt để các hành vi sai phạm trong tương lai.

Để tra cứu các dịch vụ GTGT, khách hàng có thể sử dụng tin nhắn với cú pháp: TC gửi 1228 (với thuê bao Viettel); KT gửi 994 (với thuê bao MobiFone) và TK gửi 123 (với thuê bao VinaPhone). Ngoài ra, để tránh việc các nhà mạng tự động gửi tin nhắn quảng cáo dạng FLASH, người tiêu dùng có thể trực tiếp vào Menu SIM trên điện thoại và tắt tất cả các ứng dụng nhận tin nhắn quảng cáo dạng FLASH (V-Live, Liveinfo, Viettel Plus) nếu không có nhu cầu sử dụng.

Theo Trần Hoàng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên