Người tiêu dùng Trung Quốc thờ ơ với trái cây nhập khẩu
Nam Bán cầu hiện đang là mùa thu hoạch cao điểm trái cây. Các năm trước, vào lúc này, trái cây nhập khẩu tràn vào Trung Quốc rất nhiều, vì Tết cổ truyền sắp đến - là mùa tiêu thụ trái cây mạnh trong năm. Tuy nhiên, tình hình năm nay hoàn toàn khác.
- 16-01-2021Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu một số loại trái cây từ 1/1/2021
- 19-11-2020Trái cây vùng nhiệt đới được thị trường châu Âu quan tâm
Do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-10, việc vận chuyển hàng hóa cả bằng đường không và đường biển đều khó khăn, cước phí vận tải do đó tăng lên, khiến cho nhiều nhà nhập khẩu giảm khối lượng trái cây nhập về, hoặc thậm chí không nhập khẩu nữa.
Thái độ thờ ơ của người tiêu dùng Trung Quốc với trái cây nhập khẩu cũng phản ánh thói quen của người tiêu dùng Trung Quốc là ngày càng ưu tiên hàng nội địa hơn.
Người tiêu dùng Trung Quốc được đánh giá là đang ngày càng "lý trí" hơn. Họ vẫn "theo đuổi" sản phẩm chất lượng cao và có tên tuổi, song cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn tới hương vị và chất lượng hàng nội. Đồng thời, chất lượng trái cây nôi ngày càng được cải thiện, nhiều loại trái cây cao cấp trước kia chỉ nhập khẩu mới có thì nay đã trồng được, lấn dần thị phần của thị trường trái cây cấp cao – vốn trước kia chỉ là hàng nhập khẩu.
Ví dụ, giá dâu tằm ở nội địa Trung Quốc hiện gần bằng giá cherry nhập khẩu. Hồi đầu tháng 12/2020, khi nguồn cung trái dâu tằm chưa nhiều thì giá khoảng 60 CNY/0,5 kg. Nay nguồn cung tăng lên, hàng có sẵn trên thị trường, nhưng giá vẫn ổn định ở khoảng 40 – 50 CNY/0,5 kg. Ở một số siêu thị cao cấp, dâu tằm đóng hộp đẹp có giá tới 100 CNY/0,5 kg.
Tết đang đến nhưng giá trái cây vẫn rất phải chăng. Nhiều doanh nghiệp tung ra những chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng. Các loại trái cây sẵn bán trong mùa Đông này là táo, cam và bưởi – chiếm ½ thị trường trái cây. Táo có từ mùa Thu và nay vẫn rẻ hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với mặt hàng cherry (anh đào) nhập khẩu, giá năm nay giảm khoảng 20% so với năm ngoái do cung vượt cầu. Giá bán trên các trang thương mại điện tử trong tuần đầu tiên của tháng 1/2021 đã giảm xuống dưới 80 CNY (12 USD)/kg, từ mức 120 CNY/kg cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm 34%.
Những năm trước, các nhà bán lẻ thường tăng giá trước kỳ nghỉ lễ. Nhưng năm nay, do dịch bệnh, nhiều người hạ giá để đẩy tăng doanh số bán hàng. Trong khi đó, Trung Quốc đã phát hiện một số trường hợp có virus Covid-19 trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, nên nhiều người tiêu dùng đắn đo khi lựa chọn trái cây nhập khẩu.
Trong khi sản lượng của các nước sản xuất chủ chốt năm nay cao thì cầu tiêu thụ lại chậm do dịch Covid-19. Vì Trung Quốc là thị trường lớn duy nhất hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhu cầu của người tiêu dùng cũng tăng lên, do đó các nước xuất khẩu lớn đều tìm cách chuyển hàng tới bán ở thị trường Trung Quốc.
Chile, một nước xuất khẩu anh đào lớn, có vụ thu hoạch 2020-2021 bội thu, và lượng xuất khẩu dự kiến tăng 30% so với năm ngoái, trong đó khoảng 500.000 tấn sẽ đến thị trường Trung Quốc, theo thông tin từ Đại sứ quán Chile ở Trung Quốc.
Theo dự báo của Hiệp hội Anh đào Chile, 90% sản lượng anh đào Chile thu hoạch trong niên vụ 2020-2021 sẽ được bán cho thị trường Trung Quốc.
Trong niên vụ 2019-2020, xuất khẩu anh đào của Chile đã tăng cao gấp hơn 150 lần Australia và giá bán rẻ hơn, theo thống kê từ Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia. Trong năm 2019, Australia xuất khẩu 1.487 tấn anh đào sang Trung Quốc, giảm 7% so với năm 2018.
Một số nhà kinh doanh trái cây còn cho biết rằng, thị phần anh đào Australia ở Trung Quốc giảm còn do chất lượng thấp hơn vì đang trái vụ.
Tham khảo: Xiangxiao Mornin, Globaltimes