MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những hiểu lầm hay gặp với người làm ngân hàng

04-09-2017 - 08:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Những người làm ngân hàng phần lớn đều thấu hiểu cho nhau, nhưng người ngoài nhìn vào đôi khi vẫn có những lầm tưởng về ngân hàng.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của độc giả Lê Hải Yến gửi tới cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức.

-------------------

Những người làm ngân hàng phần lớn đều thấu hiểu cho nhau, nhưng người ngoài nhìn vào đôi khi vẫn có những lầm tưởng về ngân hàng.

Là người đã gắn bó với nghề một thời gian khá dài, tôi xin liệt kê ra đây những hiểu lầm phổ biến mà người ngoài vẫn "ưu ái" dành cho dân ngân hàng chúng tôi.

Hiểu lầm 1: Làm ngân hàng việc nhẹ

Thường thì các phòng giao dịch của các Ngân hàng sẽ không nhận thực hiện các giao dịch tiền mặt từ 4 giờ chiều, và giờ kết thúc làm việc vào 5 giờ chiều, nhưng điều đó không có nghĩa là công việc của nhân viên ngân hàng sẽ kết thúc tại đó. Họ còn phải hoàn thiện sổ sách, chứng từ, kiểm kê tiền, những phòng giao dịch nhỏ không có két sắt thì còn phải chuyển tiền về kho quỹ. Nếu chẳng may lệch sổ thì mọi người đều phải ở lại kiểm tra lại toàn bộ chứng từ, hồ sơ. Thế nên việc về muộn là hết sức bình thường.

Trong điều kiện thị trường ngày một cạnh tranh, bộ phận kinh doanh thì lao đao với chỉ tiêu huy động, chỉ tiêu cho vay cao ngất ngưởng, các bộ phận hỗ trợ cũng chẳng phải là nhẹ nhàng hơn. Bộ phận vận hành có thể phải trực 24/7 để đảm bảo mọi hệ thống, phần mềm của ngân hàng được vận hành trơn tru và bảo mật. Những cán bộ thẩm định có thể phải lặn lội đi gặp gỡ khách hàng tại khắp mọi địa bàn, rồi về cặm cụi làm hồ sơ cho đến tận tối muộn cho kịp khách hàng giải ngân. Những cán bộ thu hồi nợ có thể nửa đêm bị gọi dậy để xử lý một tình huống khách hàng có hành vi tẩu tán tài sản trốn nợ. Nhân viên ngân hàng thường chỉ có hai trạng thái bận và rất bận. Nếu muốn chọn việc nhẹ nhàng thì xin đừng chọn nghề ngân hàng.

Hiểu lầm 2: Làm ngân hàng lương cao

Ngày càng có nhiều ngân hàng báo mức thu nhập bình quân nghìn đô khiến cho mọi người nhìn vào mà ao ước. Nhưng mà trên thực tế không phải ai trong ngân hàng cũng đạt được mức thu nhập đó. Thu nhập của những nhà quản lý thường cao hơn rất nhiều so với nhân viên mà chúng tôi hay đùa nhau là lương của sếp có khi bằng lương nhân viên cả phòng cộng lại. Chính vì vậy khi chia trung bình ra mức thu nhập của từng ngân hàng có thể rất khủng nhưng thực tế lương mà nhân viên cán bộ ngân hàng nhận được không hề cao hơn những ngành nghề khác.

Trên thực tế phần lớn trong tất cả những người tôi biết, làm ở tất cả các ngân hàng lớn nhỏ, rất ít người có ít hơn 3 năm kinh nghiệm có thể đạt được mức thu nhập bằng với mức thu nhập bình quân của ngân hàng.

Hiểu lầm 3: Làm ngân hàng thưởng lắm

Mỗi năm tết về một thông tin luôn được mọi người cả trong ngành và ngoài ngành quan tâm là năm nay các ngân hàng thưởng tết bao nhiêu. Một lần nữa báo chí thường đưa ra những thông tin rất dễ gây hiểu về ngành ngân hàng như: Ngân hàng A thưởng tết tối đa X tháng lương, ngân hàng B thưởng Y tháng lương. Xin được nhấn mạnh mức thưởng cao chỉ xảy ra ở bộ phận kinh doanh đối với những cá nhân xuất sắc của những chi nhánh hoàn thành vượt mức kế hoạch, hay nói cách khác là đếm trên đầu ngón tay thôi.

Phần lớn các cán bộ bình thường của ngân hàng nhận được một mức thưởng hết sức bình thường, vào khoảng 2-3 tháng lương cho những năm ngân hàng làm ăn tốt. Đặc biệt là đối với khối hỗ trợ, mức thưởng thường cố định theo xếp loại nhân viên và không có nhiều đột biến.

Cũng có một số ngân hàng có truyền thống trả thưởng cao, nhưng đó phần lớn là do khác biệt về cách thức phân chia giữa lương và thưởng, lương thấp xuống thì thưởng nhiều hơn. Nhìn chung chờ thưởng Tết để mua được ô tô thì vẫn chỉ là đếm trên đầu ngón tay được mà thôi.

Chưa kể đến việc thưởng của ngân hàng rất hay lên cao vút, xuống mất hút. Năm nào ngân hàng ăn nên làm ra thì nhân viên theo đó mà được thưởng khấm khá, năm nào ngân hàng làm ăn thất bát thì phần thưởng có thể chính là xin hẹn gặp bạn lần sau.

Hiểu lầm 4: Muốn vào làm ngân hàng phải có thứ nhất quan hệ thứ nhì tiền tệ

Mất tiền hoặc phải có quan hệ mới xin được vào ngân hàng? Có quan hệ để xin vào thì với môi trường áp lực như trong ngân hàng chắc cũng văng ra sớm. Mất tiền để xin vào ngân hàng thì không đáng vì thu nhập ngân hàng như đã nói ở trên không phải là rất cao. Tuy tôi không dám kết luận là không có, nhưng chắc chắn là những điều này không phổ biến. Bạn tôi đang làm tại rất nhiều ngân hàng lớn có, bé có, phần lớn đều tự thi và phỏng vấn rồi vào làm, thậm chí sau 5-7 năm công tác, rất nhiều người đã lên sếp.

Quan hệ thì có quan hệ vẫn tốt hơn, vì sự thật là rất nhiều vị trí trong ngân hàng người ta sẽ ưu tiên tuyển nội bộ trước hoặc tuyển theo kiểu có người giới thiệu. Tuyển nội bộ là vì những cán bộ nội bộ là người hiểu rõ cách thức vận hành của ngân hàng, giảm thiểu thời gian làm quen với công việc. Có người giới thiệu tức là có người xác nhận khả năng trình độ cũng như phẩm chất tính cách của ứng viên để từ đó quyết định tuyển dụng, bởi vì đôi khi một vài cuộc phỏng vấn cũng chưa thể đảm bảo nhà tuyển dụng hiểu rõ được khả năng của ứng viên. Có quan hệ, ừ thì cũng dễ giúp bạn hoàn thành các chỉ tiêu KPI kinh doanh được dễ dàng hơn trong những ngày chân ướt chất ráo vào nghề. Chính vì vậy có nhiều mối quan hệ quen biết với các cán bộ trong ngân hàng cũng là một lợi thế nếu như bạn muốn vào làm ngân hàng.

Hiểu lầm 5: Giờ học ngân hàng còn thất nghiệp đầy ra, không học ngân hàng làm sao xin vào ngân hàng được

Nói chung ngành ngân hàng thừa thì có thừa mà thiếu thì vẫn luôn thiếu. Thừa là vì số lượng sinh viên ra trường ngành ngân hàng tài chính mấy năm qua thực sự quá nhiều, những kỹ năng đào tạo trong nhà trường chưa phải là rất sát với yêu cầu của ngân hàng, chính vì vậy có những trường hợp không xin được việc.

Tuy nhiên nhân sự thiếu thì vẫn luôn thiếu, mỗi năm các ngân hàng đều có nhiều đợt tuyển dụng lớn để tuyển thêm nhân viên. Số lượng nhân viên các ngân hàng đều đang tăng theo từng năm, thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển. Chính vì vậy nếu như có lỡ yêu ngành Ngân hàng thì hãy chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang cho mình, và chắc chắn sẽ có một vị trí dành cho bạn.

Ngoài ra ngoại trừ các vị trí kinh doanh như giao dịch viên, chuyên viên quan hệ khách hàng, rất nhiều bộ phận trong ngân hàng không hề cần phải học ngân hàng mới có thể vào làm. Bộ phận vận hành thường tuyển người tốt nghiệp công nghệ thông tin, Bộ phận nguồn vốn thường tuyển người có kiến thức về chứng khoán đầu tư. Bộ phận quản trị rủi ro có thể tuyển ai cũng được miễn là học kinh tế. Cá biệt tôi đã từng thấy trường hợp học sư phạm đi làm ngân hàng hoặc học tiến sĩ toán rồi làm ngân hàng và có CEO ngân hàng đã từng học vật lý hạt nhân hoặc ngành gì đó tương tự.

Để làm và gắn bó với ngành ngân hàng cái quan trọng không phải là bằng cấp, không phải là những mối quan hệ, không thể làm vì tiền mà chỉ có thể là một tình yêu nghề và ý chí kiên định cùng với nỗ lực hết mình.

Lê Hải Yến

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên