MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người trồng hồ tiêu cầu cứu ngân hàng

11-05-2019 - 20:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Nông dân trồng tiêu đã có đơn thư gửi đến chính quyền địa phương, NHNN Việt Nam kêu cứu sự hỗ trờ về việc giảm lãi, gia hạn nợ, cơ cấu nợ và khoanh nợ vốn vay.

Chiều 10/5 đã diễn ra buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với tỉnh Gia Lai về việc tháo gỡ khó khăn cho người dân vay vốn trồng hồ tiêu tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai.

Tham dự buổi làm việc, về phía Ngân hàng Nhà nước có Phó thống đốc Đào Minh Tú, lãnh đạo các đơn vị Văn phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Truyền thông, và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai. Về phía tỉnh Gia Lai, có ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, các sở, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo hội sở các TCTD có dư nợ cho vay đối với cây hồ tiêu.

Thông tin tại buổi làm việc cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa dầm thất thường khiến cho cây hồ tiêu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt tại Gia Lai chết hàng loạt. Hàng ngàn hecta hồ tiêu tại Gia Lai bị nhiễm bệnh chết đồng loạt, khiến nông dân trồng tiêu đối mặt với nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều nông hộ trồng tiêu bỏ đi khỏi địa phương hoặc không còn việc để làm đi mưu sinh ở địa phương khác, hoặc sợ ngân hàng đến đòi nợ vốn vay...

Trước thực tế này, nông dân trồng tiêu đã có đơn thư gửi đến chính quyền địa phương, NHNN Việt Nam kêu cứu sự hỗ trờ về việc giảm lãi, gia hạn nợ, cơ cấu nợ và khoanh nợ vốn vay. Trước tình hình này, Thống đốc NHNN nhiều lần có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu. Đồng thời, chỉ đạo các NHTM cho vay đối với cây hồ tiêu tích cực có giải pháp hữu hiệu, kịp thời hỗ trợ cho nông dân trồng tiêu tháo gỡ khó khăn.

Tại buổi làm việc, ông Trương Phước Ánh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết nguyên nhân người dân sản xuất hồ tiêu bị thiệt hại do tiêu chết, giá cả giảm thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống và khả năng trả nợ vay ngân hàng. Nguyên nhân sâu xa hơn, tư những năm trước, hồ tiêu được giá, người dân bất chấp, phát triển nóng cây hồ tiêu, vượt xa diện tích quy hoạch của địa phương gần gấp 2 lần, vướt gần 7.000ha. Từ năm 2017 đến nay, do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, cùng với giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, dẫn đến người dân không giảm đầu tư chăm sóc dẫn đến tiêu chết hàng loạt, với 6.627ha tiêu bị chết.

Về tình hình cho vay ngành tiêu và tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Dư nợ cho vay của 14 chi nhánh TCTD + NHCSXH đối với hồ tiêu tại Gia Lai đạt trên 3.724 tỷ đồng (ngắn hạn 2.665 tỷ đồng, chiếm 71,56%). Số khách hàng còn dư nợ là: 18.888 khách hàng. Diện tích hồ tiêu bị thiệt hại đến nay là 6.490ha. Dư nợ thiệt hại 2.653 tỷ đồng của 11.056 khách hàng. Nợ xấu là 451 tỷ đồng, chiếm 12,1% dư nợ cho vay hồ tiêu, (Dư nợ ngành tiêu Tây Nguyên đạt 12.153 tỷ đồng, trong đó thiệt hại tại 2 tỉnh: Gia Lai 2.653 tỷ đồng, Đắk Nông 250 tỷ đồng).

 Vừa qua, NHNN đã nhận được kiến nghị của UBND tỉnh Gia Lai, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai và Nghệ An, các hộ dân huyện Chư Prông đề nghị NHNN: Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp giãn nợ, giảm lãi suất vay và cho vay mới để giúp người dân trồng hồ tiêu trong tỉnh Gia Lai ổn định sản xuất. Tiếp đến là khoanh nợ cho các hộ nông dân vay vốn trồng hồ tiêu bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, NHNN đã có các văn bản số 3098/NHNN-TD ngày 26/4/2019 trả lời UBND tỉnh Gia Lai, số 2596/NHNN-VP ngày 10/4/2019 trả lời Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai và Nghệ An, số 2564/NHNN-VP ngày 9/4/2019 trả lời các hộ dân về các giải pháp ngành ngân hàng đã thực hiện như sau: Trước tình hình khó khăn của các hộ trồng tiêu tại Gia Lai thì NHNN chi nhánh và các TCTD trên địa bàn đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế của khách hàng vay vốn để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và tiếp tục cho vay chuyển đổi giống cây trồng cho các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại. NHNN đã có văn bản số 2578/NHNN-TD ngày 10/4/2019 chỉ đạo các TCTD chủ động có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các hộ dân trồng tiêu theo quy định hiện hành.

Sự triển khai nghiêm túc và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn

Theo phản ảnh của các TCTD cho vay đối với cây hồ tiêu, khách hàng vay vốn đang thực sự khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Nhiều khách hàng bỏ vườn tiêu, bỏ nhà đi làm ăn nơi khó, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ.

Tuy nhiên, các TCTD khẳng định, trước sự khó khăn của khách hàng, ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc. Theo đại diện Agribank, các chi nhánh tại Gia Lai cho vay đối với cây hồ tiêu hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại hơn 928 tỷ đồng; nợ xấu gần 50 tỷ đồng. Song để hỗ trợ người trồng tiêu có điều kiện làm ăn trả nợ vốn vay, Agribank đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ như cho vay mới để nông dân chuyển đổi cây trồng, điều chỉnh lãi suất, giảm lãi suất cho vay trung dài hạn...

Còn đại diện hội sở Vietinbank cho hay, các chi nhánh cho vay đối với cây hồ tiêu tại Gia Lai khoảng 717 tỷ đồng (621 tỷ đồng nợ quá hạn). Trước thực tế này, lãnh đạo Vietinbank có văn bản chỉ đạo các chi nhánh xem xét cơ cấu lại nợ, cho vay mới đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh đối với cây hồ tiêu hiệu quả.

Đại diện VietinBank kiến nghị, việc xử lý nợ, tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiều cần có sự chung tay của NHNN, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc công bố dịch bệnh thiên tai, để có hướng đề xuất khoanh nợ cho người trồng tiêu.

Đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây hồ tiêu nằm trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng kép bởi biển đổi khí hậu, giá thị trường sụt giảm, nông dân bỏ bê dẫn đến cây tiêu bị thiệt hại nặng trong những năm gần đây. Trên địa bàn, vẫn có một số nơi người dân trồng tiêu vẫn có thu nhập ổn định từ cây tiêu bằng phương phát sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Do đó, khẳng định cây tiêu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, người trồng tiêu gặp rủi ro, bị thiệt hại như hiện này là khách quan. Do đó, cần tạo điều kiện để người trồng tiêu vượt qua khó khăn. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần nghiên cứu kỹ các chính sách, các quy định của Chính phủ để sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh để có cơ sở hỗ trợ cho người dân; ngân hàng có cơ sở để khoanh nợ cho khách hàng hồ tiêu...

Còn ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, các bên liên quan làm thế nào chốt được một giải pháp chung để có phương án khoanh nợ cho người trồng tiêu bị thiệt hại. UBND tỉnh cấp thời có giải pháp giúp đỡ cho người dân tái sản xuất. Các ngân hàng có hướng giảm, miễn lãi cho người dân. Đồng thời, bán tài sản để xử lý nợ cũng là một giải pháp cần tính đến.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, đây là vấn đề cấp bách cần có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn.

Phó thống đốc cho rằng, công việc trước mặt cần làm ngày là NHNN tỉnh Gia Lai, các TCTD, nhanh chống thống kế, đánh giá thực trạng, chất lượng tín dụng đối với cây hồ tiêu; phân tích thiệt hại tín dụng, thiệt hại thực tế của bà con nông dân, thực tế dư nợ đến thời điểm hiện tại; có báo cáo tổng hợp về NHNN trước ngày 30/6/2019, đồng thời đề xuất giải pháp, hướng xử lý về thực trạng thiệt hại; các TCTD xem xét từng món vay cụ thể để giảm lãi vay, giãn nợ; đặc biệt là miễn, giảm lãi vay cho bà con; báo cáo kết quả xử lý về NHNN. Đồng thời, bàn bạc cụ thể với khách hàng trước khi đưa ra hướng xử lý nợ vay. Trên cơ sở đó, các chi nhánh đề xuất trích lập dự phòng rủi ro đối với tín dụng cho vay cây hồ tiêu bị thiệt hại.

Đối với chính quyền địa phương, Phó thống đốc cho hay, NHNN sẵn sàng phối hợp để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người trồng hồ tiêu bị thiệt hại. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với ngân hàng đánh giá thực trạng thiệt hại đối với cây hồ tiêu. Đồng thời, có chính sách tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách của nhà nước, tránh trường hợp chủ quan, ỷ lại sự hỗ trợ...

B.N

SBV

Trở lên trên