Người trồng hoa lan Đà Lạt điêu đứng vì tai họa kép
Mới vào đầu tháng Chạp, hoa đã nở rộ khiến nhà vườn Đà Lạt đứng ngồi không yên, đó là chưa kể vấn nạn hoa Trung Quốc đội lốt lan Đà Lạt.
- 02-12-2021Nông dân ngại đầu tư giống hoa Tết sang xịn, trồng hoa rẻ cho dễ bán
- 25-11-2021Người trồng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, lắp điều hòa chuẩn bị vụ hoa Tết
- 21-02-2021Làng trồng hoa nổi tiếng ở Hà Nội ế ẩm, dân khóc ròng cắt hoa vứt đầy ruộng
Thông thường, ngoài 20 tháng Chạp âm lịch mới vào cao điểm thu hoạch địa lan để phục vụ Tết Nguyên đán .
Hơn 70% hoa địa lan nở trước Tết
Đến các vườn hoa địa lan ở các phường 5, 7, 8 và các xã Xuân Trường, Xuân Thọ…, đâu đâu cũng nghe thông tin hoa nở quá sớm khiến nhà vườn thất thu. Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường) trồng khoảng 15.000 chậu địa lan cho vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Còn hơn 3 tuần nữa mới đến Tết nhưng gần 80% số chậu đã bung hoa vàng rực. Bà Huệ đành thuê người cắt cành để bán với giá rẻ để vớt vát lại phần nào công sức đã đầu tư, chăm sóc cả năm trời. Hoa loại một được bán với giá 45.000 đồng/cành, còn các loại 2 và 3 chỉ khoảng trên dưới 10.000 đồng/cành. Trong khi đó, nếu nở đúng dịp Tết, hoa lan sẽ được ghép chậu để bán với giá lên tới 400.000 - 600.000 đồng/cành.
Thành phố Đà Lạt có trên 35ha trồng địa lan, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên dưới 450.000 cành hoa. Những loài hoa lan bán được giá nhất là vàng hoàng hậu, vàng New Zealand, xanh New Zealand, kế đến là vàng SJC, vàng mít, vàng chanh, cam lửa, xanh 207…
Tương tự, nhiều vườn địa lan khác, hoa đua nở vàng rực rất đẹp mắt nhưng gương mặt của chủ vườn buồn rười rượi. Ông Lê Xuân Thành (phường 5), người có thâm niên mấy chục năm trồng địa lan chia sẻ, năm nay người trồng địa lan thất thu do hoa bị nở sớm, sản lượng hoa vào đúng Tết không còn được bao nhiêu, chỉ khoảng 30%. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá bán địa lan có thể giảm từ 10-20% so với năm ngoái.
Địa lan Đà Lạt nở hoa vàng rực trước Tết khiến nhà vườn thất thu
Theo những người trồng địa lan, hoa bắt đầu nở rải rác từ tháng 11 dương lịch, sang đến tháng 12 thì rộ; nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết bất thường, ít lạnh. Những tháng gần đây, ban ngày nắng ấm, số giờ nắng trong ngày cao đã kích thích cây nẩy nụ, nở hoa sớm, nhất là địa lan.
Từ 3-4 tháng trước, người trồng hoa đã tìm cách hãm bớt sự phát triển của các loại hoa như hạn chế tưới, giảm lượng phân bón, dùng lưới đen hạn chế quang hợp, dùng lưới bọc nụ hoa...; thế nhưng cuối cùng vẫn phải chào thua trước thời tiết nắng nóng và mưa gió thất thường.
Nguyên nhân khác, theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, nhiều giống hoa lan được nhập từ nước ngoài và thường nở vào dịp Tết dương lịch. Khi mang về trồng tại Đà Lạt, nhà vườn đã có nhiều biện pháp kìm hãm sự phát triển của hoa để nở vào Tết Nguyên đán nhưng dẫu sao vẫn có độ vênh nhất định, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa gió thất thường.
Lan hồ điệp Trung Quốc đội lốt hoa Ðà Lạt
Cũng theo ông Sang, lan hồ điệp Đà Lạt ngày càng được thị trường cả nước ưa chuộng vì chất lượng vượt trội và chưng được lâu hơn so với hoa nhập từ Trung Quốc. Thế nên nguy cơ hồ điệp Trung Quốc mượn danh Đà Lạt bán ra thị trường là rất lớn.
Những năm trước tình trạng hoa Trung Quốc đội lốt hoa Đà Lạt xảy ra rải rác, chủ yếu là địa lan. Riêng mấy tháng nay, một số người từ Hà Nội vào Đà Lạt thuê đất dựng nhà kính rồi nhập lan hồ điệp từ Trung Quốc chở vào Đà Lạt chăm sóc để bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nếu số hoa này được quảng cáo là hồ điệp Đà Lạt sẽ khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Tết Nhâm Dần sắp tới, có khoảng 400.000 chậu hồ điệp Trung Quốc được tút tát tại Đà Lạt rồi bán ra thị trường cả nước. Trong khi đó, các trang trại chuyên sản xuất hồ điệp Đà Lạt như Ysa Orchid Farm, Trường Hoàng… xuống giống từ 300.000 - 500.000 chậu. Do vật tư sản xuất như phân bón, giá thể, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; chi phí thuê nhân công cũng tăng nên giá hoa hồ điệp năm nay có thể tăng hơn năm trước khoảng 10%.
Tiền phong