Người trồng hoa Tết lo lắng sức tiêu thụ
Thời tiết thuận lợi cho hoa phát triển, tuy nhiên nhiều nhà vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang lo lắng về sức tiêu thụ của vụ hoa Tết năm nay.
- 23-12-2023Quất Hội An vào vụ Tết
- 21-12-2023Kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng cam đặc sản bán dịp Tết
- 21-12-2023Thủ phủ bưởi diễn: Tới tấp đơn hàng Tết, kiếm bộn tiền check-in
Có mặt tại làng hoa xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang là thời điểm người dân tất bật chăng lưới cho từng chậu cúc, để giữ cây không bị đổ. Đây là thời điểm người dân mới ngừng chong đèn, hoa cúc đại đóa đang bắt đầu ra nụ, cây phát triển rất tươi tốt.
Làng hoa xã Láng Lớn hiện nay có khoảng 50 hộ trồng hoa, diện tích khoảng gần 30ha với khoảng hơn 200.000 chậu hoa phục vụ Tết Nguyên đán, đây là làng hoa mới hình thành tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng gần 10 năm trở lại đây. Tại làng hoa này, bà con chủ yếu trồng các loại hoa cúc đại đóa, cúc pha lê và hoa hồng… Việc trồng hoa phục vụ thị trường Tết đã đem lại nguồn thu nhập rất khấm khá cho nhiều hộ dân.
Đang tất bật cùng nhân công chăng lưới cho từng chậu cúc đại đóa, anh Nguyễn Hoàng Sinh, ngụ ấp Tân Giao, xã Láng Lớn cho biết, năm nay tình hình kinh tế của người dân khó khăn, anh lo lắng thị trường hoa Tết không được khả quan như mọi năm nên năm nay anh Sinh chỉ dám trồng 2.000 chậu hoa chủ yếu là cúc đại đóa, thay vì trồng 3.000 chậu như năm ngoái.
Lo lắng thị trường tiêu thụ kém, năm nay anh Nguyễn Hoàng Sinh cũng không dám trồng nhiều chậu cúc có kích cỡ lớn như mọi năm mà chia đều ra, cỡ chậu 50-60cm anh trồng 1.000 chậu, cỡ 80cm -1m anh trồng 1.000 chậu, trong khi đó năm ngoái anh trồng chủ yếu là chậu kích cỡ 80cm-1m.
Cũng theo anh Sinh, do lo lắng thương lái khó tìm tới nhà để mua hoa, năm nay anh Sinh đã thuê đất ra sát đường lớn để trồng hoa và làm biển hiệu để bà con quanh vùng cũng như thương lái biết đến cũng như dễ dàng ghé vườn mua hoa.
Đến thời điểm này, vườn nhà anh Sinh mới chỉ có thương lái đến đặt mua khoảng 30% số lượng chậu hoa, trong khi đó năm ngoái đã có thương lái đặt mua tới hơn 50% số lượng chậu. Mặc dù lo lắng bán ế ẩm, anh cũng đã đăng ký thuê một ki ốt trong chợ để bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Còn anh Đoàn Văn Bình, cùng ngụ ấp Tân Giao, xã Láng lớn, huyện Châu Đức trồng 1.000 chậu hoa chủ yếu là đại đóa. Năm nay lo lắng sức tiêu thụ đối với chậu kích cỡ lớn loại 1,1m nên anh chỉ dám trồng 60 chậu, còn lại là các kích cỡ nhỏ, vừa tiền, dễ tiêu thụ.
"Nếu thời điểm này mọi năm thương lái đã lùng sục tới các vườn để đặt cọc trước khá nhiều, thì năm nay lại khá ảm đạm, như vườn nhà anh đã có thương lái tới đặt cọc nhưng đặt số lượng rất ít. Công sức làm gần nửa năm, bao nhiêu công sức, tiền của đổ cả vào vườn hoa nên rất mong thị trường tiêu thụ thuận lợi", anh Bình cho biết
Làng hoa Kim Dinh, thành phố Bà Rịa là làng hoa đã hình thành lâu đời và đầu tiên tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo thống kê phường Kim Dinh, vụ hoa Tết năm nay bà con xuống giống khoảng 20ha của 156 hộ. Năm nay thời tiết nắng nhiều rất thuận lợi cho hoa Tết phát triển, nhưng người trồng hoa khá lo lắng về thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ khu phố Kim Dinh, phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa cho biết, năm nay gia đình ông trồng khoảng 5.000 chậu chủ yếu là cúc đại đóa, hiện đang là thời điểm hoa đang ra nụ, đến khoảng gần 20 tháng Chạp âm lịch sẽ xuất bán hoa. Tình hình kinh tế khó khăn để phù hợp với túi tiền người dân nên năm nay ông lựa chọn trồng đại đa số là kích cỡ chậu nhỏ 60cm, với khoảng 2.000 chậu, loại kích cỡ lớn là 1,2m ông chỉ dám trồng khoảng 30 chậu.
Ông Nam chia sẻ, năm nay vườn hoa của gia đình đã được một số thương lái quen đến đặt cọc, họ trả giá các loại hoa Tết năm nay giá chỉ bằng năm ngoái, trong khi đó chi phí phân, thuốc, nhân công năm nay cho vụ hoa Tết đã tăng lên khoảng hơn 10%.
Nhiều nông dân chia sẻ, trồng hoa bán Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Từ ngày xuống giống đến lúc có hoa bán phải mất thời gian từ 3 đến hơn 5 tháng (tùy loại). Những chậu hoa đạt chất lượng đòi hỏi bông phải to, hoa nở đều vào đúng dịp Tết. Chính vì vậy, người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích cây sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra hoa theo ý muốn. Vất vả để chăm hoa nên người trồng luôn mong một mùa thu hoạch bội thu. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu thì người trồng hoa Tết lại đang bộn bề với nỗi lo đầu ra và sức tiêu thụ hoa.
Báo Tin Tức