Người trồng mía Khánh Hòa chưa kịp 'ứng phó'
Khánh Hòa là một trong các tỉnh trồng nhiều mía nhất miền Trung. Những năm qua mặc dù tỉnh, người dân và doanh nghiệp có nhiều giải pháp nhưng do thiếu nước tưới trong mùa khô nên năng suất cây mía vẫn thấp.
- 17-10-2017Giá mía giảm, nỗi lo tăng
- 13-10-2017Hậu Giang: Mía rớt giá, nông dân lao đao
- 30-09-2017Giá mía đầu vụ thấp trong khi giá thuê nhân công thu hoạch tăng cao
Vậy làm thế nào để cây mía “ứng phó” được với Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA)? Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Ninh, PGĐ Sở NN- PTNT Khánh Hòa.
Ông Lê Bá Ninh, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa
Ông đánh giá gì về thực trạng, vai trò của ngành mía đường với tỉnh Khánh Hòa?
Mía vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh với 16.000ha, tập trung tại các huyện Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Diên Khánh…, sản lượng đạt gần 1 triệu tấn mía cây. Hiện tỉnh có 2 nhà máy đường là Cty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa và Cty CP Đường Khánh Hòa tại Cam Ranh, thu mua toàn bộ vùng nguyên liệu cho người dân.
Toàn tỉnh có 8.000 hộ trồng mía ký hợp đồng với 2 nhà máy. Hiện nay, theo tính toán thì chi phí mà người nông dân bỏ ra cho mỗi tấn mía hết 550.000 đồng, lợi nhuận mang lại khoảng 10 triệu đồng/ha.
Vai trò của cây mía với người nông dân Khánh Hòa rất quan trọng, bởi các vùng trồng mía của tỉnh hầu như không có cây gì thay thế do chưa có hệ thống thủy lợi. Mặc dù thu nhập so với những loại cây trồng khác có thể không cao bằng nhưng cây mía đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ nông dân, và trên thực tế nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ mảnh đất khô cằn này.
Đầu năm 2018, nước ta tham gia Hiệp định ATIGA. Theo ông, người trồng mía Khánh Hòa có “ứng phó” được với sức ép từ đường ngoại nhập, nhất là đường Thái Lan?
Như tôi đã nói, hiện nay những vùng trồng mía của Khánh Hòa chủ yếu ở những nơi chưa có thủy lợi, hoàn toàn phụ thuộc vào mưa, do vậy năng suất mía bình quân rất thấp, mới đạt khoảng 55 tấn/ha, vì vậy giá thành mỗi tấn mía còn cao.
Tôi được biết giá mía của Thái Lan mua tại nhà máy với giá 1050 Bath, tương đương 800.000 đồng/tấn. Nếu các nhà máy của chúng ta thu mua mía với giá ngang bằng Thái Lan thì dẫn tới người trồng mía thua lỗ và cây mía không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa. Một khi người nông dân bỏ mía thì chưa biết có cây gì thay thế được.
Ngành mía đường đã giúp xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ nông dân
Để hội nhập, Khánh Hòa đã có giải pháp gì cho ngành mía đường, thưa ông?
Để người trồng mía sống được trong thời kỳ hội nhập thì quan trọng nhất là làm sao phải hạ được giá thành khâu sản xuất mía bằng cách phải nâng cao năng suất, do vậy Khánh Hòa phấn đấu năng suất mía đạt 70 tấn/ha trở lên.
Để đạt được mục tiêu này, cần nhiều yếu tố. Đó là triển khai đồng bộ từ kỹ thuật canh tác như cày sâu để cho cây mía phát triển tốt, cải thiện chất lượng giống mía, đặc biệt giống phải chịu được hạn hán, cho năng suất cao. Cuối cùng là cơ giới hóa đồng bộ, từ trồng đến thu hoạch mía.
Đồng thời thực hiện ngay cánh đồng mẫu mía lớn vì chỉ khi đó mới áp dụng được cơ giới hóa, giúp giảm chi phí. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang triển khai cánh đồng mẫu mía lớn với 272ha, kinh phí thực hiện 24,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 7 tỷ đồng, còn lại là doanh nghiệp và người nông dân đóng góp. Từ dự án này, tỉnh sẽ có tổng kết và triển khai trên diện rộng.
Bên cạnh đó những vùng nào có nguồn nước cần phải đầu tư thủy lợi phục vụ tưới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng mía… Đây là những vấn đề cấp bách phải triển khai ngay trong trước mắt.
Xin cảm ơn ông!
"Hội nhập là tất yếu, nhưng nếu thực hiện ngay ATIGA từ 01/01/2018 thì người trồng mía Khánh Hòa gặp rất nhiều khó khăn, do vậy chúng tôi đồng tình với Hiệp hội Mía đường Việt Nam mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét giãn thời gian thực hiện hiệp định thêm vài năm nữa để ngành mía đường Việt Nam cũng như người trồng mía tỉnh Khánh Hòa có thời gian chuẩn bị được tốt hơn", ông Lê Bá Ninh.
Nông nghiệp Việt Nam