Người trồng mía Khánh Hòa trắng tay sau bão
Hàng ngàn ha mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau bão 12 đi qua. Một vụ mía trắng tay.
- 04-11-2017Người trồng mía Khánh Hòa chưa kịp 'ứng phó'
- 28-09-2017Diện tích trồng mía thấp nhất trong 10 năm trở lại đây
- 04-07-2017Trồng mía trên cánh đồng lớn: Chi phí giảm, lãi tăng gấp đôi
Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Đổ rạp, bật gốc toàn bộ
Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768ha mía chịu thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều địa phương như Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Sim... diện tích thiệt hại trên 1.000ha.
Sau bão, diện tích trồng mía trên địa bàn TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề
Ông Lê Thiện Nhất, Phó chủ tịch xã Ninh Sim, cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.800ha mía gãy đổ, bật gốc. “Tùy từng cây ở độ tuổi nào mà chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung là tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%. Chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%”, ông Nhất nói.
Được biết, vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Qua quan sát, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. “Năng suất sẽ giảm khoảng 50 - 70% vì cây đã gãy như thế thì không phát triển được nữa”, ông Cao Văn Cảnh (Ninh Sim) - một người dân trồng mía cho biết.
Vụ mía này, ông Cảnh canh tác diện tích 20ha. Tính tất cả chi phí đầu tư, phân bón, nhân công... ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng. Bình thường với diện tích này mỗi năm sẽ đem lại cho ông khoảng 200 - 300 triệu tiền lời thì năm nay, gia đình ông sẽ thua lỗ với con số tương tự.
Trắng tay sau bão
Cũng giống như ông Cảnh, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ 57ha mía của gia đình ông Nguyễn Hữu Điền (Ninh Xuân, Ninh Hòa) cũng thiệt hại hoàn toàn. Ông Điền nghẹn ngào: “Còn gì đâu mà nhắc đến nữa. Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho đồng mía giờ toàn bộ vốn liếng gần như đi sạch. Dù có vớt vát lại cũng phải lỗ gần cả tỷ đồng rồi. Số tiền lỗ còn có thể hơn nữa vì năm nay, mía đổ nghiêng ngả nên thu hoạch khó. Tiền công chặt năm ngoái trung bình 200.000 đồng mỗi tấn chứ năm nay có thể lên đến 300.000 đồng, càng thêm lỗ”.
Những cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị gió bão làm gãy ngọn
Đau xót không kém là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Được (Ninh Tây). Mấy ngày nay, dù căn nhà của ông bị đổ sập, mọi thứ còn ngổn ngang chưa dọn dẹp nhưng vì quá buồn bã ông cứ đi loanh quanh khắp nơi cho khuây khỏa. Toàn bộ diện tích 45 ha mía của ông đều bị bão tàn phá hư hại.
“Mất sạch rồi chú à. Mấy ngày nay người trồng mía chúng tôi đã khóc cạn nước mắt. Trồng mía ở đây mấy chục năm chưa có năm nào cây mía bị tàn phá hoàn toàn như thế. Trong 6 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng ra đi sạch”, ông Được nói.
Lặng lẽ đi vào ruộng mía, ông Được cho biết thêm, với cây mía đã ngã đổ thì người dân chỉ biết để vậy chứ không có cách nào khắc phục. Khi nào thu hoạch chặt được chừng nào hay chừng đó. “Mía chưa phát triển tối đa đã gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường cũng thấp, giá bán thấp hơn. Những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 - 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế chỉ bỏ luôn chứ làm gì được. Tính ra năm nay nhà tôi thua lỗ gần 700 triệu đồng”, ông Được nói.
Nông nghiệp Việt Nam