Người trồng sắn nguy cơ thiệt hại kép
Hiện nông dân tỉnh Phú Yên đang vào vụ trồng sắn mới, thế nhưng do hom sắn khan hiếm, người dân mót cây sắn nằm ở bờ bụi để trồng, điều này dẫn đến nguy cơ bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng hại sắn.
Trước đó, bão số 12 làm hàng ngàn héc ta sắn bị lỏng gốc, đổ ngã, năng suất thấp.
Hàm lượng tinh bột sụt giảm
Ông Nguyễn Trung, nông dân trồng sắn ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), cho hay: Tôi trồng 1ha sắn, mấy năm trước thu được 17 tấn củ nhưng nay chỉ còn 13 tấn. Trước đó, bão số 12 làm ngã đứt rễ cái, lúc đó củ sắn bằng ngón chân cái, đến nay củ vẫn “nằm im” không lớn thêm chút nào do cây mất sức. Cũng vì vậy hàm lượng tinh bột sụt giảm nghiêm trọng, từ chỗ giá mua 1.900 đồng/kg, nay tư thương ép xuống còn 1.500 đồng/kg.
Nông dân huyện Sơn Hòa “mót” sắn giống ở bờ bụi về trồng |
Ông Nguyễn Văn Phúc, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), vừa thu hoạch 1 giạ giống sắn (1.000m2 ) cho biết: Vừa rồi tôi nhổ sắn bán, cả đám sắn này thương lái chỉ mua với giá 1,2 triệu đồng, năm ngoái cũng chỗ này tôi bán 1,6 triệu đồng. Trừ chi phí phân, thuốc, cày bừa, công thu hoạch… thì không còn lãi là bao.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, diện tích sắn toàn huyện 5.5551ha, năng suất sắn ước đạt 22,6 tấn/ha, sản lượng 125.452 tấn. Với giá trung bình các năm trước từ 1.700- 1.800đồng/kg (30 độ bột), thì mỗi ha sắn nông dân lãi gần 20 triệu đồng. Còn hiện nay, một phần sắn giảm năng suất do bão số 12 làm đổ ngã trên 3.230ha, sắn củ hàm lượng 30 độ bột là rất hiếm. Số sắn bị ngã đổ khoảng 20 đến 22 độ bột và giá dưới 1.500đ/kg nên thu nhập thấp hơn các năm.
Vùng trồng sắn thôn Long Nguyên, xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) nằm ven sông Cô không chỉ bị bão mà 5 đợt lũ vừa qua sắn ngâm nước lũ nhiều ngày, thối củ. Bà Phan Thị Diệu, một nông dân trồng sắn ở thôn Long Nguyên cho hay: Vùng trồng sắn ven sông, hết đợt lũ này đến đợt lụt khác ngâm nhiều ngày sắn hư hại. Nhổ bụi sắn lên hết nửa bụi củ bị thối.
Huyện Đồng Xuân có 4.100 ha sắn, đợt mưa mưa lũ kéo dài vừa qua làm hơn 553ha sắn bị thiệt hại từ 50-70%. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Vụ sắn hứng chịu trận bão và 5 đợt lụt. Đợt lũ vừa qua quá lớn lại rút chậm do mưa dầm. Thời điểm sắn ngã đổ ở đây còn non, hầu hết người trồng thiệt hại nặng.
Nguy cơ bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng
Hiện nông dân Phú Yên đang bước vào vụ trồng sắn mới. Do trước đó sắn bị bão làm ngã đổ lúc cây sắn còn non nên nông dân cũng khó giữ lại cây sắn vụ trước để làm hom giống, vì vậy giá giống đã tăng vọt lên đến 30.000 đồng một bó gồm 20 cây. Nhưng không phải ai cũng bỏ tiền ra mua sắn giống, nhiều người chọn giải pháp “mót” hom giống ven bờ bụi về trồng.
Ông Trần Minh, ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) chia sẻ: Tôi vừa trồng 2 sào sắn, do không có tiền mua giống nên tôi đi “mót” cây sắn chất trong bờ bụi về trồng. Sắn chất đống lá cây phủ kín nên có nhiều nấm, khi trồng 10 hom chỉ mọc 7 hom. Không những thế cây sắn mọc lên yếu ớt.
Sắn còn non tuổi bị mưa bão đổ ngã, nông dân chặt về làm cây sắn giống |
Dọc theo quốc lộ 19, từ xã Sơn Giang xuống xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) nông dân mót cây sắn giống trồng. Ông Lê Văn Dũng, một nông dân ở xã Sơn Thành Tây, cho hay: Tôi mót cây sắn giống về trồng 3 ngày rồi mà ra thăm chưa thấy mọc. Hom sắn của cây sắn giống trồng vụ trước, do đầu vụ, nắng hạn kéo dài làm sắn héo lá kém phát triển, đến thời kỳ sắn ra củ non thì gặp mưa bão làm sắn ngã đổ. Khi nhổ cây sắn chưa đủ tuổi nên hom sắn mọc chậm.
Những năm trước đây, nhiều vùng trồng sắn trong tỉnh bị bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng lây lan rộng. Nguyên nhân là do nông dân có thói quen trao đổi hom giống qua lại để trồng, chủ yếu là giống sắn cao sản KM 94, dẫn đến giống nhiễm bệnh từ vùng này lan sang vùng khác. Vụ sắn này, nông dân mua cây sắn giống, một số tự đi mót cây giống trồng thì nguy cơ sắn bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng là rất cao.
Trong khi đó, khi sắn bị rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không ra củ hoặc củ rất nhỏ nên không cho năng suất. Còn khi cây sắn bị bệnh chổi rồng sớm thường không cho thu hoạch. Cây bị bệnh muộn thì làm giảm năng suất từ 10 - 30%, hàm lượng tinh bột giảm 20 - 30%.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, niên vụ sắn này nông dân trong tỉnh trồng 23.681,3ha sắn. Ngành nông nghiệp hiện theo dõi diễn biến bệnh chổi rồng hại sắn, tăng cường điều tra phát hiện các loại bệnh khác trên cây sắn do virus gây ra.
Th.S Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng cho biết: Giải pháp để phòng trừ bệnh chổi rồng là nông dân tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh, tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh, hom sắn được sử dụng khi trồng phải sạch bệnh.
Còn rệp sáp bột hồng là loại sâu hại nguy hiểm, khó phòng trừ, do chúng lây lan chủ yếu qua đường hom giống, các dụng cụ canh tác và gió. Khi sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại hầu hết không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy nhân dân không vận chuyển hom giống sắn từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác. Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại thì tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan.
Nông nghiệp Việt Nam