MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Trung Quốc đang ra nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết và điều đó có ý nghĩa gì với thế giới?

23-05-2018 - 12:51 PM | Tài chính quốc tế

Các thương hiệu đồ xa xỉ sẽ bị thiệt hại lớn nếu như không có du khách Trung Quốc, nhóm mỗi năm chi tiêu ở nước ngoài số tiền gấp đôi so với người Mỹ.

Năm 1979, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã có cuộc gặp với cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tại Washington để bàn về cách bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước (quan hệ Mỹ - Trung bị đóng băng kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền cách đó 30 năm). Carter đã đặt vấn đề Trung Quốc nên dỡ bỏ lệnh cấm người dân ra nước ngoài, và ông Đặng được cho là đã đáp lại như sau: "Ông muốn có bao nhiêu người Trung Quốc? 10 triệu? 20 triệu hay 30 triệu?"

Nhìn lại những câu chuyện trong lịch sử là 1 cách để bạn thấy rõ thế giới này nói chung và Trung Quốc nói riêng đã đổi thay ra sao. Năm ngoái có khoảng 130 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài sinh sống và đến cuối thập kỷ này con số được dự báo sẽ vượt mốc 200 triệu người. Khoảng 600.000 người Trung Quốc đang đi du học, hầu hết là theo học ở các trường đại học phương Tây, cao gấp hơn 4 lần so với cách đây 1 thập kỷ.

Dòng người Trung Quốc đổ ra nước ngoài có tác động rất lớn đến phần còn lại của thế giới. Các thương hiệu đồ xa xỉ sẽ bị thiệt hại lớn nếu như không có du khách Trung Quốc, nhóm mỗi năm chi tiêu ở nước ngoài số tiền gấp đôi so với người Mỹ. Những ông lớn ở thung lũng Silicon cũng được hưởng lợi lớn từ những nhân tài người Trung Quốc, trong khi các trường đại học thu được số tiền học phí khổng lồ từ các sinh viên Trung Quốc.

Tuy nhiên dòng người nhập cư từ Trung Quốc cũng có thể khiến nước sở tại đau đầu. Ví dụ như quan điểm của Tổng thống Trump cho rằng người nhập cư (không chỉ từ Trung Quốc) sẽ cướp đi việc làm của người dân bản địa, và ở không ít nơi làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đã đẩy giá bất động sản lên cao chót vót. Thậm chí giám đốc FBI Christopher Wray mới đây đã khiến cộng đường người Mỹ gốc Trung bị sốc khi nói rằng toàn thể xã hội Trung Quốc là một mối đe dọa đối với Mỹ và người Mỹ phải bước lên để tự vệ. Vị này tuyên bố điều tra toàn bộ các Viện Khổng tử ở Mỹ. Tất nhiên những từ ngữ mà Wray đã dùng là không phù hợp, nhưng những lo ngại không phải là không có cơ sở.

Người Trung Quốc đang đến

Lịch sử thế giới đã từng chứng kiến điều tương tự khi có một cường quốc mới nổi lên. Trong những năm 1980, người Nhật là mối lo ngại của người Mỹ. Các công ty Nhật dồn dập mua tài sản ở nhiều nơi từ New York đến Los Angeles. Xe ô tô Nhật ở khắp mọi nơi, khiến Ford phải cảnh báo "trận Trân Châu Cảng đang lặp lại trên mặt trận kinh tế). Năm 1989, tờ The Economist miêu tả có 1 "làn gió chống Nhật" đang "rít lên dọc hành lang quyền lực" ở Washington.

Một số ngôn từ của thời kỳ nói trên đang được hồi sinh để miêu tả về Trung Quốc, và thái độ đó không chỉ tồn tại ở Mỹ. Gần đây 1 cuốn sách ở Australia đã thổi bùng lên cuộc tranh luận về nỗ lực tăng tầm ảnh hưởng của nước ngoài của Chính phủ Trung Quốc. Ngay từ tựa đề của cuốn sách đã gây ra cảm giác sốt sắng: "Silent Invasion: China’s Influence in Australia" (tạm dịch: Cuộc xâm lăng thầm lặng: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Australia".

Quay trở lại những năm 1980, việc Mỹ phê phán chủ nghĩa trọng thương của Nhật Bản có thể là hợp lý nhưng miêu tả đồng minh thân cận chính là mối đe dọa đối với đời sống của người Mỹ thì lại là 1 hành động thiếu thận trọng. Còn với Trung Quốc bức tranh có phần phức tạp hơn.

Thế kỷ 19 luật Mỹ từng cấm người Hoa lấy hộ chiếu Mỹ và cấm cửa cả các lao động Trung Quốc.Canada cũng từng hạn chế người nhập cư từ Trung Quốc. Khi Australia độc lập năm 1901, nước này áp dụng chính sách hạn chế người nhập cư theo màu da với mục đích chính là để ngăn người Trung Quốc tràn vào quá nhiều. Phải đến những năm 1940 Mỹ và Canada mới dỡ bỏ những quy định này, còn Australia thì đến tận những năm 1970.

Một nghiên cứu năm 2009 được thực hiện bởi các đại học Leeds và Nottingham Trent University cho thấy ở Anh người gốc Hoa dễ bị phân biệt chủng tộc hơn bất kỳ nhóm nào khác. Năm 2009, các cử tri ở Prato – 1 thành phố miền Bắc nước Ý – đã dồn phiếu bầu thị trưởng cho nhân vật có chiến dịch tranh cử chống người Trung Quốc mạnh mẽ, cụ thể là những công nhân Trung Quốc làm việc trong các nhà máy may ở Prato.

Báo chí thế giới đã tốn không ít giấy mực để nói về sự trỗi dậy của Trung Quốc cả về mặt kinh tế, chính trị và quân sự đang khiến thế giới thay đổi như thế nào. Trong các bài viết sắp tới được biên dịch từ chùm bài viết của tạp chí The Economist, chúng ta sẽ bàn về mặt khác của câu chuyện: làn sóng người Trung Quốc đổ ra nước ngoài, dù là để du học, đi du lịch hay nhập cư hẳn sang 1 nước khác đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Không chỉ tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến các nước mà họ đặt chân đến, làn sóng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả chính bản thân xã hội Trung Quốc. 

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên