Người Trung Quốc đổ xô đi mua thực phẩm sau thông điệp kêu gọi tích trữ nhu yếu phẩm của chính phủ
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các gia đình dự trữ nhu yếu phẩm hàng ngày phòng trường hợp khẩn cấp, sau khi dịch COVID-19 bùng phát và mưa lớn bất thường khiến giá rau tăng cao, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung.
Chỉ thị của Bộ Thương mại vào cuối ngày thứ Hai (1/11) đã làm dấy lên một số lo ngại trên mạng xã hội Trung Quốc khiến một số người đổ xo đi tích trữ gạo, dầu ăn và muối.
"Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, tất cả những người già ở gần nhà tôi đã phát hoảng và đi săn lùng mua hàng trong siêu thị", một người viết trên mạng Weibo.
Các phương tiện truyền thông địa phương ở Trung Quốc gần đây cũng đã công bố danh sách các hàng hóa được khuyến nghị nên dự trữ tại nhà, bao gồm: bánh quy, mì ăn liền, sinh tố, radio và đèn pin.
Phản ứng của công chúng đã buộc truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Ba (2/11) phải tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi và làm rõ hơn những lý do dẫn tới khuyến nghị trên của Bộ Thương mại.
Nhật báo Kinh tế của Trung Quốc đã đăng bài, trong đó viết rằng dân mạng không nên có "trí tưởng tượng thái quá" và mục đích của chỉ thị là để đảm bảo người dân không mất cảnh giác giác xảy ra tình huống nơi ở của họ bị phong tỏa.
Tờ báo này cũng cho biết rằng Bộ Thương mại hàng năm vẫn ra thông báo, nhưng chỉ thị năm nay ban hành sớm hơn xuất phát từ thực tế là giá rau tại nước này hiện đang tăng cao do thiên tai và những ổ dịch COVID-19 mới bùng phát gần đây.
Trong thông báo ra ngày 2/11, Bộ Thương mại đã thúc giục các chính quyền địa phương làm tốt công tác đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả, đồng thời phải đưa ra những cảnh báo sớm về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nguồn cung.
Thời tiết khắc nghiệt và đại dịch COVID
Chính phủ Trung Quốc thường rất nỗ lực để tăng cường nguồn cung rau tươi và thịt lợn trước dịp lễ quan trọng nhất của Trung Quốc, Tết Nguyên đán. Năm 2022, Tết cổ truyền của Trung Quốc rơi vào đầu tháng Hai.
Nhưng năm nay những nỗ lực đó đã trở nên cấp thiết hơn sau khi thời tiết khắc nghiệt vào đầu tháng 10 đã phá hủy mùa màng ở Sơn Đông - vùng trồng rau lớn nhất của đất nước - và những ca nhiễm COVID-19 bùng phát ở khắp các nơi, từ tây bắc đến đông bắc của Trung Quốc, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực .
Tuần trước, giá dưa chuột, rau bina và bông cải xanh đã tăng gấp hơn hai lần so với đầu tháng 10. Một trung tâm thương mại ở Sơn Đông, cho biết chỉ số giá rau ở Shouguang đã tăng bất thường, với giá cải bó xôi đắt hơn cả thịt lợn, lên đến 16,67 nhân dân tệ (2,60 USD)/kg.
Mặc dù giá cả đã giảm trong những ngày gần đây, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát giá tiêu dùng hàng năm sẽ ở Trung Quốc tăng đáng kể trong tháng 10, lần tăng đầu tiên trong vòng 5 tháng.
Đại dịch đã làm cho vấn đề an ninh lương thực càng trở nên cấp thiết, buộc Chính phủ Trung Quốc phải soạn thảo Luật an ninh năng lượng và đặt ra những kế hoạch mới nhằm chống lãng phí thực phẩm.
Bộ Thương mại cho biết chính quyền địa phương nên mua trước các loại rau có thể bảo quản tốt và củng cố mạng lưới giao hàng khẩn cấp. Thông tin về giá cả, cung cầu hàng hóa cần được công bố kịp thời để ổn định tâm lý của người dân.
Thông tin từ truyền hình Trung Quốc cuối ngày 2/11 cho biết, Trung Quốc cũng có kế hoạch giải phóng kho dự trữ rau "vào một thời điểm thích hợp" để ngăn giá tăng mạnh, mặc dù không nói rõ Trung Quốc dự trữ những loại rau nào và khối lượng dự trữ lớn đến mức nào.
Đồng thời, Cơ quan hoạch định chính sách quốc gia Trung Quốc cũng kêu gọi các nhà sản xuất nông nghiệp tái canh kịp thời các loại rau, thúc giục chính quyền các địa phương hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp một cách nhanh nhất.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết nước này có khoảng 100 triệu mu (6,7 triệu ha) trồng rau.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã phát động một chiến dịch lớn nhằm chống lãng phí lương thực trong bối cảnh ngày càng lo lắng về an ninh lương thực trong đại dịch COVID-19. Chính phủ đã kêu gọi ngành nông nghiệp thúc đẩy việc sử dụng các loại hạt giống có khả năng làm tăng sức đề kháng của cây trồng, đưa vào những công nghệ mới để trồng lúa mì chính xác hơn, và dùng máy thu hoạch thông minh và hiệu quả.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng cho biết sẽ bắt đầu cung cấp các gói cấp trợ cấp cho thiết bị sấy ngũ cốc để giảm tổn thất sau thu hoạch. Lĩnh vực vận chuyển và chế biến cũng đã được đưa vào kế hoạch, trong khi lĩnh vực thức ăn chăn nuôi được khuyến khích sử dụng nhiều sản phẩm thay thế ngô và bột đậu nành hơn, và giảm lượng protein. Ngành dịch vụ ăn uống cũng như các trường học và các cơ quan chính phủ nên tiếp tục quản lý khẩu phần thực phẩm và tránh hành vi lãng phí.
Tham khảo: Reuters