MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Trung Quốc mạo hiểm vác cả túi tiền sang Việt Nam: Chỉ để săn cây gỗ đắt hơn vàng

17-01-2022 - 20:29 PM | Tài chính quốc tế

Người Trung Quốc mạo hiểm vác cả túi tiền sang Việt Nam: Chỉ để săn cây gỗ đắt hơn vàng

Nếu "trúng cược", giá sẽ tăng lên gấp trăm lần.

Cược gỗ

"Anh bạn, mua được hàng giá rẻ đấy, mang về Trung Quốc, tối thiểu cũng có thể bán được hơn 2 triệu NDT (khoảng 6 tỷ VND - thời điểm năm 2010), chủ cửa hàng nội thất họ Bành ở Quảng Châu (Trung Quốc) nhắc lại câu nói của chủ gỗ sưa Việt Nam .

Vào thời điểm năm 2010, cơn sốt gỗ sưa Trung Quốc lan sang cả thị trường Việt Nam khi nguồn gỗ ở Trung Quốc đã cạn kiệt. Theo truyền thông Trung Quốc, thời điểm đó, dòng người đầu tư Trung Quốc mang cả túi tiền mạo hiểm sang Việt Nam săn lùng gỗ sưa theo hình thức du lịch đầu tư.

Ông Bành chia sẻ với Báo tối Dương Thành (Quảng Châu) rằng, nguồn tiền nóng của các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào thị trường gỗ Việt Nam chủ yếu đến từ các nhà bất động sản vừa và nhỏ ở Quảng Đông, doanh nhân ở Ôn Châu và một vài nhà buôn than ở Sơn Tây. Thông thường nhà đầu tư thường không trực tiếp đến thị trường mà ủy thác cho người người mua khác và chia lợi nhuận theo tỷ lệ 2-8 hoặc 3-7. Nếu may mắn, người mua cũng có thể kiếm được hàng trăm nghìn NDT/năm. Thậm chí, nếu gặp vận may, mua trúng cây gỗ sưa chất lượng tốt thì có thể đổi đời.

Ông Bành và nhiều nhà đầu tư Trung Quốc gọi việc săn lùng gỗ sưa Việt Nam là cược gỗ.

Người Trung Quốc mạo hiểm vác cả túi tiền sang Việt Nam: Chỉ để săn cây gỗ đắt hơn vàng - Ảnh 1.

Cây sưa đỏ với chu vi gốc lên đến hơn 2m tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng

"Cược gỗ chỉ mới xuất hiện mấy năm gần đây. Tương tự như cược đá, cược ngọc, nhưng độ khó và rủi ro không lớn", ông Bành nói, các nhà sưa tầm thích gỗ sưa chủ yếu là bởi hoa văn độc đáo tuy nhiên, không phải cây gỗ sưa nào cũng chất lượng. Do đó, để mua được gỗ sưa chất lượng phải dựa vào kinh nghiệm và may mắn, chẳng khác nào cá cược.

Bành cho biết, ông sang Việt Nam cùng một ông chủ Quảng Tây để cược gỗ, quá trình diễn ra khá sôi nổi. "Khi ưng mắt một cây sưa dày gần 80cm, chúng tôi trả trước 600 nghìn NDT rồi cho cưa đổ cây luôn, thớ của cây đại thụ này gần như hoàn mỹ, vân gỗ rất đặc biệt, vân uốn lượn, mặt quỷ sắc nét,. Ông chủ bán cây Việt Nam vỗ vai ông chủ Quảng Tây và nói: "Anh bạn, mua được hàng giá rẻ đấy, mang về Trung Quốc, tối thiểu cũng có thể bán được hơn 2 triệu NDT"".

Theo chủ cây Việt Nam, thực tế gỗ sưa tốt ngày càng ít, nhiều cây cổ thụ khi xẻ ra đã mục nát, không chế tác được những sản phẩm lớn mà chỉ có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ nhỏ nên không bán được giá. Và những người tham gia "cược gỗ" thường là những người mua mới trong giới.

"Tuy nhiên, hình thức du lịch đầu tư cũng rất bùng nổ. Để giảm rủi ro, họ đã thuê nhiều người mua có kinh nghiệm với giá cao. Trước đây, một khúc gỗ chỉ có một người mua, nhưng giờ có đến hai ba người hỗ trợ. Hơn nữa, bên cạnh còn có người chuyên tham mưu giá cả, thương lượng giá với đối tác Việt Nam".

Theo Báo tối Dương Thành, nếu không có điều kiện sang Việt Nam, những tay săn gỗ sưa Trung Quốc sẽ tham gia các hội chợ thương mại Việt-Trung ở thành phố Băng Tường, Quảng Tây.

Vào năm 2010, một hội chợ như thế dự kiến ​​ban đầu có hơn 1 nghìn người tham dự, nhưng sau đó gần 5 nghìn người đã đến, người ra kẻ vào tấp nập. Hầu hết là những người ngoại tỉnh, chủ yếu đến từ Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang.

Người Trung Quốc mạo hiểm vác cả túi tiền sang Việt Nam: Chỉ để săn cây gỗ đắt hơn vàng - Ảnh 2.

Các sản phẩm làm từ gỗ sưa. Ảnh: The value

Điều này khiến toàn bộ khách sạn trong khu vực cháy phòng, các phòng có giá ban đầu từ 200-300 NDT/đêm đã tăng lên 500-600 NDT trong thời gian diễn ra hội chợ thương mại. Mặc dù vậy, các khách sạn đã được khách đặt kín phòng từ trước hai tháng, những người tham gia hội chợ chưa kịp đặt phòng thì chỉ có thể nghỉ ở nhà dân.

Hơn một nửa số hàng hóa trong hội chợ là gỗ và nội thất. Điền Đại Long - người tham gia các kỳ hội chợ cho biết, không giống như các hội chợ trước, 50% số người tham gia năm đó là những gương mặt mới và hầu hết tất cả đều đến để mua gỗ. Những tay săn gỗ mới nổi này rất mạnh dạn mua gỗ, không cần nhìn chất gỗ, chỉ cần là gỗ sưa thì họ mua sạch.

Cơn sốt gỗ sưa đến từ đâu?

Gỗ sưa còn được gọi là giáng hương huỳnh đàn, gỗ của nó thuộc hàng thượng hạng, là một trong tứ đại danh mộc của Trung Quốc. Cảm giác gỗ sưa mang lại là sự mịn màng, mát lạnh như ngọc, đẫm dầu. Dần dần về sau, gỗ sưa tự nhiên ngày càng ít hơn nữa, do thuộc loại sinh trưởng chậm nên gỗ sưa ngày càng trở nên quý giá và đắt hơn cả vàng ròng.

Giá của gỗ sưa thực chất cũng rất khác nhau, cụ thể, giá cây giống không đắt nhưng những cây trưởng thành thường rất đắt. Gỗ sưa mất nhiều năm phát triển mới hình thành thớ gỗ, thường là mười mấy năm, thậm chí hàng chục, hàng trăm năm.

Sắc gỗ sưa đỏ đẹp được giới văn nhân thời nhà Minh vô cùng ưa chuộng. Sản xuất đồ nội thất từ gỗ sưa bắt đầu vào thời nhà Minh và thời kỳ hoàng kim của nó là hơn một trăm năm từ đầu triều đại nhà Thanh đến thời Càn Long. Điều này khiến gỗ sưa tự nhiên ở Trung Quốc, đặc biệt vùng Hải Nam bị khai thác tận diệt. Các sản phẩm gỗ sưa sau này xuất hiện trên thị trường Trung Quốc chủ yếu được nhập khẩu từ các nước láng giếng như Việt Nam, Myanamr với giá rất đắt.

Gỗ sưa được săn đón còn bởi theo quan niệm xưa, nó có nhiều tác dụng tốt với con người.

Về y học, gỗ sưa được coi là một loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc, có thể tỏa ra hương thơm nên mới được gọi là giáng hương. Hương thơm này rất tao nhã nên được vô cùng yêu thích.

Theo một số sách cổ đông y Trung Quốc như Bản thảo cương mục, gỗ sưa có những công dụng như giúp cầm máu, giảm đau, chống huyết áp v.v...

Trung Quốc thụ mộc chí chép rằng: "Tâm gỗ giáng hương hoàng đàn (gỗ sưa) có thể thay thế giáng hương". Cục Nông nghiệp và Đồng cỏ Trung Quốc có đăng tải bài viết cho hay, để thay thế cho giáng hương, người tiệm thuốc bắc ở Trung Quốc đã thu mua các vụn gỗ hoặc phần thừa từ các chế phẩm gỗ sưa. Ngoài ra, tâm gỗ sưa cũng có thể chế tạo thành nhang, tinh dầu gỗ sưa được chưng cất thành dung dịch hãm hương thơm, lá cây có thể chế biến thành trà, thực phẩm, thức ăn gia súc. Hoa cũng có thể thành trà hoa. Gỗ sưa là loài cây cho mật rất tốt, mật ong làm từ hoa gỗ sưa cho ra mật ong chất lượng cao.

Về nội thất, gỗ sưa có chất gỗ vô cùng tốt, không dễ bị mối mọt, không dễ biến dạng, có thể lưu truyền hàng trăm năm nên thích hợp làm đồ nội thất.

Về phong thủy, người Trung Quốc xưa quan niệm gỗ sưa có thể giúp tránh tà ma. Từ xa xưa, chỉ có giới quyền quý mới có đủ điều kiện để sử dụng gỗ sưa. Họ thiết kế gỗ sưa thành đồ nội thất hoặc đồ mỹ nghệ tinh xảo vòng tay để cầu bình an.

Còn đối với nhà sưu tầm nổi tiếng Trung Quốc Mã Vị Đô, ông nói: "Tôi nghĩ gỗ sưa mãi mãi sẽ không bao giờ là đồ dùng đại chúng, nó mãi mãi là đồ cao cấp, về lịch sử, mãi mãi là đồ dành cho tầng lớp giàu có, hơn nữa chỉ những tầng lớp vô cùng giàu có mới có thể sử dụng".

Ông cho biết thêm: "Vàng xuất hiện như một sản phẩm tài chính trên thị trường thế giới, chính bởi vì nó hiếm, nếu nhiều thì chắc chắn không có giá trị như vậy. Giá trị quý hiếm của vật nằm ở chất lượng, theo vật lý thì độ đàn hồi của vàng rất tốt, trong số các loại gỗ thì chất gỗ của gỗ sưa là ổn định nhất và ôn hòa nhất. Loại khác cũng có thể hiếm nhưng chất gỗ không tốt nên không ai khai thác".

Chia sẻ với báo Dân trí, đại gia gỗ Đồng Kị Bắc Ninh Nguyễn Văn Hùy cho biết, sở dĩ gỗ sưa có giá đắt đỏ là bởi chúng có ý nghĩa về mặt tâm linh.

Ông Huỳnh nói rằng, gỗ sưa có vân gỗ đẹp, không bị mối mọt đặc biệt lại có mùi hương vĩnh hằng nên nhiều người quan niệm chúng có thể tránh tà ma, xua đuổi bệnh tật. Đây cũng được xem là loại gỗ "quý tộc". Trước kia ở Trung Quốc, chỉ có những gia đình vua chúa, quyền thế mới được thưởng các đồ dùng làm từ gỗ này.

"Chính vì ý nghĩa đó mà ngày nay gỗ sưa cũng được các đại gia Trung Quốc ráo riết săn lùng. Tuy nhiên, một cây gỗ sưa phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới có giá trị sử dụng. Do mức độ ít ỏi, quý hiếm nên gỗ sưa có giá rất cao, một cây gỗ cổ thụ có thể được trả giá cả chục tỷ đồng".

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, giá gỗ sưa đã giảm so nhiều so với thời điểm vài năm về trước. Ví dụ, kể từ khi bị đốn chặt vào năm 2019, hai thân sưa cổ ở thôn Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) trải qua bốn lần đấu giá đã bị lỗ 1/3.

Trả lời báo Tiền Phong, trưởng thôn Đinh Văn Lai cho biết, hai thân gỗ sưa được định giá 146 tỷ năm 2019 đến năm 2021 chỉ còn 100 tỷ, hụt mất 1/3.

Theo An An

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên