MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Trung Quốc nghĩ gì về chiến tranh thương mại?

28-08-2018 - 09:25 AM | Tài chính quốc tế

Reuters đã nói chuyện với một nhóm 50 người, chủ yếu là từ hai thành phố trên, về mối quan tâm của họ đối với cuộc chiến thương mại, dự đoán của họ về phản ứng của Bắc Kinh, và liệu họ có nghĩ rằng người Trung Quốc nên tẩy chay các sản phẩm của Mỹ để trả đũa hay không.

Các quan chức Trung Quốc hầu như đã cân nhắc và tiết chế các hành động để đáp trả lại những hành động leo thang của tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh trong những tuần gần đây.

Nhìn chung thì Bắc Kinh thường tránh tăng thêm căng thẳng bằng hành động thực tế, trong khi đó có thể tìm thấy những bình luận hiếu chiến nhất trên các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng tâm trạng trên các đường phố của Bắc Kinh và Thượng Hải thì không có vẻ gì là người dân chịu chấp nhận. Reuters đã nói chuyện với một nhóm 50 người, chủ yếu là từ hai thành phố trên, về mối quan tâm của họ đối với cuộc chiến thương mại, dự đoán của họ về phản ứng của Bắc Kinh, và liệu họ có nghĩ rằng người Trung Quốc nên tẩy chay các sản phẩm của Mỹ để trả đũa hay không.

Các cuộc phỏng vấn cho thấy không hề có sự khủng hoảng hay hỗn loạn. Có sự phân chia và bối rối về việc Trung Quốc nên phản ứng với Trump như thế nào, với một số người cho rằng Bắc Kinh nên phản công lại bằng cách tấn công vào lợi ích của Mỹ nhưng những người khác nói rằng họ không biết nên làm như thế nào.

Nhưng có lẽ đây là điều đáng lo ngại nhất là đối với các doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc: một số ít người được phỏng vấn (tương đương 14% - 28%) muốn ngừng mua các sản phẩm của Mỹ, và một số nói rằng họ đã tẩy chay bất cứ thứ gì được sản xuất tại Mỹ. Những người khác nói rằng họ sẽ tiếp tục mua sản phẩm từ nước Mỹ nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai.

Nếu đó là đại diện cho toàn bộ người dân Trung Quốc - và lời lẽ đã biến thành hành động – doanh số bán iPhone của Apple, phim của Disney, đồ uống Starbucks và xe của General Motors sẽ sụt giảm.

Cuộc thăm dò được thực hiện trên quy mô rất nhỏ. Bên cạnh đó người Trung Quốc khá dè dặt trước truyền thông nước ngoài. Tuy nhiên kết quả vẫn rất đáng để xem xét.

Đây là kết quả của cuộc thăm dò:

- Khi được hỏi có lo lắng về chiến tranh thương mại hay không, chỉ có 11 trong số 50 (22%) nói rằng họ lo lắng, và 39 người (78%) nói rằng họ không quan tâm.

- Khi được hỏi Bắc Kinh nên làm gì để đáp trả các mức thuế trừng phạt của Trump, 19 người (38%) nói rằng Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ. Phần còn lại đưa ra các phản ứng khác nhau, bao gồm tái tập trung phát triển nền kinh tế trong nước, xây dựng các thị trường xuất khẩu khác, trong khi 8 người (16%) cho biết họ không biết chính phủ nên làm gì.

- Khi được hỏi liệu họ có ngừng mua các sản phẩm của Mỹ hay không, 14 người trả lời có, 31 người trả lời không (nhưng cho biết quan điểm của họ có thể thay đổi nếu chiến tranh thương mại leo thang) và năm người không có quan điểm.

Dưới đây là một số ý kiến từ những người được phỏng vấn:

"Tất nhiên là tôi lo ngại. Đó là một cuộc đụng độ giữa nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới", Cai Qing, nhà môi giới chứng khoán tại Thượng Hải, 40 tuổi, cho biết. "Không ai trong số các bên liên quan đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến thương mại", anh nói thêm.

Ông Qu Xinjun, người làm việc trong ngành công nghiệp thép ở Thượng Hải, nói: "Nói thẳng ra, người Mỹ luôn kiêu ngạo - họ làm cho tất cả mọi người trở thành nhà sản xuất của họ để họ có thể gặt hái được thành quả kinh tế".

"Trump đang tiến hành một cuộc chiến tâm lý với Trung Quốc. Ông ta đang cố đe dọa Trung Quốc. Từ một quan điểm tâm lý, chúng ta không nên lo lắng về chiến tranh thương mại, mà tập trung vào phát triển trong nước", ông nói. "Chúng ta nên tin tưởng rằng chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến."

"Trung Quốc phải đáp trả, để cho thấy quyền lực lớn mạnh của mình. Trung Quốc phải thắng trận này", nhà trang trí nội thất ở Bắc Kinh Zhang Shiyou, 56 tuổi, cho biết. Trung Quốc có những thị trường khác mà nó có thể xem xét, và còn có đề xuất mang tính bước ngoặt của Chủ tịch Tập Cận Bình để xây dựng một Con đường tơ lụa mới, được gọi là sáng kiến Một Vành đai Một Con đường, ông nói.

"Trung Quốc không nên mua điện thoại Apple. Giống như câu nói 'Mua sản phẩm của quốc gia là yêu Trung Quốc', mua sản phẩm nội địa sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp của chúng ta."

"Rất nhiều hàng hóa của Mỹ thực sự được sản xuất tại Trung Quốc", Wei Shaochuan, 26 tuổi, người sáng lập một công ty khởi nghiệp ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã được phỏng vấn trên WeChat cho biết.

"Nhưng nếu, sau một khoảng thời gian, chiến tranh thương mại thực sự kích động sự căm ghét chống lại Mỹ, thì tôi sẽ không xem phim Mỹ, không nghe nhạc Mỹ, không giới thiệu Disney cho bạn bè, và bắt đầu viết bài trên mạng xã hội nói rằng người Mỹ không tốt, để chống lại các sản phẩm văn hóa Mỹ, " anh nói.

"Tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ các sản phẩm Trung Quốc. Tôi kiên quyết ghét bất kỳ sản phẩm nào từ Mỹ, đặc biệt là sau khi đọc tin tức", Zhao Guoxin, 61 tuổi, chủ một cửa hàng ở Bắc Kinh cho biết.

"Thành thật mà nói, nhập khẩu từ Mỹ không phải là con đường duy nhất của chúng tôi", Wang Yangqing, một y tá 20 tuổi ở Bắc Kinh cho biết. "Chúng tôi cũng có thể nhập khẩu từ các nước châu Âu. Đối với trẻ em gái, chúng tôi sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da của Mỹ. Nếu thuế tiếp tục tăng, tôi có thể chuyển sang sản phẩm từ những nơi khác như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc."

"Trung Quốc nên trả đũa đúng cách", Xu Dong, 25 tuổi, một sinh viên ở Bắc Kinh nói. "Nhưng tôi sẽ không ngừng mua sản phẩm của họ. Thực ra thì một số doanh nghiệp như Apple đang mang lại doanh thu thuế và việc làm cho Trung Quốc. Đó là một thương hiệu đang mang lại lợi ích cho Trung Quốc", anh nói.

"Đối với tôi nó thật tuyệt!" Zhu Tao, 34 tuổi, quản lý cung cấp tàu ở Bắc Kinh nói. "Đó là bởi vì tôi nhận được tiền lương bằng đô la Mỹ và kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu đồng đô la Mỹ đã tiếp tục tăng giá trị so với đồng nhân dân tệ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó đã thực sự có lợi cho tôi. Thật tuyệt vời!"

Phạm Cường

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên