MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Trung Quốc nói "ông Putin ra lệnh tặng 20 trực thăng cho ta, nợ nần đã hết" - thực hư thế nào?

02-02-2024 - 08:35 AM | Tài chính quốc tế

Người Trung Quốc nói "ông Putin ra lệnh tặng 20 trực thăng cho ta, nợ nần đã hết" - thực hư thế nào?

Bài viết với tiêu đề rất đáng chú ý nói trên xuất hiện trên tờ Sohu (Trung Quốc) chỉ ít giờ trước.

"Tổng thống Nga ra lệnh tặng 20 trực thăng tiên tiến cho Trung Quốc, nợ nần cuối cùng đã được trả hết"?

Để tìm hiểu sâu hơn về sự thật phía sau bài viết với tiêu đề chính xác với nội dung như trên, dưới đây là những dòng đáng chú ý:

"... Điều đáng nói là Trung Quốc đã hỗ trợ kịp thời và mạnh mẽ vào thời điểm Nga gặp khó khăn về kinh tế sau khi (Liên Xô ???) tan rã. Trung Quốc đã từng bước giúp Nga thoát khỏi khó khăn kinh tế bằng cách cung cấp các khoản vay và tăng cường trao đổi thương mại...

... Để đáp lại sự ủng hộ và giúp đỡ đáng kể của Trung Quốc... Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, 20 trực thăng tối tân đã được gửi tới Trung Quốc như một món quà tượng trưng... nhằm bù đắp một phần nợ nần giữa hai nước...

Việc tiếp nhận những chiếc trực thăng này có ý nghĩa chiến lược to lớn với Trung Quốc. Nó không chỉ cải thiện đáng kể khả năng cơ động chiến đấu của (quân đội) Trung Quốc ở các địa hình phức tạp như đồi núi và cao nguyên...

Những trực thăng này được thiết kế đặc biệt để bay tự do trong những môi trường khắc nghiệt như độ cao lớn, áp suất thấp và khí hậu dễ thay đổi, thể hiện hiệu suất và khả năng thích ứng tuyệt vời.

Điều này cũng có nghĩa là trong tương lai lực lượng không quân Trung Quốc sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc bố trí và ứng phó các trường hợp khẩn cấp..."

Để minh họa cho bài viết nói trên, cây viết Trung Quốc của Sohu cũng đã đăng tải 2 bức ảnh trực thăng Nga.

Người Trung Quốc nói "ông Putin ra lệnh tặng 20 trực thăng cho ta, nợ nần đã hết" - thực hư thế nào?- Ảnh 1.

2 bức ảnh trực thăng Nga được Sohu (Trung Quốc) đăng tải trong bài viết "Tổng thống Nga ra lệnh chuyển 20 trực thăng cho Trung Quốc, nợ nần đã trả hết" hôm 31/1.

Thực hư thế nào?

Có lẽ việc đầu tiên chúng ta cần xác định chính là 2 chiếc trực thăng được cây viết Trung Quốc đăng tải trong bài viết.

Và không khó để nhận ra chúng bao gồm một chiếc trực thăng chống ngầm Kamov Ka-27 số hiệu RF-34185 của Hải quân Nga và một chiếc trực thăng dân sự Kamov Ka-32A số hiệu HL-9468 với màu sơn của Helikorea Airline (Hàn Quốc).

Vậy Trung Quốc có sở hữu Kamov Ka-27 hay Ka-32 hay không? Câu trả lời là có - họ đang có trong trang bị 3 chiếc Ka-27PS dùng cho mục đích cứu hộ và cứu nạn, 14 chiếc trực thăng săn ngầm Ka-28 và 9 trực thăng trinh sát Ka-31.

Theo dữ liệu từ Global Times (Trung Quốc), nước này đã mua từ Nga những chiếc Ka-28 (bản xuất khẩu của Ka-27) vào những năm 1990 và Ka-31 vào năm 2010.

Tuy nhiên theo một bài viết của Eurasiantimes được đăng tải vào năm 2022, Trung Quốc sẽ đưa trực thăng Z-20 (bản sao UH-60 Black Hawk của Mỹ) thay thế Ka-28 do "số lượng nhập khẩu bị hạn chế, cần ngừng hoạt động do đã phục vụ nhiều năm và thiết bị điện tử lạc hậu".

Quan trọng hơn, Ka-28 được sử dụng cho hoạt động trên biển chứ không phải "đồi núi và cao nguyên" còn Ka-27PS và Ka-31 dùng cho những hoạt động khác chứ không phải để "cải thiện đáng kể khả năng cơ động chiến đấu" như trong bài viết nói trên của Sohu.

Trực thăng Ka-28 của Hải quân Trung Quốc bị thổi bay khi hạ cánh

Vậy cây viết Trung Quốc đang nói tới "20 trực thăng tối tân" nào?

Đó chắc hẳn không phải là 6 chiếc trực thăng vận tải Mi-17/171 (bản xuất khẩu của Mil Mi-8) được mua vào những năm 1990 (theo dữ liệu từ Global Times).

Lời giải có thể đến từ thông tin được Công ty cổ phần Trực thăng Nga công bố vào năm 2018 về việc Trung Quốc mua 20 trực thăng hạng nhẹ "Kazan Ansat" trong khuôn khổ triển lãm Airshow China 2018.

Theo nhà sản xuất Nga, phiên bản được bán cho "cơ quan giải quyết thảm họa" Trung Quốc là loại "đa năng" và được sản xuất hàng loạt tại Nhà máy Trực thăng Kazan. Công ty cũng lưu ý rằng thời gian dự kiến bàn giao số trực thăng này nằm trong khoảng từ năm 2019 đến 2020. 

Được biết phiên bản y tế của Ansat có cabin rộng rãi nhất và tốc độ cao, cho phép sử dụng cho các chuyến bay đường dài. Máy bay trực thăng có thể chở trọng tải 1.300 kg.

Người Trung Quốc nói "ông Putin ra lệnh tặng 20 trực thăng cho ta, nợ nần đã hết" - thực hư thế nào?- Ảnh 3.

Bức ảnh lễ bàn giao trực thăng Kazan Ansat của 2 phía Nga - Trung vào năm 2019 (Nguồn: Sputnik).

Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề khác, đó là câu chuyện: "Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, 20 trực thăng tối tân đã được gửi tới Trung Quốc như một món quà tượng trưng... nhằm bù đắp một phần nợ nần giữa hai nước..."

Cần lưu ý rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga không chỉ phải lo cho tài chính của tương lai mình mà còn phải tính đến việc hoàn trả hàng tỷ USD Liên Xô đã vay từ nước ngoài.

Được biết ông Putin được Tổng thống Nga Boris Yeltsin bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 1999. Ngoài ra trong giai đoạn những năm 2000, do giá dầu cao nên Nga đã có thể hoàn trả các khoản nợ nước ngoài.

Đến ngày 21/8/2006, Nga đã trả hết tất cả các khoản nợ thời Liên Xô đối với Phương Tây và và vào ngày 21/8/2017, khoản nợ nước ngoài cuối cùng còn lại của Liên Xô đã được Nga hoàn trả - tức là 1 năm trước thương vụ 20 chiếc "Kazan Ansat".

Với các số liệu này, chúng ta đã có thể nhìn nhận ra tính chân thực của bài viết trên của Sohu.

Kazan Ansat (Ansat có nghĩa là Nhẹ nhàng trong tiếng Tatar) là máy bay trực thăng hạng nhẹ đa năng do Kazan Helicopters sản xuất. Nó được phát triển vào những năm 1990 nhằm thay thế Mil Mi-2 đã quá lỗi thời và ra mắt vào đầu những năm 2010.

Được trang bị 2 động cơ PW207K (mỗi động cơ có công suất 630 mã lực), ngoài 1 phi công, Kazan Ansat có thể chở tối đa 10 hành khách hoặc hơn 1 tấn hàng hóa.

Nó cũng có tốc độ tối đa 275 km/h, tốc độ hành trình 220 km/h, phạm vi hoạt động 505 km, độ bền bay hơn 3 giờ và trần bay là 5,5 km.

Bên cạnh Nga và Trung Quốc, các nhà vận hành Kazan Ansat khác bao gồm Serbia, Mexico, Turmenistan, Zimbabwe, Eriteria.

Người Trung Quốc nói "ông Putin ra lệnh tặng 20 trực thăng cho ta, nợ nần đã hết" - thực hư thế nào?- Ảnh 4.

Một chiếc "Kazan Ansat" của Nga.


Theo Hoài Giang

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên