Căng thẳng Biển Đỏ thúc đẩy vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt qua Nga
Đường sắt Nga. Ảnh: TASS.
Nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt qua Nga đã tăng vọt trong bối cảnh các đơn vị giao hàng đang nỗ lực tìm phương án thay thế cho tuyến Biển Đỏ - một trong những tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới này.
- 01-02-2024Hàng nghìn gia súc mắc kẹt ngoài khơi khi khủng hoảng Biển Đỏ trở lại
- 01-02-2024Bà Haley tung đòn kép vào cả Tổng thống Biden lẫn ông Trump
- 01-02-2024Bí ẩn về những bong bóng 'đông lạnh' tại hồ Abraham
Do căng thẳng tại Biển Đỏ, các tuyến đường sắt qua Nga đang chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng, dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số container được vận chuyển giữa khu vực Viễn Đông và châu Âu.
Căng thẳng tại Biển Đỏ đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và đe doạ đà phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới.
Theo dữ liệu của nền tảng Xeneta, lượng đặt chỗ trên tuyến đường này tăng mạnh trong tháng 1 vừa qua, thậm chí lên tới 60% nhờ chi phí thấp hơn vận tải hàng không và nhanh hơn so với vận tải đường biển. Theo Công ty vận chuyển RailGate Europe, hành trình này trung bình mất từ 14 đến 25 ngày tùy thuộc vào điểm xuất phát và điểm đến, ít hơn đáng kể so với thời gian đi biển.
Sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát, số lượng đặt chỗ cho tuyến đường qua Nga đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, năm ngoái, tuyến đường này bắt đầu phục hồi do thời gian vận chuyển hợp lý và giá cả phải chăng.
Đáng chú ý, sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ vào cuối năm 2023, nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt càng tăng. Trong khi đó, Tết Nguyên đán được tổ chức tại nhiều nước trong tháng 2 này cũng có khả năng kích thích nhu cầu. Tuần trước, hãng tàu Đức Hapag Lloyd cho biết sẽ tiếp tục định tuyến lại các tàu của mình cho đến khi có thông báo mới.
Theo các nhà phân tích, các tàu container sẽ chưa thể nối lại hành trình qua kênh đào Suez của Ai Cập ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2024. Điều này buộc các chủ hàng và hãng vận chuyển phải định tuyến và tính toán lại chi phí.
Chuyên gia Alan Bayer tại Mỹ nhận định: “Nhìn chung, khoảng 20% thương mại thế giới di chuyển qua kênh đào Suez. Và do hành động quân sự hoặc cuộc tấn công vào các tàu, bạn sẽ thấy giá cước vận chuyển hàng hoá sang Mỹ chẳng hạn sẽ tăng từ 200% đến 300% so với mức giá hồi tháng 10, tháng 11, dù vẫn thấp hơn mức đỉnh của năm 2021 và 2022 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.”
Theo Công ty hậu cần Rail Bridge Cargo của Hà Lan, lượng đặt chỗ trên tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu đã tăng 37% trong 4 tuần qua. Những chủ hàng không muốn gửi hàng qua đường sắt chạy qua Nga có thể sử dụng tuyến đường chạy từ Trung Quốc qua Kazakhstan đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Caspian, nhưng tuyến này mất khoảng 26-29 ngày. Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu bằng đường sắt ước tính vào khoảng 7.900 USD.
VOV