MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt trẻ thời 4.0: Đam mê nghề nhưng thiếu kỹ năng công nghệ

24-08-2019 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Đây là một vấn đề được thảo luận trong chương trình Digital ASEAN Workshop với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch & CEO VNG Lê Hồng Minh cùng nhiều chuyên gia từ các công ty lớn trên toàn cầu.

Theo một khảo sát trên 56,000 thanh niên ASEAN độ tuổi từ 15-35, 52% số người trả lời cho biết họ cần được nâng cao kỹ năng liên tục và chỉ có 18% tin rằng, kỹ năng của họ sẽ có thể được sử dụng suốt sự nghiệp. Với sự phát triển nhanh của công nghệ trong kỷ nguyên số hóa, các công ty đòi hỏi người lao động trẻ cần có trình độ công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành lập trình, phần mềm, phân tích dữ liệu… Đây đều là những kỹ năng người trẻ không chỉ tại Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á thiếu và luôn muốn trau dồi thêm trong tương lai.

Nhận thức được tầm quan trọng cũng như những nhu cầu cấp bách về vấn đề đào tạo công nghệ cho giới trẻ trong khu vực, chương trình Digital ASEAN Workshop do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức đã diễn ra tại Pan Pacific hotel để thảo luận về chủ đề ASEAN Youth: Technology, skills and the future of work - Giới trẻ ASEAN: Công nghệ, các kỹ năng và tương lai nghề nghiệp.

Chương trình có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch & CEO VNG Lê Hồng Minh, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cùng diễn giả đến từ WEF, Netflix, Sea… nhằm tìm kiếm các sáng kiến khu vực giúp đào tạo 20 triệu nhân lực công nghệ cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa ASEAN đến năm 2020. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ trong thời đại mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Người Việt trẻ thời 4.0: Đam mê nghề nhưng thiếu kỹ năng công nghệ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình lần này về tầm quan trọng của công nghệ trong kỷ nguyên 4.0.

"Công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh, nhưng con người thì không như vậy. Đây chính là thách thức lớn nhất của chúng ta. Việc chúng ta cần làm là thay đổi con người, để làm sao có thể bắt kịp với xu thế, không chỉ là đào tạo về công nghệ mà còn đào tạo về kỹ năng mềm. CMCN 4.0 chính là cuộc CM về tư duy".

VNG Corporation là một trong 14 doanh nghiệp (Golden Gate, Google, Grab, Lazada, Microsoft, Netflix, Plan International, Sea, Thyssenkrupp…) cam kết tham gia sáng kiến ASEAN Digital Skills Vision 2020. Phát biểu trong chương trình, ông Lê Hồng Minh chia sẻ về những sáng tạo tập đoàn VNG đã triển khai nhằm đưa công nghệ tiếp cận gần hơn với mọi người.

"VNG có nền tảng nhắn tin Zalo. 18 tháng trước, công ty bắt đầu làm việc với các cơ quan quản lý, các địa phương để giới thiệu về chính quyền điện tử trên nền tảng Zalo. Chúng tôi đã thuyết phục cơ quan quản lý rằng đây sẽ là cách rất hiệu quả để người dân tiếp cận, kết nối với cơ quan quản lý bất cứ khi nào họ cần thông tin, cần kiểm tra xem đơn từ của mình đến đâu. Cho đến nay, hơn 40 tỉnh thành đã sử dụng chính quyền điện tử do zalo cung cấp, thậm chí cả những vùng sâu vùng xa ở Việt nam. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là phương thức tối ưu để làm cho công nghệ trở nên gần gũi hơn với mọi người, kể cả những người không sử dụng công nghệ thường xuyên trong cuộc sống".

"VNG rất chú trọng vào việc đào tạo kỹ năng cho thực tập sinh. Thông qua mối quan hệ với hơn 30 trường Đại học, mỗi năm chúng tôi tuyển dụng khoảng 200-400 thực tập sinh cho chương trình VNG Fresher để tham gia đào tạo tại VNG. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó chính là số lượng người đào tạo (trainers), vì chúng tôi tin rằng để có thể đào tạo các thực tập sinh thì chúng tôi cần những người thật sự quan tâm đến họ và họ sẽ là người xây dựng nên nội dung đào tạo cho các ứng viên. Chúng tôi muốn đào tạo thêm nhiều trainers tại VNG hơn nữa. Kỳ vọng đến năm 2020, VNG sẽ có khoảng 300 trainers có khả năng đào tạo thật sự tốt".

Người Việt trẻ thời 4.0: Đam mê nghề nhưng thiếu kỹ năng công nghệ - Ảnh 2.

Ông Lê Hồng Minh chia sẻ về những chương trình VNG đã thực hiện tại ASEAN Digital Skills Vision 2020.

Định hướng triển khai của VNG cũng chính là những điều được bộ TT&TT mong muốn đẩy mạnh. Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết bộ TT&TT khuyến khích tất cả khối tư nhân và các tổ chức khác tham gia vào các chương trình của Chính phủ nhằm xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai Đông Nam Á. Bộ TT&TT cam kết sẽ dành tặng 20 suất học bổng cho các bạn trẻ Đông Nam Á tới Việt Nam học tập, với giá trị mỗi học bổng là 15,000 USD.

Chia sẻ về mục tiêu kỳ vọng với chương trình ASEAN Digital Skill Vision 2020, ông Justin Wood, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới mong muốn có thể đào tạo hơn 20 triệu công nhân, gây quỹ học bổng 2 triệu USD cho các sinh viên công nghệ, đào tạo 40 triệu công dân ASEAN về vấn đề an toàn mạng xã hội, kiến thức nền tảng công nghệ và đồng thời tạo việc làm cho hơn 200,000 công nhân kỹ thuật số tại các công ty vừa và nhỏ tại Đông Nam Á.

Với những mục tiêu cụ thể đặt ra, chương trình ASEAN Digital Skill Vision 2020 hứa hẹn sẽ đem đến những chuyển biến tích cực và thay đổi bộ mặt công nghệ trong khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên