MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn gốc thực sự của 'chiến tranh lạnh' Mỹ - Trung

06-06-2019 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dẫn đến nhiều lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh lạnh mới, có thể kéo dài nhiều thập niên nữa giữa hai nước nhằm tái định hình hệ thống quốc tế.

Trong dư luận cũng nổ ra tranh cãi nảy lửa về việc ai hoặc điều gì phải chịu trách nhiệm cho sự xấu đi nghiêm trọng của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo Hal Brands, giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và Charles Edel, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney (Australia), các cách "chẩn bệnh" khác nhau dẫn đến những cách "kê đơn" khác nhau.

Nguồn gốc thực sự của chiến tranh lạnh Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Nếu các hành động và tham vọng toàn cầu của Mỹ gây khủng hoảng, Washington cần tránh những hành động nhiều khả năng chống đối Bắc Kinh. Song, nếu sự đối đầu là sản phẩm tất yếu của Trung Quốc thời kỳ này hoặc những căng thẳng nảy sinh giữa hai cường quốc trong một hệ thống quốc tế đầy cạnh tranh, Mỹ nên chấp nhận hiện trạng này và tìm cách triển khai một chiến lược đối phó tập trung và mang tính phối hợp hơn nữa.

Trong một bài phân tích mới đăng tải trên tạp chí Foreign Policy, ông Brands và ông Edel cho rằng, việc lật lại các bài học lịch sử của sự đổ vỡ quan hệ Mỹ - Liên Xô sau Thế chiến thứ hai sẽ giúp hiểu rõ các căn nguyên đẩy Mỹ và Trung Quốc tới thế bế tắc hiện tại cũng như việc Washington nên thoát ra như thế nào.

Nhìn lại Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô

Trong giai đoạn 1945 - 1947, mối quan hệ Mỹ - Xô chuyển từ đối tác thời chiến căng thẳng nhưng hiệu quả thành sự đối đầu sâu sắc về ý thức hệ và địa chính trị, kéo dài hàng thập kỷ sau đó. Trên thế giới từng có 4 trường phái riêng rẽ nhằm lý giải nguồn gốc lịch sử của Chiến tranh Lạnh.

Cách hiểu đầu tiên, xuất hiện vào cuối những năm 1940 - 1950 quy trách nhiệm cho Liên Xô. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối những năm 1950, với ảnh hưởng ngày càng tăng của hiện tượng "vỡ mộng quốc gia" vì chiến tranh Việt Nam, các học giả thuộc chủ nghĩa xét lại đã đảo ngược cách hiểu nói trên. Họ quả quyết chính Washington là "tội đồ", chứ không phải Moscow.

Những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng, Mỹ từ lâu đã là một cường quốc bành trướng, tìm mọi cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế, thúc đẩy hệ thống chủ nghĩa tư bản thị trường và truyền bá các giá trị của mình ra khắp thế giới. Do đó, nhà lãnh đạo Joseph Stalin có mối quan tâm chính đáng ở Đông Âu và các chính sách của Washington đã buộc Moscow phải lựa chọn giữa bất an và đối đầu. Và gần như không có gì đáng ngạc nhiên khi Điện Kremlin chọn đối đầu.

Cách lý giải thứ ba kết hợp các thành tố của 2 cách hiểu đầu tiên. Các nhà sử học hậu xét lại thừa nhận Mỹ đã phạm sai lầm. Song, họ coi Chiến tranh Lạnh là điều không thể tránh khỏi. Sau Thế chiến hai, Mỹ và Liên Xô tự thấy họ là hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới với khoảng trống quyền lực giữa họ rất lớn. Chỉ riêng tình huống này đã dẫn đến sự cạnh tranh. Các hệ thống chính trị khác biệt, trải nghiệm lịch sử và các quan niệm khác nhau về cách tốt nhất để tạo ra an ninh đã dẫn đến Chiến tranh Lạnh.

Việc hé mở các tài liệu lưu trữ của Liên Xô sau Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến sự xuất hiện của cách hiểu thứ tư. Các nhà sử học nổi tiếng như John Lewis Gaddis đã sửa đổi những lý giải trước đó của họ và đổ lỗi nhiều hơn cho Liên Xô nói chung cũng như ông Stalin nói riêng. Cách hiểu này được coi là trường phái "bình mới, rượu cũ" vì nó dẫn tới một kết luận đã có trước đây, rằng Mỹ đã đúng khi chọn đối đầu.

Căng thẳng Mỹ - Trung hiện tại

Các cách hiểu khác nhau như trên về nguồn gốc Chiến tranh Lạnh đã phản ánh các câu hỏi cũng như những tranh cãi then chốt về mối quan hệ Mỹ - Trung đương đại.

Một trường phái tư tưởng tương tự chủ nghĩa xét lại thời Chiến tranh Lạnh được coi là thiếu căn cứ vững chắc. Đúng là Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở châu Á - Thái Bình Dương và có nhiều hành động khác chắc chắn chống lại một Trung Quốc đầy tham vọng.

Song, Mỹ cũng đồng thời làm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác để tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, bằng bật đèn xanh cho Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa các thị trường cho hàng hóa Trung Quốc, cho phép chuyển giao các công nghệ dân sự tiên tiến và khuyến khích Bắc Kinh gắn kết nhiều hơn, có ảnh hưởng lớn hơn trong ngoại giao khu vực và toàn cầu. Thật khó để tuyên bố rằng Mỹ "đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc" nếu xét đến việc "Trung Quốc đã có sự tăng trưởng và phát triển ngoạn mục" kể từ khi tái lập quan hệ với Mỹ.

Nguồn gốc thực sự của chiến tranh lạnh Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Tàu khu trục USS Stethem của Hải quân Mỹ tại quân cảng Wusong ở Thượng Hải trong chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc tháng 11/2015. Ảnh: THX

Hầu hết các nhà quan sát đều thống nhất rằng, điều một số người gọi là "các hành động quả quyết mới" của Bắc Kinh bắt đầu vào các năm 2008 - 2009. Nó xảy ra giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vào thời điểm chính quyền mới của Barack Obama đang nhấn mạnh đến nhu cầu phải trấn an Bắc Kinh, đề cập đến sự xuất hiện của một thế giới đa cực và thậm chí gợi nhắc đến khả năng tạo ra cơ chế "G-2" để kiểm soát các vấn đề toàn cầu.


Như nhà khoa học chính trị Andrew Scobell đã viết, đó là kết quả nhận thức về sự yếu kém và điều đình của người Mỹ, chứ không phải nhận thức về sự thù địch gia tăng, tạo nên nền tảng cho việc gia tăng sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và những khu vực khác.

Trường phái tư tưởng thứ hai được nhắc đến nhiều hơn, nhưng không hoàn toàn thuyết phục. Có một thực tế không ai phản bác là, Trung Quốc hiện trở nên tham vọng, quyết đoán hơn. Ở châu Á, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế quân sự, đòn bẩy kinh tế, áp lực ngoại giao và các tác động khác để tăng cường sức ảnh hưởng của Trung Quốc và hạn chế các lựa chọn của những cường quốc trong khu vực.

Không chỉ đụng độ với các nước, chẳng hạn như Nhật Bản và Ấn Độ trong các tranh chấp chủ quyền, cả về lực lượng quân sự và bán quân sự, Bắc Kinh còn đồng thời thúc đẩy các dự án địa - kinh tế quy mô lớn như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á hay Quan hệ đối tác kinh tế khu vực toàn diện nhằm đưa châu Á - Thái Bình Dương vào quỹ đạo của mình.

Xa hơn ở nước ngoài, Trung Quốc được xem như một thách thức toàn cầu đối với ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc đã mở rộng dấu ấn quân sự toàn cầu, sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để vươn dài sức mạnh kinh tế ra ngoài phạm vi lãnh thổ của mình. Sáng kiến "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" cho thấy tham vọng giành "ngôi vương" về kinh tế từ tay Mỹ bằng bằng cách đi đầu về các đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, vấn đề với cách hiểu này là nó không chỉ rõ ai là nguyên nhân hay kết quả của những thay đổi trong các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh công bố đường 9 đoạn ở Biển Đông, tăng cường sức ép với Nhật ở Biển Hoa Đông và các khía cạnh "quả quyết" khác đều có từ nhiều năm trước.

Trường phái tư tưởng thứ ba, tương ứng với chủ nghĩa hậu xét lại thời Chiến tranh Lạnh cho rằng, sự thay đổi động lực sức mạnh và bản chất của các vấn đề quốc tế đã đẩy Mỹ và Trung Quốc vào thế đối đầu. Rõ ràng, có nhiều căn cứ hậu thuẫn cách lý giải này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua không giống bất cứ điều gì đã có trong lịch sử hiện đại.

GDP của Trung Quốc liên tục tăng từ 1.900 tỉ USD lên 8.300 tỉ USD trong giai đoạn 1998 - 2014. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng tăng từ 2,2% lên 12,2% trong tổng chi tiêu toàn cầu giai đoạn 1994 - 2015. Bắc Kinh đã thâu tóm được nhiều tính năng quân sự tiên tiến hơn bao giờ hết trong khi vẫn phát triển nền tảng kinh tế để tác động đến các quốc gia từ Đông Nam Á đến Đông Âu và xa hơn nữa.

Sự phát triển của sức mạnh Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh quân sự, ban đầu một phần bắt nguồn từ những lo ngại rằng Mỹ có thể biến Bắc Kinh thành đối thủ chính trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Song, càng hùng mạnh, Trung Quốc càng không giấu giếm các tham vọng, đe dọa vị thế và ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế. Tất cả những điều này rốt cuộc buộc Mỹ phải có những chính sách đối phó sắc bén và mạnh mẽ hơn, dù dưới hình thức Chiến lược bù đắp thứ ba nhằm đáp trả các khả năng chống tiếp cận khu vực của Trung Quốc hay áp thuế nhập khẩu cao hơn của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh.

Nguồn gốc thực sự của chiến tranh lạnh Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Mỹ thoát khỏi bế tắc cách nào?

Hiện có nhiều ẩn ý về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Trước hết, chẳng có nhiều điều Mỹ có thể làm trong thực tế để xoa dịu hay trấn an các lãnh đạo Trung Quốc. Trừ khi Washington rút các lực lượng quân sự về Hawaii và bỏ mặc các đồng minh của mình ở Thái Bình Dương, đồng thời ngưng ủng hộ các giá trị dân chủ họ đang theo đuổi ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ vẫn tin rằng mục tiêu chính của Mỹ là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ.

Quan điểm này không hoàn toàn sai, nhưng bị phóng đại và nó không chỉ bắt nguồn từ những hành động của chính phủ Mỹ. Các biện pháp xây dựng lòng tin có chỗ đứng trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng Washington sẽ không thuyết phục được Bắc Kinh tin sự hiện diện của họ nhằm tạo ra sự ổn định và các mục tiêu của họ là vô hại.

Thứ hai, nếu Mỹ vẫn không sẵn sàng nhượng lại Bắc Kinh một phạm vi ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, họ cần phải tăng cường các hệ thống phòng thủ trong khu vực bằng cách củng cố cấu ​​trúc an ninh khu vực cũng như các khả năng bảo vệ chủ quyền của chính mình. Vài năm qua đã chứng kiến ​​sự bùng nổ của các thỏa thuận an ninh song phương, ba bên và đôi khi bốn bên giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực cũng như những nỗ lực nâng cấp các liên minh song phương của Washington.

Đây thực sự là những bước đi tích cực, nhưng cho đến nay chúng không làm thay đổi đáng kể các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và xa hơn ở nước ngoài, cũng như không đảo ngược những thay đổi bất lợi trong cán cân quyền lực khu vực.

Trong Chiến tranh Lạnh, chỉ khi Washington thể hiện sự sẵn sàng duy trì hiện trạng ở Tây Berlin và Tây Âu xét theo phạm vị rộng hơn, tình hình mới rơi vào thế bế tắc. Sự khác biệt giữa châu Âu vào cuối những năm 1940 và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày nay là rất lớn, nhưng những điểm tương tự mang tới một bài học trọng yếu cho các nhà hoạch định chính sách ngày nay: Các thỏa thuận an ninh mạnh mẽ với sự hỗ trợ của sức mạnh quân sự đáng gờm của Mỹ có thể làm tăng cảm giác đối kháng và nghi ngờ, nhưng chúng không thể thiếu để giữ gìn hòa bình.

Thứ ba, các quan chức Mỹ phải hiểu rằng, sự cạnh tranh là cả về địa chính trị và ý thức hệ. Đương đầu với thách thức này, họ cần phải quả quyết hơn trong việc bảo vệ nền dân chủ ở quê nhà cũng như thúc đẩy các giá trị tương tự một cách mạnh mẽ hơn ở châu Á.

Cuối cùng, cách đối phó thích hợp với Trung Quốc chỉ có được nhờ sự ủng hộ rộng rãi và bền vững. Ở Washington hiện phổ biến các tuyên bố về những cách tiếp cận của "toàn chính phủ", nhưng điều cần đạt được phải ở phạm vị rộng hơn, là cách tiếp cận của "toàn xã hội", quy tụ sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ đối lập và công chúng Mỹ.

Quy mô và sức mạnh Trung Quốc hiện nay ám chỉ các vấn đề họ gây ra với Mỹ sẽ không sớm biến mất. Để có được sự ủng hộ của "toàn xã hội", các quan chức Mỹ cần nhận thức đúng đắn về bản chất của thách thức, giải thích rõ việc đối phó với Trung Quốc ra sao sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ một thế giới dân chủ, tương đối ổn định và cởi mở như thế nào. Tương tự như trong Chiến tranh Lạnh, Washington sẽ cần một chiến lược rộng lớn và bền bỉ.


Theo Tuấn Anh

Vietnamnet

Trở lên trên