Nguồn kiều hối về Việt Nam sẽ suy giảm do chính sách của Tổng thống Donald Trump?
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhận định năm 2018, kiều hối chảy về Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực.
Theo NCIF, sự hồi phục của kinh tế thế giới và các dòng vốn đầu tư quốc tế đã có tác động rõ rệt tới dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Trong 11 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút tới 35,9 tỷ USD (gồm cả đầu tư mới và M&A), tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị M&A của các nhà đầu tư nước ngoài cũng lên tới 6,2 tỷ USD trong năm 2017.
Xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới và các dòng vốn quốc tế dự báo tiếp tục diễn ra trong năm 2018 và sẽ tác động tích cực đến triển vọng thu hút FDI của Việt Nam.
Tuy nhiên, NCIF cho rằng Việt Nam đang chịu tác động rõ rệt từ chính sách chống nhập cư của Tổng thống Donald Trump và chính sách nâng lãi suất của FED tới dòng kiều hối vào trong nước, do Mỹ là nước cung cấp kiều hối lớn cho Việt Nam, với tỷ lệ lên đến 60%.
Năm 2016, dòng kiều hối vào Việt Nam chỉ đạt 9 tỷ USD, giảm 1/3 so với năm 2015 – đạt 13,2 tỷ USD do ảnh hưởng của các yếu tốt trên.
Báo cáo Di cư và Phát triển của World Bank (10/2017) cho thấy dòng kiều hối về Việt Nam năm 2017 sẽ giảm 10% do tác động của chính sách lãi suất và nhập cư của Mỹ, trong khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước thấp.
Mức kiều hối gửi về TP. Hồ Chí Minh trong năm 2017 dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn năm 2016 một chút nhưng rõ ràng là giảm hơn so với năm 2015.
Những áo lực về kiều hồi về Việt Nam sẽ tiếp tục trong năm 2018 do Mỹ dự kiến tăng lãi suất thêm 3 lần và chính sách chống nhập cư của Tổng thống Donald Trump tiếp tục được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, theo NCIF, việc Mỹ tăng lãi suất đã làm tăng áp lực tỷ giá tới VNĐ và là một trong những nguyên nhân khiến NHNN vẫn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% (áp dụng từ 18/12/2015) nhằm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong nước.
Việc Mỹ tăng lãi suất và ECB cắt giảm gói nới lỏng định lượng có thể tác động tới tỷ giá hối đoái song phương của Việt Nam với hai nước (khối nước) trên nhưng không tác động nhiều đến tỷ giá hối đoái đa phương của Việt Nam do các ngoại tệ khách cũng giảm giá so với USD và Euro.
Tính toán của NCIF cho thấy mức độ tác động lên giá trị tiền đồng của Việt Nam rất nhỏ, lần lượt làm tăng 0,0182 điểm phần trăm và 0,0033%.
Giá cả hàng hoá thế giới không tăng nhiều và có nhưng thời điểm giảm đã tác động tích cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát ở Việt Nam. CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016. NCIF cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay.