MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn lực nào triển khai chương trình nhà ở xã hội lãi suất 4,8%?

20-06-2016 - 16:32 PM | Bất động sản

Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách đối với các đối tượng quy định tại Nghị định sẽ là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Như vậy, song song với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tới cuối năm 2016 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố thì những người lao động có thu nhập thấp sẽ có thêm sự lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30.000 tỷ đồng ở các ngân hàng thương mại là 0,2%/năm.

Tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn vì thời gian áp dụng mức lãi suất này chỉ trong khoảng 6 tháng.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc Chính phủ sẽ cấp vốn như thế nào cho Ngân hàng Chính sách để cho người dân vay, bởi các Bộ, ngành liên quan đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã có công văn chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xây dựng quy trình, quy chế cho vay. Tuy nhiên, qua theo dõi quá trình thực hiện chương trình này thì thấy một vấn đề vướng mắc lớn là nguồn lực để Ngân hàng Chính sách triển khai vấn đề này.

"Tới đây Bộ Tài chính cũng như các Bộ ngành sẽ tập trung bàn và tìm giải pháp về vốn để triển khai thí điểm trong 6 tháng cuối năm," ông Đông cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Quyết định số 1013/QĐ-TTg là quyết định đúng đắn, kịp thời tạo ra niềm tin cho người dân, tạo sự kết nối chính sách đồng bộ, liên tục.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, cái khó hiện nay là nguồn vốn vì hiện phát hành trái phiếu chính phủ cũng đến giới hạn, không thể tùy tiện in tiền để Ngân hàng Chính sách cho vay ra được.

Điều đó cũng có cơ sở khi Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn.

Dưới góc độ của người mua nhà, chị Nguyễn Bích Trâm (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2015, gia đình chị quyết định tìm mua nhà tại dự án nhà ở xã hội ở Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên), tuy nhiên đến đầu năm 2016 thì gói tín dụng này kết thúc, trong khi gia đình chị chưa hoàn tất được thủ tục mua nhà và vay tiền. Với mức thu nhập của hai vợ chồng trẻ, chị Trâm cho biết sẽ không mua được nhà nếu phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại, vì thế chị đang rất mong ngóng gói tín dụng ưu đãi mới của Nhà nước để sớm mua được nhà, ổn định cuộc sống.

Nhận thấy nhà ở xã hội là rất cấp thiết và cấp bách bởi những người mua nhà ở xã hội là những đối tượng có nhu cầu thật. Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nhấn mạnh: Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chuẩn bị tinh thần, nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện chương trình nhà ở xã hội theo ngay sau khi được Nhà Nước bố trí nguồn vốn.

Cũng trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách đã làm tốt công tác cho vay nhà ở xã hội trên toàn quốc như chương trình mua nhà ở trả chậm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (theo Quyết định 105), nhà ở cho người nghèo (theo Quyết định 167) và cho vay nhà phòng, tránh bão, lụt ở khu vực miền Trung cho hộ nghèo (theo Quyết định 48).

Theo một chuyên gia ngân hàng, hiện nay nhiều người dân đang trông chờ và kỳ vọng vào các gói tín dụng mới này, vì vậy, dù ít hay nhiều, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nếu được thực hiện tốt sẽ phát huy tác dụng lớn đối với đời sống xã hội cũng như góp phần giúp cho thị trường bất động sản ổn định. Do đó, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy để chính sách tín dụng ưu đãi mới cho lĩnh vực nhà ở xã hội sớm được triển khai kịp thời./.

Theo Thúy Hà

Vietnam+

Trở lên trên