MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ dồn về bất động sản

25-08-2017 - 07:53 AM | Bất động sản

Bước sang năm 2017, thị trường BĐS trong nước nhộn nhịp với nhiều dự án mới, hoạt động đầu tư diễn ra sôi nổi tại tất cả các phân khúc sản phẩm. Những thông tin về “lính mới” tham gia thị trường, hay các thương vụ mua đi bán lại dự án… phần lớn đều được thị trường đón nhận tích cực.

Trong báo cáo quý 2/2017 do Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy, tại Việt Nam các chỉ số vĩ mô đặc biệt là chỉ số FDI đã gia tăng đột biến với 19,2 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt lĩnh vực BĐS đã diễn ra nhiều hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Song song với việc xuất hiện những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, một số thương hiệu sau thời gian im hơi lặng tiếng cũng bắt đầu tái khởi động lại dự án, đặc biệt thị trường đang xuất hiện tình trạng nhiều nhà đầu tư ngoại đã sẵn sàng “mở hầu bao” để thâu tóm các quỹ đất có vị trí đắc địa để triển khai các dự án hạng sang.

TP. HCM – Nơi chiếm tới 40,9% tổng số vốn FDI vào BĐS cả nước thì hoạt động M&A diễn ra càng sôi động. Cùng với quá trình phát triển ngày càng đi vào quỹ đạo ổn định tại TP. HCM, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao về tình hình thị trường và cho rằng đây là thời điểm tốt để “xuống tiền” đầu tư và thâu tóm các dự án. Tại các khu vực đang thu hút được sự quan tâm của khách hàng thì các hoạt động M&A diễn ra càng sôi động.

Quỹ đầu tư CapitaLand đã có một thương vụ M&A thành công khi mua lại một khu đất nằm tại trung tâm quận 1 nhằm đầu tư phát triển thành một cao ốc 240m - dự báo sẽ là một trung tâm thương mại cao nhất tại TP.HCM trong thời tương lai. Trong cùng kỳ, quỹ này cũng công bố việc mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8 ha ở Thảo Điền để phát triển gần 300 căn hộ hạng sang. Việc đầu tư này cũng là một trong những chiến lược "rót" 500 triệu USD vào lĩnh vực BĐS thương mại tại Việt Nam của tập đoàn hàng đầu Singapore. Quỹ đầu tư Frasers Centrepoint Limited mua lại 70% cổ phần trong dự án G Homes từ Tập đoàn An Dương Thảo Điền.

Mới đây doanh nghiệp đầu tư của Nhật Creed Group đã bắt tay cùng Tập đoàn An Gia để “thâu tóm” 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 với giá trị 910 tỷ đồng. Cũng đến từ đất nước mặt trời mọc, tập đoàn Kajima cũng đã liên kết với Indochina Capital ra mắt liên doanh với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, thời gian sắp tới đơn vị mới thành lập này sẽ triển khai 4 dự án BĐS cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Hầu hết các dự án M&A chiếm ưu thế về thiết kế và tiện ích bởi yếu tố “ngoại”
Hầu hết các dự án M&A chiếm ưu thế về thiết kế và tiện ích bởi yếu tố “ngoại”

Số lượng các thương vụ M&A nhiều, đi kèm với đó là số vốn đầu tư không nhỏ của các quỹ đầu tư ngoại. Hầu hết các dự án tham gia vào quá trình mua bán sáp nhập đều được thị trường đánh giá cao về tính thanh khoản. So sánh cùng các hoạt động M&A trong giai đoạn trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động này đã đi vào thực chất và khả thi hơn so với giai đoạn 2011 - 2013.

Các quỹ đầu tư sẵn sàng “xuống vốn” mua lại các dự án BĐS và bắt tay triển khai ngay để có sản phẩm chào bán ra thị trường. Việc liên kết yếu tố “nội” - “ngoại” cũng góp phần thổi luồng gió mới vào quá trình tư vấn thiết kế, đặc biệt tại các dự án hạng sang và cao cấp thì yếu tố “ngoại” càng được thể hiện rõ nét với sự khác biệt độc đáo, hứa hẹn sẽ nâng tầm cuộc sống cho cư dân trong tương lai.

Tại phân khúc hạng trung cũng cũng ghi nhận nhiều hoạt động đầu tư sôi nổi. Trong hàng loạt các báo cáo gần đây của các đơn vị nghiên cứu quốc tế thì phân khúc này vẫn đứng trong top những sản phẩm có tính thanh khoản nhanh và cao nhất thị trường. Không chỉ thế, nhu cầu về nhà ở hạng trung được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do Việt Nam được đánh giá là đang có những chỉ số “vàng” về dân số với số người trong độ tuổi lao động dự báo đạt 5,5 triệu đến năm 2019.

Theo Khảo sát Dự định Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 do CBRE công bố, việc gia tăng nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm và đổ vốn vào thị trường Việt Nam phần lớn là nhờ vào sự hỗ trợ của các nền tảng vĩ mô và lợi suất ban đầu cao. Hiện nay hình thức liên doanh với chủ đầu tư trong nước vẫn được nhiều doanh nghiệp “ngoại” áp dụng bởi nhiều lợi thế.

Thùy Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên