MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ “biến tướng” trong cuộc đua chuyển mạng giữ nguyên số

01-04-2019 - 14:00 PM | Thị trường

Ngoài việc các thuê bao có nhu cầu chuyển mạng giữ nguyên số thì đang có đợt "sóng ngầm" giữa các nhà mạng khi tung ra những chương trình áp sát khách hàng mời chào chuyển mạng với ưu đãi khủng. Đích đến dài hạn của chuyển mạng giữ số đang bị biến tướng.

Giới chuyên môn nhận định về "thế cờ" chuyển mạng giữ số ra sao?

Theo Cục Viễn thông, sở dĩ Bộ TT&TT áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số để thúc đẩy cạnh tranh khi thị trường viễn thông ở ngưỡng bão hòa về thuê bao. Vì vậy, chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng.

Khi dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai, các nhà mạng đứng trước nguy cơ bị mất thuê bao vào tay đối thủ nếu chất lượng dịch vụ họ cung cấp không đảm bảo hoặc sản phẩm dịch vụ không phù hợp với nhu cầu của người dùng. Điều này khiến các nhà cung cấp phải đưa tiêu chí chất lượng và công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu.

Họ phải thực sự đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp. Như vậy, người được hưởng lợi chính là các thuê bao di động: họ được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của mình.

Trước khi các nhà mạng áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, giới phân tích cho rằng, ở thị trường Việt Nam thì 2 yếu tố quan trọng nhất khiến khách hàng sẽ chuyển mạng là chất lượng dịch vụ và vùng phủ sóng, sau đó mới đến giá cước. Trong khi đó, yếu tố chăm sóc khách hàng chưa phải là yếu tố quá quan trọng để tác động đến khách hàng chuyển mạng.

Cũng theo đó, giới phân tích cho rằng, Viettel là nhà mạng sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua chuyển mạng giữ nguyên số vì nhà mạng này được đánh giá là có vùng phủ sóng tốt nhất. Đây chính là thế mạnh vượt trội của Viettel mà các nhà mạng khác chưa thể lấp đầy khoảng trống.

Những con số “thú vị”

Theo số liệu của Cục Viễn thông, sau gần 4 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, MobiFone có số thuê bao chuyển đến là 30.675, trong khi thuê bao chuyển đi là 48.420. Đặc biệt, thuê bao chuyển đi thành công chỉ đạt 43%, trong khi thuê bao chuyển đến đạt gần 73%. Nhà mạng VinaPhone có số thuê bao chuyển đến là 98.361 thuê bao, số thuê bao chuyển đi là 63.153, tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 76,7%, tỷ lệ chuyển đi thành công đạt 72,3%.

Nhà mạng Viettel có số thuê bao chuyển đi là 98.512, chuyển đến 94.780. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 62,3%, tỷ lệ chuyển đi thành công đạt cao nhất trong số 4 nhà mạng, gần 86%. Nhà mạng Vietnamobile có 1.036 thuê bao chuyển đến, 14.767 thuê bao chuyển đi. Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công là 33,6%, tỷ lệ chuyển đi thành công đạt gần 41%.

Tính đến ngày 24/3, đã có 55.472 thuê bao bị từ chối cung cấp dịch vụ chuyển mạng do không đáp ứng các điều kiện như sai thông tin thuê bao, đang nợ cước... Trong đó, nhà mạng MobiFone từ chối nguyện vọng chuyển mạng của người dùng nhiều nhất, với 23.951 thuê bao, VinaPhone là 14.037 thuê bao, Viettel là 9.176 thuê bao và Vietnamobile có 8.308 thuê bao.

Trong những con số liệu, điều gây bất ngờ là MobiFone trở thành mạng có yêu cầu chuyển đi vượt xa chuyển đến, còn Viettel chưa phải là mạng chiếm ưu thế hơn hẳn trong chuyển mạng giữ số. VinaPhone trước đó không được nhận định sẽ thu hút được nhiều thuê bao đến lại có con số rất đẹp. Chỉ có Vietnamobile được cho là phản ánh đúng thực trạng của nhà mạng này trong tương quan so sánh cạnh tranh với các nhà mạng khác.

Bí mật phía sau những con số

Sau khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, nhiều khách hàng phản ánh về việc các nhà mạng đưa ra chính sách "chơi xấu" không cho khách hàng được chuyển đi. Để giữ chân thuê bao, một số nhà mạng bắt đầu sử dụng chính sách đưa thời gian cam kết vào các gói dịch vụ giá trị gia tăng.

Nếu không để ý kỹ, người dùng sẽ bị trói buộc vào các cam kết với thời gian rất dài. Có nhà mạng đã áp dụng chính sách yêu cầu nhân viên vận động người thân bạn bè chuyển mạng giữ số sang mạng của mình và xem đây như một chỉ tiêu về thi đua

Thêm vào đó, nhiều nhà mạng đã ép chỉ tiêu nhân viên nhằm giữ chân khách hàng trước sức ép của việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Chính vì vậy, không ít người dùng gặp phải những phiền phức khi muốn chuyển mạng giữ số. Trước vấn đề này, Bộ TT&TT đã lập dường dây nóng để khách hàng phản ánh.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Viettel cho biết nhà mạng này không áp dụng chính sách hạn chế khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số. Nếu khách hàng thực sự muốn chuyển mạng vì lý do nào đó Viettel sẽ tạo điều kiện để cho thuê bao chuyển. Điều này được chứng minh qua tỷ lệ chuyển đi thành công cao nhất trong số các nhà mạng.

"Chính vì vậy mà lượng thuê bao Viettel chuyển đi thành công cao (86%), do chúng tôi luôn tuân thủ theo đúng chính sách của Bộ TT&TT đưa ra và tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng", đại diện Viettel nói.

Tổng giám đốc một nhà mạng chia sẻ rằng đang có sự biến tướng trong chuyển mạng giữ nguyên số khi mà các nhà mạng không chỉ nhắm đến những thuê bao có nhu cầu chuyển mạng mà còn đánh cả vào những thuê bao chưa có nhu cầu chuyển mạng. Vì vậy, một số nhà mạng đã tung ra chính sách ưu đãi “khủng” và tiếp thị trực tiếp đến các thuê bao của mạng khác mời chào chuyển mạng giữ số.

"Nếu các nhà mạng tiếp tục lao vào cuộc chiến ưu đãi khủng cho các thuê bao chuyển mạng có thể dẫn tới cuộc chiến mới trên thị trường mà ở đó các nhà mạng đều thiệt. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có chính sách để đảm bảo thị trường không đi quá đà trong cuộc đua chuyển mạng giữ nguyên số đang bị biến tướng".

Trên thực tế, một lượng không nhỏ khách hàng đã chuyển mạng giữ nguyên số sang mạng khác bởi chính sách khuyến mại khủng được chào mời, khiến cho chi phí hàng tháng thấp hẳn xuống so với mức đang dùng.

Nhưng điều này đã tạo ra một nguy cơ lớn về chuỗi phản ứng dây chuyền trên thị trường nếu như nhà mạng lớn nhất cũng tung ra chiêu thức tương tự. Bên cạnh đó, việc khuyến mại khủng cho khách hàng mới còn là việc “ngược đãi” các khách hàng trung thành bởi họ là những người đóng góp lớn nhất cho nhà mạng nhưng giá cước lại cao hơn.

Quan trọng hơn, cuộc đua chuyển mạng giữ số không còn giữ đúng được mục tiêu là tập trung vào chất lượng dịch vụ nữa mà quay trở lại cạnh tranh về giá - yếu tố không tạo ra sự phát triển bền vững dài hạn.

Theo Nguyên Long

ICT News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên