MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ khủng hoảng và hồi chuông cảnh báo về điểm tới hạn của chính sách tiền tệ

07-06-2016 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Những công cụ can thiệp để của các NHTW để đối phó với tình trạng khủng hoảng đang bị hạn chế một cách nghiêm trọng khi mà mặt bằng lãi suất hay các công cụ nới lỏng định lượng – định tính đều đã được sử dụng một cách gần như tối đa.

Những đổ vỡ lịch sử

Cách đây 85 năm, thời điểm ngày 11/5/1931, sau khi Đại Khủng hoảng 1929 - 1930 nổ ra trên toàn thế giới, ngân hàng lớn nhất nước Áo và cũng là biểu tượng chủ nghĩa tư bản của Đế quốc Áo – Hung là Credit-Anstalt đã chính thức tuyên bố phá sản.

Tiếp sau đó chỉ 2 tháng, lần lượt các ngân hàng trong khu vực từ Ai Cập, Đức, Hungary, Lat-vi-a, Ba Lan, Ru-ma-ni và Thổ Nhĩ Kỳ đều rơi vào trạng thái khủng hoảng với hiện tượng bank runs, khi người gửi tiền ồ ạt kéo tới rút hết tiền gửi trong ngân hàng. Cơn hoảng loạn rút tiền gửi cực lớn cũng xảy ra lần lượt vào tháng 8 và tháng 9 cùng năm đó tại các ngân hàng Mỹ và Anh Quốc.

Những diễn biến trong cuộc Đại khủng hoảng 1929 – 1931 này có nhiều điểm rất tương đồng với diễn biến của Đại khủng hoảng tài chính 2008 sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ, Lehman Brothers. Với thị trường tài chính ngày càng phát triển, diễn biến phức tạp thì việc hiểu được những rủi ro đối với hệ thống tài chính hiện nay là điều tối quan trọng để chuẩn bị cho tình huống một cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra.

Trước khi đi sâu vào tìm kiếm và phân tích các rủi ro đe dọa hệ thống tài chính, thì cần phải làm rõ một điều đó là không phải sự sụp đổ của những đế chế tài chính như Credit-Anstalt hay Lehman Brothers là nguyên nhân cốt yêu gây ra tất cả sự hỗn loạn, bất ổn từng có của hệ thống tài chính toàn cầu. Đó chỉ là bề nổi, là điều tất yếu khi “khối u” vỡ ra. Nguyên nhân trên hết bắt nguồn không đâu xa, chính là từ sự yếu kém của hệ thống ngân hàng, tài chính.

Tại Áo năm 1931, mọi vấn đề bắt nguồn từ sự tan rã của Đế quốc Áo-Hung sau Thế chiến I, siêu lạm phát xảy ra vào đầu những thập niên 20, và cơ cấu các khoản cho vay của hệ thống ngân hàng liên quan tới ngành công nghiệp tăng quá lớn vì đây là thời kỳ bùng nổ công nghiệp trên toàn thế giới và châu Âu, đặc biệt sau Thế chiến I.

Khi Credit-Anstalt sụp đổ, thế giới đang trải qua năm thứ 2 của cuộc Đại suy thoái. Hệ thống ngân hàng ở một số quốc gia đã trở nên cực kỳ yếu ớt, và sự căng thẳng đang lan truyền từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác một cách chóng mặt. Trong khi đó cơ chế bản vị vàng càng tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng tài chính do cơ chế này hạn chế khả năng in thêm tiền giấy hay khả năng bơm tiền kích thích kinh tế vì theo đó mỗi đồng tiền được in thêm phải đi kèm sau nó một sự đảm bảo bởi một lượng vàng vật chất nhất định và người dân thì có quyền đổi tiền giấy ra vàng.

Tương tự như vậy, trước khi dẫn tới sự sụp đổ năm 2008, toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu đã trải qua nhiều thập niên mở rộng, nới lỏng quá mức sau khi cơ chế bản vị vàng cuối cùng trên thế giới – Breton Wood (ký kết năm 1944) được chính thức dỡ bỏ vào năm 1971. Thêm một nguyên nhân nữa là yếu kém trong công tác quản lý các rủi ro nội bộ cũng như các quy định giám sát hệ thống tài chính của các Chính phủ chưa đủ sâu và rộng. Vai trò của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ đơn giản là một mắt xích yếu nhất trong một chuỗi dài các công ty, thể chế tài chính dễ tổn thương.

Lịch sử lặp lại?

Thế giới đã trải qua 8 năm dài đằng đẵng tràn ngập các đợt kích thích, nới lỏng chưa từng có của các NHTW thế giới. Và, từ mấy năm trở lại đây, kể từ khi FED chấm dứt hoàn toàn gói QE3 vào 10/2014 thì nhiều nhà phân tích đang tự đặt câu hỏi liệu sắp có một cuộc khủng hoảng khác xảy ra mà cũng sẽ được kích hoạt bởi một phiên bản khác của Credit Anstalt hoặc Lehman Brothers hay không?

Tính tới thời điểm hiện tại thì các nền kinh tế toàn cầu và hệ thống tài chính vẫn đang trên đà phục hồi. Các ngân hàng đã e ngại rủi ro hơn đồng thời đã trải qua nhiều cải cách trong khi cơ quan quản lý cũng có nhiều động thái làm sạch hệ thống. Đó là những điểm sáng đồng thời là cơ sở để cho rằng sự phục hồi hiện tại có những cơ sở vững chắc, cũng như giúp góp phần ổn định hệ thống tài chính chung.

Nhưng vẫn có một vấn đề, đó là các cuộc khủng hoảng tài chính thường rất khó có thể thấy hay lường trước, nó xuất hiện từ các hướng khó đoán định. Có những rủi ro ngầm đang diễn ra ngoài tầm nhận biết của các nhà hoạch định, và từ những loại rủi ro mà hệ thống chưa nhận biết được đầy đủ lại tạo thêm một loại rủi ro khác đó là sự chủ quan. Tâm lý chủ quan lại khiến những thành phần tham gia hệ thống tài chính hoạt động mạnh mẽ, phức tạp hơn và cuối cùng dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mới, do đó cần đặt ra câu hỏi là hệ thống hiện tại của chúng ta được trang bị tốt đến đâu để đối phó với những cuộc khủng hoảng mới thậm chí còn sẽ nghiêm trọng hơn so với trong quá khứ?

Các NHTW nay đã nhận thức khá rõ được trách nhiệm của họ không chỉ nằm ở việc bình ổn giá mà còn bao gồm cả việc phòng ngừa và quản lý những căng thẳng trong hệ thống tài chính. Nếu khủng hoảng xảy ra các NHTW chắc chắn sẽ được nhanh chóng phản ứng bằng việc sử dụng một loạt các công cụ thị trường trong tay họ.

Điểm tới hạn của chính sách tiền tệ

Nhưng hiện nay, đặc biệt là thời điểm này, những công cụ can thiệp để của các NHTW để đối phó với tình trạng khủng hoảng, giảm phát thực tế đang bị hạn chế một cách nghiêm trọng khi mà mặt bằng lãi suất hay các công cụ nới lỏng định lượng – định tính đều đã được sử dụng một cách gần như tối đa.

Năm 2008, các NHTW đã phản ứng với khủng hoảng tài chính bằng việc cắt giảm lãi suất với tốc độ và biên độ chưa từng có chưa từng có, đồng thời thực hiện các gói nới lỏng định lượng – định tính khổng lồ mà còn kéo dài tới tận bây giờ.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, các NHTW có thể tất cả hạ giá đồng tiền của họ so với vàng, qua đó nâng cao mặt bằng giá cả trong nền kinh tế để thoát giảm phát. Và chính xác thì trong đợt cao trào của Đại suy thoái, năm 1931 có 9 quốc gia, trong đó có Anh, đã thực hiện biện pháp kích thích như vậy, và sau đó 3 năm là Mỹ.

Tuy nhiên, hiện tại việc làm mất giá trị tiền tệ không còn hiệu quả như trước, đơn cử như Nhật Bản những năm 1990 – 2000, nước này đã rơi vào bẫy thanh khoản vì duy trì mức lãi suất thấp trong một thời gian dài khiến người dân tích trữ tiền mặt thay vì gửi ngân hàng hay chi tiêu nhằm chờ đợi tiền tăng giá trở lại.

Các nền kinh tế trên toàn thế giới đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng 2008, và với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED đã thực hiện nâng lãi suất dù chỉ mới một lần vào cuối năm ngoái, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy chu kỳ lãi suất toàn cầu đang bước vào giai đoạn tiếp theo - giai đoạn thắt chặt tín dụng và đó là tin tốt, tốt bởi vì sự thắt chặt đi liền với sự hồi phục.

Nhưng mối nguy của một cuộc khủng hoảng tài chính khác không thể bị loại trừ. Mặc dù những công cụ của các NHTW trong việc đối phó với những cú sốc tài chính sẽ chưa đạt tới mức giới hạn trong vài năm nữa nhưng các NHTW nên sử dụng những công cụ của mình một cách rất cần trọng vì đơn giản là rủi ro đến từ sự tự mãn sẽ phải trả giá rất đắt.

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên