MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ mắc phải căn bệnh "hỏng một bên mắt" đáng sợ vì thói quen bị cận mà lười đeo kính

23-11-2016 - 15:15 PM | Sống

Bị cận thị lệch mà không đeo kính không phải chuyện đơn giản mà có thể dẫn tới rất nhiều hậu quả nghiêm trọng - thậm chí là hỏng hoàn toàn 1 bên mắt đấy!

Tình trạng cận lệch hiện nay rất phổ biến

Cận thị lệch là khi bị cận thị với mức độ chênh lệch 2 bên mắt (một bên cận nhẹ hơn, một bên nặng hơn). Nó được gọi là lệch khúc xạ, hay còn gọi là bất thường khúc xạ. Hiện nay, tình trạng cận thị lệch ngày càng phổ biến. Ở một số người, độ chênh lệch này không lớn, nhưng tình trạng cận lệch tới vài độ giữa 2 mắt cũng khá phổ biến.

Trong khi đó, rất nhiều người thường bỏ qua việc đeo kính (kể cả có bị cận lệch hay không) do lười, vướng víu hoặc do ảnh hưởng đến... nhan sắc, sợ mắt bị "dại"...

Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa lường hết được hậu quả nghiêm trọng của việc cận lệch mà không đeo kính.

Hậu quả nghiêm trọng khi bị cận lệch mà không đeo kính

Khi bị cận thị lệch (hay bị lệch khúc xạ nói chung), nếu không được phát hiện và có các biện pháp điều trị sớm sẽ khiến cho mức độ cận lệch ngày càng tăng. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị.

Nhược thị là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan thị giác, thị lực bị giảm sút nghiêm trọng và không thể điều trị bằng cách chỉnh số kính. Điều đó cũng có nghĩa là, tới khi đã mắc nhược thị mới đeo kính là quá muộn.

Nguyên nhân là do thị lực của bên mắt có tật khúc xạ lớn hơn (cận nặng hơn) sẽ phát triển không bình thường, dần dần dẫn tới mất thị giác. Sự chênh lệch mức độ cận giữa hai mắt càng lớn thì nguy cơ mắc nhược thị càng cao.

Mắt bị nhược thị không những có thị lực rất thấp mà còn có thể rơi vào tình trạng mù vĩnh viễn, không thể phục hồi lại được.

Đề phòng nhược thị khi bị cận lệch

Cận thị lệch không phải bệnh nghiêm trọng, chỉ khi đã dẫn tới nhược thị thì mới gây nguy hiểm. Vì thế, chúng ta cần phải đề phòng ngay từ đầu bằng các biện pháp sau:

- Việc đầu tiên là đeo kính thường xuyên, đảm bảo độ của kính phải phù hợp với độ cận của từng bên mắt.

- Thường xuyên khám mắt và điều chỉnh độ kính khi có sự thay đổi độ cận.

- Có chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ, ăn nhiều thực phẩm có lợi cho mắt như cá, cà rốt, bí đỏ...

- Giữ khoảng cách an toàn cho mắt khi làm việc: cách vở hoặc máy tính từ 30 - 35cm.

- Tránh làm việc với máy tính quá 2 giờ. Cứ sau 2 giờ, bạn nên dành ra khoảng 10 phút để nghỉ ngơi trước khi làm việc tiếp.

- Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc, đảm bảo đủ 7 - 8 giờ/ngày.

- Khi bị đau mắt, không được dụi mà cần đến khám bác sĩ ngay để biết cách điều trị chính xác.

Nguồn: wiki, NEI

Ngọc Ánh

Kenh14

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên