Nguy cơ PVN mất cân đối dòng tiền lên đến -26.000 tỷ đồng giai đoạn 2020 – 2030
Nguồn tiền thu từ sản xuất tại các nhà máy điện trong thời gian đầu vận hành chưa thể bù đắp do các chi phí giá thành, lãi vay còn cao cộng với kế hoạch trả nợ vay là một trong những nguyên nhân dẫn đến dòng tiền của PVN gặp vấn đề.
Thông tin trên được đưa ra trong Đề án Tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2017 – 2025.
Dòng tiền tổng hợp của PVN bao gồm dòng tiền thu chi theo tỷ lệ tham gia của PVN tại 5 lĩnh vực hoạt động, gồm: dầu khí, công nghiệp điện, kinh doanh vận chuyển khí, chế biến dầu khí và dòng tiền thu chi tạo bộ máy công ty mẹ PVN bao gồm cả từ các đơn vị hạch toán phụ thuộc. Số dư nguồn tiền tại thời điểm 2016 của công ty mẹ PVN sẽ được phân bổ sử dụng cho các lĩnh vực hoạt động theo tỷ trọng đóng góp vào nguồn thu của PVN của từng lĩnh vực.
Theo mô hình tính toán cùng với các giả định trong dự báo dòng tiền, gồm:
-Giá dầu: 60 USD/thùng (trung bình giai đoạn 2018 – 2030)
-Giá khí: 4-9 USD/MMBTU tại năm 2016, tỷ lệ trượt giá cố định tuỳ theo hợp đồng
-Tỷ lệ trích quỹ Đầu tư phát triển: 30% lợi nhuận sau thuế, tỷ lệ nộp NSNN là 70% lợi nhuận còn lại
-Cơ chế quỹ Tìm kiếm thăm dò: Nguồn trích từ chi phía sản xuất kinh doanh của công ty mẹ PVN và trích hàng năm ở mức 17% doanh thu các Dự án Dầu khí trong nước trức (VSP) của công ty mẹ PVN.
-Tỷ giá VNĐ/USD vào năm 2016 là 22.500 đồng, trượt giá 2%/năm
Trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn và giả định, PVN cho biết dự báo dòng tiền trong giai đoạn 2022 – 2030, công ty mẹ PVN mất cân đối nguồn tiền với giá trị mất cân đối từ -5.000 đến -26.000 tỷ.
PVN cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến mất cân đối dòng tiền.
Thứ nhất, PVN chưa được cơ chế đảm bảo đủ nguồn vốn triển khai các hoạt động đầu tư nằm trong nhiệm vụ được Chính phủ giao. Cụ thể, theo Nghị định 91 ngày 13/10/2015, PVN phải thực hiện nộp nhà nước toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích các quỹ theo quy định, khoảng 70% lợi nhuận.
Dự kiến PVN sẽ nộp Thuế Thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế gần 190.000 tỷ đồng, trung bình 15.000 tỷ đồng/năm.
Thứ hai, các dự án điện có nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn tiền thu từ sản xuất tại các nhà máy điện trong thời gian đầu vận hành chưa thể mang lại nguồn tiền bù đắp do các chi phí giá thành, lãi vay còn cao cộng với kế hoạch trả nợ vay. Trong khi đó, khung giá điện chưa thể tăng tương ứng phù hợp.
Thứ ba, đối với dự án Nghi Sơn, theo kết luận của Thủ tướng ngày 14/9/2017, PVN phải sử dụng nguồn để bù thuế từ chi phí sản xuất kinh doanh của công ty mẹ PVN với mức ước tính khoảng hơn 2.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, tình trạng tài chính khó khăn hiện nay tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam - PVEP cũng ảnh hưởng không nhỏ dòng tiền thu về của PVN.
Để cải thiện dòng tiền, tránh mất cân đối đến năm 2030, đồng thời đảm bảo an toàn tài chính, giải thiểu các rủi ro về thanh khoản, bên cạnh các giải pháp về thu xếp vốn, PVN cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm: cơ chế quỹ Tìm kiếm thăm dò; bù thuế dự án lọc hoá dấu Nghi Sơn vào chi phí sản sản xuất kinh doanh của PVN; cắt giảm đầu tư thông qua chuyển giao các dự án nhà máy điện Sơn Mỹ II 1,2 và 3; cơ cấu lại danh mục đầu tư tại công ty mẹ PVN; phát hành trái phiếu.