MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời

Chuyên gia dự báo, nhu cầu điện dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Phát triển kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Tham luận tại Hội thảo “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” do Báo Điện tử VOV tổ chức sáng nay (12/10), ông Vương Quốc Thắng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Chuyên trách ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá, vì thế việc phát triển bền vững luôn gắn chặt đến an ninh năng lượng quốc gia.

Nhu cầu điện dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hiện nay

Nói về những thách thức về an ninh năng lượng của nước ta hiện nay, ông Vương Quốc Thắng cho rằng, Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng. Ngành năng lượng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cung cấp năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, vẫn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người còn tương đối thấp.

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời - Ảnh 1.

Tiêu thụ năng lượng thời gian qua tăng tương đối nhanh. Trong đó tiêu thụ năng lượng cuối cùng giai đoạn 2016 - 2020 bình quân với tốc độ khoảng 6,8%/năm. Tỷ trọng của tiêu thụ điện năng trong cơ cấu tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng cũng tăng từ 25,7% từ năm 2015 lên 28,4% vào năm 2020. Tuy vậy, kết cấu hạ tầng của ngành năng lượng phát triển tương đối nhanh. Hiện nay, quy mô nguồn điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới. Yêu cầu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý tốt hơn, nhưng hiệu quả sử dụng vẫn còn nhiều bất cập.

Hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong phát triển kinh tế còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên GDP khá cao, cao hơn 2 lần so với các nước phát triển.

Ông Vương Quốc Thắng dự báo, dân số Việt Nam có thể sẽ tăng lên khoảng 104 triệu người vào năm 2030, quy mô nền kinh tế cũng sẽ tăng trưởng khoảng 7%/năm từ nay đến năm 2030, do đó, nhu cầu về năng lượng sẽ tiếp tục tăng nhanh.

"Riêng nhu cầu điện dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Phát triển kinh tế  vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Trong khi đó trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên đã và đang suy giảm dần hàng năm; các nguồn thủy điện lớn và vừa đã được khai thác gần hết tiềm năng và dư địa. Đây cũng là một trong những thách thức với an ninh năng lượng của chúng ta", ông Thắng lo ngại.

Ủy viên Chuyên trách ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với một số thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Nguồn cung xăng dầu còn bị động, thiếu hụt và dễ tổn thương từ các tác động bất lợi từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Đáng chú ý, việc hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước sẽ dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện.

Ông Vương Quốc Thắng nhấn mạnh, nếu Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động đến an ninh năng lượng quốc gia.

Cần xây dựng các chương trình đặc biệt và trợ cấp cho người dân khi giá năng lượng tăng cao trong ngắn hạn

Nói về kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, ông Thắng cho biết, để bảo đảm an ninh năng lượng, các nước chú trọng đến yêu cầu đa dạng hoá nguồn cung trong cơ cấu năng lượng quốc gia và tăng cường kết nối năng lượng khu vực, xuyên quốc gia đồng thời với đẩy mạnh tự chủ về năng lượng, cố gắng phát huy tốt nhất tiềm năng của năng lượng tái tạo của chính mình là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách năng lượng.

Việc cạn kiệt và khan hiếm của các nguồn tài nguyên năng lượng, nhất là những nguồn năng lượng truyền thống, an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của đa số các quốc gia trên thế giới, để bảo đảm tính tự chủ về năng lương, các quốc gia đều ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo ở mức phù hợp với đặc điểm, quy mô, tích chất của hệ thống năng lượng của mình. Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, các quốc gia cũng đều hướng đến đơn giản hóa các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp phép.

"Để đối phó với giá năng lượng tăng cao trong ngắn hạn cần xây dựng các chương trình đặc biệt và trợ cấp cho người dân và người tiêu dùng cuối cùng trong trường hợp cần thiết. Đồng thời có chính sách phân loại đối tượng để ưu tiên sử dụng năng lượng trong trường hợp khủng hoảng thiếu năng lượng.

Tăng cường điện khí hóa, sử dụng phương tiên giao thông chạy điện thay cho các nhiên liệu truyền thống và sử dụng sưởi, nước nóng, làm lạnh bằng điện thay cho khí như với một số quốc gia Châu Âu.

Đặc biệt cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với một số chương trình hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình giảm thiết bị điều nhiệt để tiết kiệm gas sử dụng để sưởi ấm", ông Thắng đề xuất.

Đẩy nhanh các dự án điện mặt trời

Từ những bài học quốc tế, ông Vương Quốc Thắng cũng cho rằng, Việt Nam cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Việc đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các dự án điện mặt trời với lợi điểm là xây dựng nhanh chóng trong thời gian qua là giải pháp thiết thực để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần tập trung giải quyết một số nội dung trọng tâm liên quan về khung pháp lý, cơ sở dữ liệu nói chung và tài nguyên nói riêng; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vốn đầu tư, khoa học, công nghệ, vận hành hệ thống ổn định, đánh giá tác động môi trường...

Đặc biệt Việt Nam cần đẩy nhanh việc mở rộng lưới điện truyền tải để bảo đảm tích hợp tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao vào hệ thống điện quốc gia. Cần xây dựng chính sách cụ thể để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án năng lượng, nhất là đối với hệ thống truyền tải điện.

"Chúng ta có thể chú trọng đến phát triển các nguồn điện tại chỗ để phục vụ trực tiếp phụ tải khu vực, đồng thời với xây dựng những trung tâm năng lượng, nhất là những trung tâm năng lượng ở những tỉnh, khu vực có lợi thế; qua đó, cân nhắc đến thiết lập cơ chế mua bán điện theo khu vực, đáp ứng yêu cầu hiệu quả cuối cùng; nghiên cứu, xem xét biểu giá FIT theo khu vực, địa điểm cụ thể cần khuyến khích đầu tư phát triển tại một số khu vực.

Điện khí hóa giao thông, nhất là đẩy mạnh sử dụng xe điện sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu xăng, dầu qua đó góp phần tăng cường an ninh năng lượng. Các biện pháp và khuyến khích nên ưu tiên các mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện hơn là các dòng xe hybrid để tiết kiệm năng lượng hơn", ông Thắng cho biết thêm.

Trong các giải pháp, ông Vương Quốc Thắng cũng cho rằng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là yêu cầu cấp thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng, nhất là nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Việc kêu gọi trực tiếp người dân thực hiện sử dụng tiết kiệm và bảo tồn năng lượng có thể hữu ích trong ngắn hạn, nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho các biện pháp chính sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ trong trung và dài hạn. Đặc biệt, Việt Nam chỉ nên theo đuổi việc tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên nếu không có sẵn các giải pháp thay thế khả thi, nếu khí tự nhiên là cần thiết hãy tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí ở mức độ lớn nhất có thể.

Theo Nguyễn Trang - Văn Ngân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên