MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ thiếu điện, Việt Nam nhập than giá cao về đốt lò

Than sản xuất trong nước phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện thấp hơn nhu cầu, cho nên phải nhập khẩu một lượng lớn than. Đáng nói, giá than nhập khẩu đang cao hơn giá than bán trong nước.

Cung cấp than cho nhiệt điện ngày càng khó

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây bàn về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới, vấn đề than cho điện cũng được đề cập tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương nếu TKV không cung cấp đủ than thì các nhà máy điện có thể được nhập khẩu than để bảo đảm phát điện.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than khoáng sản (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp đồng bộ cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy, chấm dứt tình trạng thiếu than như đã từng xảy ra.

Nguy cơ thiếu điện, Việt Nam nhập than giá cao về đốt lò - Ảnh 1.

Than sản xuất trong nước không đủ dùng cho nhiệt điện, phải nhập khẩu


Theo báo cáo mới đây của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện đến năm 2025. Tuy nhiên, việc cung cấp than, khí cho phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian qua, nhu cầu than cho sản xuất điện đã liên tục tăng, từ 26,25 triệu tấn năm 2015 lên 44,37 triệu tấn năm 2018 (tăng 69%).

Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 54,3 triệu tấn, trong đó nhu cầu than antraxit là 44,5 triệu tấn. Khả năng sản xuất than antraxit trong nước để cấp cho sản xuất điện của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc hiện chỉ khoảng 36 triệu tấn (bằng 80% nhu cầu), cho nên phải nhập khẩu và pha trộn than để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ.

“Trong các năm tới, nhu cầu than antraxit sẽ tiếp tục tăng cao khi một số nhà máy mới vào vận hành như: Hải Dương, Nam Định, Thái Bình 2, Bắc Giang, Công Thanh... nên tình hình sẽ còn khó khăn hơn”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cảnh báo.

Trong cuộc họp về cung ứng điện cách đây ít ngày tại Bộ Công Thương, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, cho rằng theo hợp đồng đã ký trong năm 2019 thì không có việc thiếu than.

“Đặc biệt PVN lúc nào cũng kêu, dù cơ chế tháo gỡ được rồi. Vừa rồi họ làm văn bản kiến nghị cho phép không đấu thầu mà đàm phán trực tiếp, đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận. Bộ không bao giờ chấp thuận việc đó”, ông Nguyễn Việt Sơn nói và cho rằng việc thiếu than chủ yếu PVPower kêu nhiều, còn theo hợp đồng thì không thiếu.

Ông Sơn cho hay năm 2020 năng lực sản xuất than trong nước cho điện là 35 triệu tấn, thiếu 24 triệu tấn phải nhập khẩu. Thủ tướng đã có công văn giao trách nhiệm nhập khẩu than cho các chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Bộ đã chỉ đạo nhiều lần, yêu cầu chủ đầu tư phải ký hợp đồng cung cấp than dài hạn đến 2030.

“Hiện một nửa đơn vị đã kí hợp đồng dài hạn, số còn lại chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc”, đại diện Vụ Dầu khí và than cho hay.

Nguy cơ thiếu điện, Việt Nam nhập than giá cao về đốt lò - Ảnh 2.

Yêu cầu các nhà máy nhiệt điện ký hợp đồng cung ứng than dài hạn.


Kiểm tra thực tế, không ngồi đợi báo cáo

Trước việc PV Power kêu thiếu than, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị cho lập tổ công tác kiểm tra lại trên thực tế việc cung ứng than thời gian qua của TKV và Đông Bắc cho các nhà máy điện của PVN, trực tiếp là của PV Power.

“Bởi tôi vẫn có thông tin và phản ánh của PV Power là rất thiếu than, thậm chí có lúc sản lượng than trong kho chỉ đủ cho vài ba ngày vận hành. Trong khi đó họ nói TKV thực hiện không đúng hợp đồng cung cấp than”, ông Trần Tuấn Anh nói.

“Các đơn vị đi kiểm tra, nếu có vấn đề gì không đúng thì phải rút kinh nghiệm và tổ chức chấn chỉnh lại, đồng thời góp ý cho việc cung ứng than về dài hạn phải đảm bảo”, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu. “Phải lập tổ công tác, 1 tuần phải báo cáo lại chứ không chỉ ngồi đợi báo cáo của PVN hay Tập đoàn Than khoáng sản đâu”.

Trong số các giải pháp để chủ động than cho điện, Bộ Công Thương yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện các giải pháp tích cực để gia tăng ngắn hạn sản lượng than sản xuất trong nước; đa dạng hóa phương thức sàng tuyển, chế biến, pha trộn than nhằm sản xuất ra các chủng loại than phù hợp cho sản xuất điện để đảm bảo cung ứng đủ về khối lượng, chủng loại than cho sản xuất điện...

Về ký kết các hợp đồng mua bán than, Bộ Công Thương yêu cầu và đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chủ động phối hợp với TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các nhà cung cấp khác ký kết các hợp đồng mua bán than theo đúng quy định của pháp luật.

“Khẩn trương hoàn thành việc hợp đồng mua bán than dài hạn để làm cơ sở lập và phê duyệt biểu đồ cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện than, trong đó làm rõ than sản xuất trong nước, than nhập khẩu, than pha trộn dự kiến cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than”, Bộ Công Thương yêu cầu.

Trên cơ sở hợp đồng ký kết, TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các nhà cung cấp than khác trong nước phải tổ chức sản xuất hiệu quả nhất, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Hợp đồng.

Về dài hạn, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai xây dựng và phê duyệt Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện (dài hạn: 10 năm; trung hạn: 5 năm), xây dựng kế hoạch cấp than hàng năm cho sản xuất; phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, EVN và các hộ sử dụng than khác nghiên cứu công nghệ sử dụng than phối trộn than cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp ngày 28/11/2018.


Theo Hà Duy

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên