MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ thiếu than trầm trọng, nhóm cổ phiếu thủy điện và điện khí dự báo hưởng lợi lớn

Nguy cơ thiếu than trầm trọng, nhóm cổ phiếu thủy điện và điện khí dự báo hưởng lợi lớn

Việc giá than nhập khẩu tăng cao và lượng nhập khẩu giảm đang gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất điện trong nước.

Nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện

Theo thông tin mới cập nhật tại Tổng cục Hải quan, giá than nhập khẩu đến giữa tháng 3 giá bình quân 228,5 USD/tấn (tăng gấp 2,7 lần) so với cùng kỳ năm ngoái là 84,5 USD/tấn. Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước nhập khẩu gần 5,1 triệu tấn than, tổng kim ngạch hơn 1,164 tỷ USD.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng than nhập khẩu giảm khoảng 1,8 triệu tấn, nhưng kim ngạch tăng gần 100%. Điều này cho thấy giá than nhập khẩu tăng cao và lượng nhập khẩu giảm đang gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất điện trong nước.

Trước đó, vào đầu tháng 4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra cảnh báo sẽ thiếu điện từ tháng 4 này, đặc biệt ở phía Bắc. Lý do, ngành điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn bởi thiếu hụt lượng lớn nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Cụ thể trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy than của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, thiếu 1,36 tấn. Tính chung cho toàn thị trường, trong quý đầu năm, lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 8,5 triệu tấn. Trong khi đó, các nhà máy đăng ký lấy gần 9,74 triệu tấn.

Nguy cơ thiếu than trầm trọng, nhóm cổ phiếu thủy điện và điện khí dự báo hưởng lợi lớn - Ảnh 1.

Trước tình trạng thiếu than thiếu trầm trọng, EVN cho biết nhiều nhà máy nhiệt điện chỉ vận hành ở mức 60 - 70% công suất. Chính vì vậy, đến cuối tháng 3, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do có nhiều tổ máy nhiệt điện phải dừng hoặc giảm phát điện. Theo EVN, vào cuối mùa khô, công suất các nhà máy thủy điện cũng bị suy giảm, khiến việc bảo đảm nguồn cung điện ngày một khó khăn.

Nguy cơ thiếu than trầm trọng, nhóm cổ phiếu thủy điện và điện khí dự báo hưởng lợi lớn - Ảnh 2.

Cụ thể, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong tháng 3/2022 đạt 23,45 tỷ kWh, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 3 tháng đạt 63,03 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Dựa trên sản lượng điện ba tháng đầu năm, EVN đưa ra kịch bản mới cho sản lượng điện năm 2022, tăng so với kế hoạch đầu năm, (1) Kịch bản cơ sở sản lượng điện 2022 đạt 227.3 tỷ kWh, 8.7%, (2) kịch bản phụ tải cao sản lượng điện sẽ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.

Nhóm thủy điện lớn và điện khí sẽ hưởng lợi từ việc thiếu than

Đưa ra nhận định về vấn đề này, chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng hiện các nhà máy điện than đang gặp phải vấn đề thiếu đầu vào để sản xuất điện. Vấn đề này bắt đầu gay gắt hơn từ tháng 3 khi một số tổ máy phải ngưng sản xuất điện. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc than trong nước khó khai thác khi thiếu nguồn nhân lực theo đại diện TKV và Đông Bắc. Bên cạnh đó, giá than thế giới leo thang khi khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khó để trúng các gói thầu.

Nguy cơ thiếu than trầm trọng, nhóm cổ phiếu thủy điện và điện khí dự báo hưởng lợi lớn - Ảnh 3.

Chuyên gia VDSC cho rằng sản lượng nhiệt điện than sẽ giảm do không đủ than để phát điện. Do đó, việc thiếu than cho nhóm nhiệt điện than sẽ có lợi cho những nhà máy thủy điện lớn và nhóm điện khí trên thị trường phát điện cạnh tranh. Đồng thời, nhóm năng lượng tái tạo cũng sẽ được huy động nhiều hơn.

Theo phân tích của chuyên gia, nhóm thủy điện lớn và nhóm điện khí sẽ hưởng lợi trên thị trường phát điện cạnh tranh nhờ vào sản lượng được huy động nhiều hơn. Cụ thể theo EVN, do nhóm than phát ít hơn nên thủy điện và điện khí được huy động nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu lần lượt là 2.17 tỷ kWH và 1.01 tỷ kWh. Đồng thời, việc giá trên thị trường phát điện cạnh tranh cao hơn cũng góp phần tạo ra nhiều cơ hội kiếm lời trên thị trường này và mở rộng biên lợi nhuận gộp.

"Chúng tôi nhận thấy vấn đề việc thiếu than sẽ khó để có thể giải quyết một sớm một chiều do cơ chế phức tạp. Do đó, chúng tôi cho rằng nhóm thủy điện lớn và điện khí sẽ tiếp tục hưởng lợi trong ngắn hạn, cho đến khi nguồn than không còn hạn chế để phát điện", đội ngũ phân tích của VDSC đánh giá.

Trong trường hợp xấu nhất khi mà than vẫn không đủ đáp ứng sản xuất điện, nhóm dầu sẽ phát thay. Và điều đó dẫn đến là giá trên thị trường phát điện cạnh tranh sẽ lên một mức cao hơn, lại tiếp tục có lợi cho hai nhóm trên.

https://cafef.vn/nguy-co-thieu-than-tram-trong-nhom-co-phieu-thuy-dien-va-dien-khi-du-bao-huong-loi-lon-20220408111235932.chn

Minh Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên