Nguy cơ “vỡ trận” các dự án BOT giao thông
Sau khi các nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tới ông trùm BOT - Tasco tuyên bố ngừng đầu tư cho lĩnh vực này. Không chỉ vậy, nhà đầu tư các dự án như cầu Hạc Trì - Phú Thọ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng muốn rút ra khỏi cuộc chơi khi có nguy cơ phá sản. Các chuyên gia nhận định nguy cơ vỡ trận các dự án BOT là hiện hữu khi thiếu vốn và BOT giao thông không còn là mảnh đất màu mỡ như trước.
- 20-01-2017Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện các dự án BOT giao thông
- 04-01-2017Quốc hội giám sát dự án BOT giao thông: Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng vào cuộc
- 25-09-2016Kiểm soát vốn vay dự án BT, BOT giao thông để tránh rủi ro
Ồ ạt nhảy vào, lặng lẽ rút ra
Nếu vài năm trước, BOT giao thông là từ khoá nóng thu hút nhiều nhà đầu tư với hàng chục dự án khởi công và khánh thành rình rang thì nay mảnh đất này đang dần mất điểm với nhiều nhà đầu tư.
Ở một số dự án đã triển khai thu phí, do không dự tính được chính xác lưu lượng phương tiện, các nhà đầu tư đã mắc kẹt “đi không được ở không xong” khi tiền hoàn vốn từ thu phí không đủ để trả lãi ngân hàng. Trao đổi với Báo Lao Động, bà Trần Ngọc Lê - phụ trách truyền thông Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (một trong những nhà đầu tư chính của dự án BOT cầu Hạc Trì, Phú Thọ) - cho biết, hiện nay doanh thu 1 tháng của dự án này chỉ gần 5 tỉ đồng trong khi riêng tiền lãi ngân hàng đã là 10 tỉ đồng.
Việc mất cân đối trầm trọng trong phương án tài chính của dự án này khiến các nhà đầu tư có nguy cơ phá sản và bị xiết nợ. Bà Lê cho biết theo phương án tài chính ban đầu thời gian hoàn vốn chỉ hơn 17 năm nhưng nay với thực tế này thời gian hoàn vốn sẽ đội lên hơn 50 năm.
Nguyên nhân là do phần lớn các phương tiện chọn đi qua cầu Việt Trì cũ để né trạm khiến lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí cực ít. Cũng có nguy cơ phá sản, nhưng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lại gặp khó khi không có nguồn vốn đối ứng của Nhà nước như kế hoạch và dự án này phải huy động vốn ngân hàng khiến gánh nặng lãi tăng cao.
Ở một số dự án đã khởi công nhưng chưa thu phí, tình trạng thiếu vốn, sợ kém hiệu quả cũng khiến một số nhà đầu tư tháo chạy. Tiêu biểu nhất là dự án gần 12.000 tỉ đồng BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án này được khởi công từ tháng 10.2015 và dự kiến hoàn thành trước 31.12.2018.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lần lượt tháo chạy mà đầu tiên là Cty TNHH MTV Đầu tư SCIC chỉ đúng một tháng sau khi động thổ dự án. Việc SCIC rút đi khiến cho liên danh nhà đầu tư dự án từ chỗ 6 DN xuống chỉ còn 5 và không lâu sau đó một DN nữa là Cty CP Đầu tư và Xây dựng GT Phương Thành xin giảm tỉ lệ đầu tư từ 25% xuống chỉ còn 5%. Và tới tháng 3.2017, liên danh này chính thức ra khỏi dự án khi không thể huy động đủ vốn theo quy định và buộc Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng.
Chưa rút ra khỏi dự án nào nhưng Cty được mệnh danh là “trùm BOT” - Tasco cũng mới quyết định dừng đầu tư vào lĩnh vực này sau gần 10 năm gắn bó để đổ tiền vào lĩnh vực khác. Lý giải về điều này, đại diện công ty cho biết đã đổ khoảng 15.000 tỉ đồng vào lĩnh vực BOT với tỉ suất sinh lời khoảng 11,5%/năm và mức lợi nhuận này được đánh giá là không đột phá trong khi vốn chủ đầu tư bị “giam” quá lâu.
Kẹt vốn, vướng cơ chế, sẽ khó hút thêm đầu tư BOT
Chia sẻ với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng các nhà đầu tư BOT thấy không hiệu quả thì rút nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là tắc vốn. “Ngân hàng không cho vay nữa vì với cơ chế như thế này ngân hàng cảm thấy làm không hiệu quả nên thiếu vốn vô cùng mà có vốn đâu mà đầu tư” - chuyên gia này nhận định. Theo quy định nhà đầu tư phải có tối thiểu 10% vốn nhưng thực tế thì có đâu vì thậm chí còn có nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.
Trong khi đó, hiện nay ngân hàng đã siết không cho vay nữa vì cảm thấy không hiệu quả mà rủi ro lớn. Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, cơ chế triển khai các dự án BOT đang khắc phục các lỗ hổng nên sẽ siết lại chặt hơn khiến các nhà đầu tư “thấy khó ăn thì rút”.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng trước đây làm chưa chu đáo, quy trình phê duyệt lên kế hoạch giá thành chưa chính tắc, chặt chẽ cho nên nó thành một phong trào BOT, vào BOT để có lợi nhuận cao, ngân hàng và nhà đầu tư cùng thu được lợi nhuận. Thậm chí nhà đầu tư chưa có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật cũng đổ tiền vào BOT nhưng nay dư luận xã hội phản ánh gay gắt, Nhà nước thanh tra kiểm tra và siết chặt lại cơ chế đầu tư nên họ thấy đây không còn là mảnh đất màu mỡ nên rút dần.
Các chuyên gia đều nhận định trong thời gian tới các dự án BOT sẽ gặp khó trong việc thu hút vốn đầu tư và Nhà nước sẽ phải giải bài toán khó về cơ chế để làm sao vừa đảm bảo động viên được nhà đầu tư mà vẫn đáp ứng được nguyện vọng, quyền lợi của người dân.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Danh Huy - Trưởng ban BQL đầu tư các dự án đối tác công-tư, Bộ GTVT - đơn vị trực tiếp quản lý các dự án BOT - từng thừa nhận những bất cập trong cơ chế, hành lang pháp lý của các dự án BOT giao thông. Ông Huy cho biết việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài không dễ do họ yêu cầu mức lãi trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng rất cao với mức từ 17% - 19% kèm theo một số điều kiện bảo lãnh vì lĩnh vực hạ tầng có rất nhiều rủi ro trong khi lực của các nhà đầu tư trong nước hạn chế. Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ một cơ chế và đang xây dựng luật riêng về BOT để hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này.
Lao động