MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ xóa sổ làng cá bè trên sông Đồng Nai

27-05-2017 - 10:11 AM | Thị trường

Trong khi người nuôi đang loay hoay, chật vật với nỗi lo thua lỗ thì họ lại phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn đó là làng cá bè có thể bị xóa sổ.

Làng cá bè Tân Mai – Hiệp Hòa nằm trên sông Cái – nhánh nhỏ của sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Lâu nay, làng bè giữa lòng thành phố được biết đến như một trong những điểm nhấn đặc biệt. Hơn nữa, đây còn là nguồn sống của gần 300 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu. Thế nhưng, hiện người dân làng bè đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ nơi mưu sinh bởi cá thì không bán được, còn địa phương muốn sắp xếp lại theo hướng thu hẹp làng bè.

Cá cũng sắp cần “giải cứu”

Như nhiều loại nông sản khác, đã gần nửa năm nay, giá cá nuôi lồng bè tại làng cá bè Tân Mai – Hiệp Hòa cũng giảm sâu, giá bán ra không đủ chi phí sản xuất. Đơn cử cá chép giá bán chỉ từ 32.000 - 34.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất từ 42.000 - 45.000 đồng/kg. Mỗi kg cá bán ra, người nuôi lỗ trên dưới 10.000 đồng. Giá thấp như vậy, nhưng thương lái cũng mua nhỏ giọt, có khi cả tháng không bán được con cá nào.


Làng bè đã được sắp xếp lại từ năm 2013.

Làng bè đã được sắp xếp lại từ năm 2013.

Bè cá của ông Trần Đức Cần đang còn tồn khoảng trên 100 tấn cá các loại dù đã đến ngày xuất bán. Cao điểm trước đây, ông Cần có thể xuất 1 tấn cá mỗi ngày, nhưng hiện tại trung bình hàng ngày ông chỉ xuất bán được 200 - 300 kg và cầm chắc lỗ vốn.

Ông Cần cho biết: “Mình bán rẻ đi là lỗ rồi, thứ hai nữa là thị trường chậm. Lo vì giờ vốn liếng đập vào đó hết rồi, nhiều khi phải vay ngân hàng, vay nóng, vay lạnh này kia. Mình đầu tư vào đó một ngày cũng phải 15, 17 triệu, một tháng cũng hết nửa tỉ rồi”.

Ước tính cả làng cá bè Tân Mai – Hiệp Hòa lượng cá tồn có thể lên tới hàng ngàn tấn các loại. Trong khi người dân làng bè đang loay hoay tìm đầu ra, giải phóng số cá tồn đọng, thì một mối lo khác lại ập tới khi có thông báo về việc quy hoạch, sắp xếp lại làng bè.

Dân phản đối quy hoạch

Năm 2013, thành phố Biên Hòa đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại làng bè bằng cách bốc thăm, mỗi hộ nuôi cá sẽ được nhận 1 hoặc 2 số đánh dấu vị trí bè. Khi đó, toàn bộ bè và lồng xổng (tức các lồng nuôi cá xung quanh bè chính) từ vị trí cũ sẽ được di chuyển sang vị trí mới theo kết quả bốc thăm. Mỗi bè thường có nhiều lồng đi kèm, ít thì 1, 2 lồng, nhiều lên tới cả chục lồng tùy vị trí và khả năng đầu tư của từng hộ nuôi.

Nhưng mới đây, Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa có thông báo việc quy hoạch, sắp xếp lại làng bè theo hướng mỗi số bè chỉ được phép có một bè với quy cách 4m x 8m, toàn bộ các lồng xổng dôi dư sẽ phải tháo gỡ, các bè cá không đúng quy cách cũng phải cải tạo lại. Quy hoạch này lập tức vấp phải phản ứng mạnh của người dân.

Theo tính toán của những người nuôi cá lâu năm, lồng bè theo đúng quy cách tương đương với 32 m2 mặt nước, 64 m3 nước trong lồng, chỉ có thể nuôi tối đa 4 tấn cá. Một lứa cá lại mất khoảng 12 tháng, nếu không phát sinh rủi ro, cá được giá thì người nuôi cũng chỉ lời được chưa tới 20 triệu đồng/năm, tức chưa tới 2 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Văn Lợi, chủ bè số 71, 72 khẳng định, việc quy hoạch này là hoàn toàn không khả thi và không phù hợp với thực tế. Nếu chính quyền quyết làm theo quy hoạch, thì sẽ không còn ai nuôi cá, cả làng bè sẽ bị xóa sổ.

“Gom lại một bè thì chắc không ai nuôi và bà con phải lên bờ thôi nhưng mà cũng không biết là lên bờ thì sống thế nào. Kiếm cái nghề gì mà làm nhưng với cái tuổi của chúng tôi giờ năm mưới mấy rồi chắc lên bờ chẳng công ty nào nhận. Cả làng bè hơn 270 hộ mà kéo nhau lên bờ thì làm sao mà làm được” – ông Lợi lo lắng.


Ông Trần Văn Lợi và lồng cá đã đến ngày xuất nhưng chưa bán được.

Ông Trần Văn Lợi và lồng cá đã đến ngày xuất nhưng chưa bán được.

Trước lo lắng của người dân, bà Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa khẳng định, quy hoạch đã có từ lâu, việc sắp xếp lại làng bè là phù hợp với tình hình thực tế.

Bà Duyên cho biết: “Để tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp và môi trường sinh thái của dòng sông thì thành phố đã xây dựng kế hoạch để bà con đăng ký trở lại. Hiện nay đã thông báo, tuyên truyền vận động để bà con nuôi cá bè đến địa phương đăng ký lại, cam kết sẽ tháo dỡ lồng bè xổng dôi dư và nâng cấp bè theo đúng quy hoạch”.

Đại diện Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa cũng cho biết, hiện Biên Hòa đã là thành phố loại 1 nên không khuyến khích loại hình kinh tế nuôi cá lồng bè. Trong tương lai sẽ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân nuôi cá.

Làng cá bè Tân Mai – Hiệp Hòa đã có hàng chục năm nay. Nhiều thế hệ gia đình đã sinh ra, lớn lên và nối nghiệp nuôi cá lồng bè ở đây. Hiện vẫn còn hàng chục gia đình mà toàn bộ tài sản, cơ ngơi đã dồn cả vào bè cá. Trong khi người nuôi đang loay hoay, chật vật với nỗi lo thua lỗ thì họ lại phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn đang dần hiện hữu: đó là làng cá bè có thể bị xóa sổ bởi quy hoạch./.

Theo Xuân Lượng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên