Nghiên cứu mới của Đại học Oxford về vaccine Pfizer và AstraZeneca: Hiệu quả tương đương sau 5 tháng tiêm đủ hai liều
Nhóm nghiên cứu Đại học Oxford cho biết, hiệu quả của 2 loại vaccine AstraZeneca và Pfizer là tương đương nhau sau khoảng 5 tháng tiêm đầy đủ hai liều.
- 23-08-2021Nhiều quyền lợi mới về BHXH của người lao động có hiệu lực từ tháng 9 tới
- 22-08-2021Đầu tư hơn 2.590 tỷ đồng xây KCN Nam Tân Tập tại Long An
- 22-08-2021Từ 'vua lỳ đòn' phimmoi.net đến câu chuyện bản quyền tại Việt Nam: Những con số thiệt hại ngày càng tăng
Nghiên cứu mới đây của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) đã chỉ rõ, hiệu quả của vaccine Covid-19 do hãng dược Pfizer và BioNTech phát triển giảm nhanh hơn so vaccine do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển trước biến thể Delta.
Nghiên cứu này được ra mắt trong bối cảnh một số nước triển khai tiêm vaccine của Pfizer sớm, như Mỹ và Israel đã tuyên bố chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi, hay còn gọi là mũi nhắc lại.
Theo nghiên cứu, vaccine của Pfizer có hiệu quả 90% trong việc chống lây nhiễm với tải lượng virus cao một tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Song, tỷ lệ này giảm xuống còn 85% sau hai tháng và 78% sau 3 tháng - tức giảm 12 điểm phần trăm so với hiệu quả ban đầu.
Trong khi đó, hiệu quả của vaccine AstraZeneca chỉ giảm 6 điểm phần trăm, từ 67% xuống còn 61% trong cùng khoảng thời gian.
Thực tế, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ ban đầu thấp hơn nhiều so với vaccine của Pfizer, các nhà nghiên cứu cho biết hiệu quả của 2 loại vaccine là tương đương nhau sau khoảng 5 tháng tiêm đầy đủ hai liều.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford khẳng định, dù hiệu quả chung của cả 2 loại vaccine đều giảm trước biến thể Delta, cả vaccine của Pfizer và AstraZeneca vẫn đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tình trạng bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19.
Tiến sĩ Koen Pouwels, nhà nghiên cứu cấp cao tại Khoa Y tế Cộng đồng Nuffield thuộc Đại học Oxford, nói thêm: "Ngay cả khi khả năng bảo vệ chống lại virus giảm, cần lưu ý là hiệu quả tổng thể của vaccine vẫn ở mức rất cao, bởi các vaccine này đã khởi điểm ở mức hiệu quả cao rồi".
Nghiên cứu cho hay, những người bị nhiễm biến thể Delta sau mũi tiêm thứ 2 vẫn có khả năng cao lây virus sang người chưa tiêm vaccine. Giáo sư về thống kê y tế Sarah Walker của Đại học Oxfoxd, cũng là điều tra viên nghiên cứu trưởng cho biết, hiện chưa có nhiều thông tin về "mức độ lây truyền có thể xảy ra từ những người nhiễm biến thể Delta sau khi tiêm vaccine đầy đủ".
Song, theo bà Sarah Walker, việc những người nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vaccine có tải lượng virus cao cho thấy thực tế rằng những người chưa tiêm vaccine không được bảo vệ trước biến thể Delta. "Đó là lý do cần phải tiêm vaccine cho càng nhiều người càng tốt, ở cả Anh và trên toàn thế giới".
Nghiên cứu này được thực hiện bởi sự hợp tác của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) và Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội (DHSC) với dữ liệu về người tiêm chủng được lấy giai đoạn tháng 12/2020 đến tháng 8/2021 từ Khảo sát Lây nhiễm Covid-19.
Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành phân tích mẫu xét nghiệm được lấy từ hơn 700.000 người tham gia trong giai đoạn trước và sau ngày 17/5/2021 - khi biến thể Delta trở nên phổ biến tại Anh. Hiện nay, kết quả của nghiên cứu này (có quy mô lớn nhất thuộc loại này từ trước đến nay) vẫn chưa được thẩm định lại bởi các hội đồng chuyên gia trong ngành.
Tham khảo: The Independent