Nguyên lí phía sau trò đố vui 'hù thì mát, hà thì nóng' giúp 25.000 người Bangladesh có điều hòa không cần điện
Bạn thử hà hơi vào bàn tay sẽ tạo ra luồng khí nóng trong khi nếu thổi sẽ tạo ra luồng khí mát mẻ.
- 22-02-2021Mẫu xe của Ford bất ngờ nổi tiếng toàn cầu sau thảm họa mất điện tại Texas
- 20-02-2021Tại sao thời tiết giá lạnh khiến hàng triệu người tại Texas phải sống trong cảnh mất điện?
- 20-01-2021Cách một người đàn ông khiến Coca-Cola mất hàng chục triệu USD, bị người mua tẩy chay chỉ bằng một cú điện thoại
Điều hòa nhiệt độ là một trong những phát minh quan trọng giúp cuộc sống của con người trở nên thoải mái hơn. Tuy nhiên, thiết bị này không chỉ "ngốn" điện mà còn có tác động không tốt tới môi trường.
Trong quá trình làm mát, nó tỏa rất nhiều nhiệt nóng ra môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng có thể dẫn đến rò rỉ các hơi ga làm lạnh ra khỏi máy điều hòa, góp phần làm hỏng tầng ozone – lá chắn bảo về con người khỏi bức xạ cực tím từ mặt trời.
Tuy nhiên, có một loại điều hòa khác khắc phục được phần nào những hạn chế của điều hòa thông thường. Đó là Eco-cooler – mẫu điều hòa không khí không cần dùng điện và rất thân thiện với môi trường.
Nguyên liệu và cách chế tạo Eco-cooler cũng vô cùng đơn giản: vỏ chai nhựa và bìa các-tông đã qua sử dụng. Thiết bị này có thể khiến nhiệt độ trong những căn nhà bằng tôn giảm tới 5 độ C, tùy thuộc vào hướng gió và áp suất luồng khí.
Eco-cooler được phát triển ở Bangladesh, một trong những quốc gia đông dân nhất và nghèo nhất thế giới, chịu ảnh hưởng đặc biệt bởi sự nóng lên toàn cầu. Đến năm 2018, 21,8% tổng số người dân ở Bangladesh đang sống dưới mức nghèo khổ. Đa số người dân ở vùng nông thôn của nước này sống trong căn nhà làm lợp mái tôn – loại vật liệu làm tăng sức nóng của mặt trời. Do đó, vào mùa hè, nhiệt độ trong nhà có thể lên tới 45 độ C, tạo cảm giác vô cùng nóng bức và ngột ngạt.
Để khắc phục tình trạng trên, công ty Grey Dhaka cùng doanh nghiệp xã hội Grameen Intel đã hợp tác, phát triển một loại điều hòa thân thiện với môi trường mang tên Eco-cooler. Đây là thiết bị làm mát không khí đầu tiên trên thế giới không dùng điện.
Eco-cooler là một phát minh "trúng ba đích" khi vừa tái chế chai nhựa, bìa các-tông và vừa giúp người dân làm mát. Hơn nữa, bất cứ ai cũng có thể chế tạo và sử dụng Eco-cooler.
Eco-cooler có cấu tạo rất đơn giản: chai nhựa cắt bỏ phần đáy, gắn vào tấm bìa được khoan lỗ, có kích cỡ bằng cửa sổ ngôi nhà. Phần cổ chai hướng vào trong.
Nguyên lý hoạt động của Eco-cooler như sau: Khi không khí nóng từ bên ngoài vào (phần chai có đường kính lớn hơn), nó sẽ bị nén lại ở cổ chai. Cổ chai đóng vai trò như một "đường hầm" nén không khí. Khi không khí từ đầu lớn đi qua đầu nhỏ, áp suất giảm xuống và xảy ra quá trình làm mát, làm cho không khí bên trong nhà mát hơn bên ngoài.
Hiệu ứng làm mát sau khi giãn nở nhanh được gọi là hiệu ứng Joule-Thomson. Tùy thuộc vào hướng gió và áp suất tác động, Eco-cooler có thể giúp giảm tới 5 độ C – kết quả không thua kém gì điều hòa chạy điện.
Để dễ hình dung hơn, bạn hãy hà hơi vào bàn tay (miệng mở rộng) rồi sau đó thổi vào tay (miệng khép nhỏ như cổ chai) ở khoảng cách tương tự. Bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng, khi hà hơi tạo ra luồng khí nóng trong khi thổi tạo ra luồng khí mát mẻ.
Ở một đất nước mà phần lớn dân số sống ở nông thôn, nơi khả năng tiếp cận điện năng còn hạn chế như Bangladesh, Eco-cooler xuất hiện như một điều kỳ diệu. Thiết bị này đã được phát miễn phí tại các ngôi làng hẻo lánh của Bangladesh. Nhiều người dân cũng tự chế tạo Eco-cooler để sử dụng.
Để khẳng định rằng mục đích phát minh Eco-cooler không phải để kiếm tiền, Grameen Intel đã chia sẻ dự án của mình dưới dạng mã nguồn mở trên Internet để tất cả những người có nhu cầu có thể chế tạo được.
Kể từ khi ra đời, hơn 25.000 ngôi nhà ở Bangladesh đã được lắp đặt Eco-cooler, giúp thay đổi cuộc sống của người dân trong những tháng mùa hè khắc nghiệt. Những phát minh như Eco-cooler rất được khuyến khích bởi nó còn góp phần chống lại khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Nguồn: PTM, BP
Doanh nghiệp và tiếp thị