MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên nhân khó ngờ đằng sau lạm phát ở châu Á: Những loại nông sản quen thuộc trong bếp trở thành "biểu tượng" của sự tăng giá chóng mặt

06-09-2023 - 07:09 AM | Tài chính quốc tế

Nguyên nhân khó ngờ đằng sau lạm phát ở châu Á: Những loại nông sản quen thuộc trong bếp trở thành "biểu tượng" của sự tăng giá chóng mặt

Matt Grudnoff, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Australia cho rằng biến đổi khí hậu cũng như các thảm họa thời tiết có thể khiến tình trạng lạm phát tăng cao tiếp tục kéo dài.

Trong những năm gần đây, giá lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng. Theo Japan Times, một số mặt hàng chủ lực đang trở thành “biểu tượng” lạm phát và gây áp lực lên các hộ gia đình trên khắp thế giới. Bên cạnh những căng thẳng địa chính trị, vấn đề khí hậu cũng là một trong các nguyên nhân.

Năm 2023, nhiều nơi trên thế giới gặp tình trạng thời tiết khắc nghiệt, tháng 7 cũng ghi nhận mức nắng nóng kỷ lục. Bắc Kinh phải chịu lượng mưa lớn nhất trong 140 năm, nhiều nơi trải qua lũ lụt nghiêm trọng. Trong khi đó, Ấn Độ có tháng 8 khô hạn nhất trong hơn hơn một thế kỷ.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), giá lương thực và hàng hóa toàn cầu đã tăng trong tháng 7. Nhiều thực phẩm từ trứng đến hành tây - các mặt hàng phổ biến trong nhà bếp đều tăng giá. Một số chuyên gia cho rằng, điều này khó có thể thay đổi một sớm một chiều.

Matt Grudnoff, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Australia cho rằng biến đổi khí hậu cũng như các thảm họa thời tiết có thể khiến tình trạng lạm phát tăng cao tiếp tục kéo dài.

Dưới đây là một số thực phẩm đã tăng giá trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua.

Hành tây, cà chua, khoai tây

Hành tây là một trong những thực phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Được biết, hành, cà chua và khoai tây được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất ở Ấn Độ.

Giá rau củ của Ấn Độ đã tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, khi giá tăng, Ấn Độ quyết định áp mức thuế 40% đối với hành tây xuất khẩu. Điều này khiến nông dân địa phương cảm thấy lo ngại về thu nhập của họ.

Các loại trái cây và rau quả khác tại Ấn Độ cũng đang tăng giá. Vào tháng 7, giá cà chua đã tăng 200% so với tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Giá rau quả và thực phẩm tươi tăng vọt đã gây ra tác động dây chuyền đối với lĩnh vực bán lẻ của Ấn Độ, trong bối cảnh người mua hàng đang thắt chặt chi tiêu.

Theo công ty CRISIL, giá trung bình một bữa ăn trong tháng 7 tại quốc gia này đã tăng lần thứ ba liên tiếp, chủ yếu do giá cà chua tăng.

Trứng

Bắt đầu từ năm ngoái, giá trứng bán lẻ ở Nhật Bản đã tăng lên. Điều này càng trở nên phức tạp khi dịch cúm gia cầm gia tăng, gà đẻ trứng bị tiêu hủy và số lượng trứng giảm. Chi phí của người nông dân tăng cao đã ảnh hưởng đến các công ty có sản phẩm làm từ trứng, các nhà hàng và cửa hàng tiện lợi.

Theo JA Z-Tamago, một đơn vị của Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia Nhật Bản, vào tháng 3/2023, mỗi kg trứng có giá 335 Yên (gần 55 nghìn đồng) - cao nhất kể từ năm 1993.

Trong khi đó, Kewpie - công ty bán các sản phẩm sốt mayonnaise có nguyên liệu từ trứng cũng đã tăng giá sản phẩm của mình. Công ty bắt đầu sản xuất thêm “trứng bác” được làm từ đậu nành có tên Hobotama.

Các nhà sản xuất thực phẩm khác như Kagome cũng đã tham gia vào thị trường trứng làm từ thực vật và sản xuất các sản phẩm giống như trứng thật.

Nguồn cung và giá trứng đã gây ra nhiều cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông địa phương của Nhật Bản. Nhà nghiên cứu tài chính Teikoku Databank dự đoán các sản phẩm thay thế có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.

Gạo

Vào tháng 7, Ấn Độ đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu đối với gạo trắng non-basmati, gồm các loại đã xay xát sơ bộ, xay xát toàn bộ, đánh bóng và tráng men nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, việc này làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cũng đã thiết lập mức trần giá gạo và kiểm soát chi phí của mặt hàng chủ lực quốc gia. Giá gạo ở Thái Lan cũng ghi nhận tăng cao hơn so với trước.

Ở các quốc gia châu Á, gạo là thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nó lại phải chịu tác động nhất định của khí hậu. Lượng mưa thay đổi thất thường chắc chắn gây ra ảnh hưởng cho việc trồng lúa.

Rau lá xanh

Lũ lụt năm 2022 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp Úc. Theo Japan Times, rau diếp đã trở thành nguyên nhân dẫn đến giá thực phẩm tăng cao ở nước này. Nhiều chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đã chuyển sang  dùng xà lách trộn hoặc món rau diếp trộn với bắp cải.

“Tại sao rau diếp lại đắt như vậy” đã trở thành tìm kiếm hàng đầu trên Google ở Úc vào năm 2022.

Tham khảo Japan Times

Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên