MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên nhân thổi bùng làn sóng Covid-19 khủng khiếp ở Ấn Độ và thảm họa đe dọa cả thế giới

26-04-2021 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Nguyên nhân thổi bùng làn sóng Covid-19 khủng khiếp ở Ấn Độ và thảm họa đe dọa cả thế giới

Thái độ tự mãn và sự xao nhãng của chính phủ Ấn Độ đã dẫn đến những hệ lụy đáng buồn.

14/4 là 1 ngày lễ lớn ở Ấn Độ. Người theo đạo Hindu và người theo đạo Sikh sẽ cùng tề tựu để đón chào năm mới. Trong khi đó những người theo đạo Hồi kỷ niệm ngày đầu tiên của tháng ăn chay Ramadan bằng những buổi tiệc thâu đêm với bạn bè và gia đình. Ở Haridwar, thị trấn năm nay là nơi đăng cai lễ hội Kumbh Mela của người Hindu, ước tính có tới 1 đến 3 triệu người cùng nhau chen lấn để thực hiện nghi lễ trên sông Hằng.

Cùng lúc đó, trên khắp Ấn Độ, số người được xét nghiệm dương tính với Covid-19 lần đầu vượt mức 200.000 ca chỉ trong 1 ngày. 1 tuần sau con số vượt mốc 300.000 ca, cao hơn bất kỳ quốc gia nào. Số ca tử vong cũng liên tiếp phá kỷ lục và còn bị cho là vẫn chưa thống kê đầy đủ tình hình thực tế. Những giàn thiêu tạm bợ được dựng lên trên các vỉa hè bên ngoài các nhà hỏa táng để xử lý số lượng thi thể quá tải.

Làn sóng lây nhiễm kinh hoàng này là thảm họa không chỉ với Ấn Độ mà là với toàn thế giới. Để mặc cho virus sinh sôi (để đạt miễn dịch cộng đồng) làm tăng nguy cơ xuất hiện những chủng mới nguy hiểm hơn. Một biến thể đáng lo ngại được tìm thấy đầu tiên ở Ấn Độ với "đột biến kép" đã được phát hiện ở một vài nước khác trong đó có Mỹ và Anh. Trong khi các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu những nguy cơ từ chủng mới, ngày càng có nhiều chủng mới xuất hiện.

Một hệ lụy dễ nhìn thấy hơn trong làn sóng thứ 2 ở Ấn Độ là sự đứt đoạn chuỗi cung ứng vaccine. Ấn Độ từng được kỳ vọng là nơi bào chế thuốc cho cả thế giới. Nhưng trước tình trạng dịch bệnh tái bùng phát dữ dội, chính phủ nước này đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu vaccine. Trong nửa đầu tháng 4, Ấn Độ chỉ xuất khẩu 1,2 triệu liều ra nước ngoài, so với con số 64 triệu trong 3 tháng trước đó.

Serum Institue of India, công ty tư nhân đang sản xuất vaccine AstraZeneca, đã thất hứa với Anh, EU và liên minh vaccine COVAX. Các quốc gia châu Phi từng muốn dựa dẫm vào vaccine của Ấn Độ giờ cũng không còn hi vọng.

Với các thành phố đông đúc và hệ thống y tế ọp ẹp, Ấn Độ không phải là nơi có thể dễ dàng khống chế dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên đã có thời điểm một số khu vực của Ấn Độ thành công. Số ca tử vong trong làn sóng thứ nhất (mà đạt đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái) thấp một cách ngạc nhiên với những lý do đến nay vẫn chưa giải thích được.

Giống như nhiều nước khác, cho đến tận đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ vẫn có thành tích chắp vá nhưng không đến nỗi thảm họa trong cuộc chiến với đại dịch. Tuy nhiên, vì tự mãn và mất tập trung, chính quyền của ông Modi đã cho phép mọi thứ dần dần vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Hồi tháng 1, ông ca ngợi "chúng ta không chỉ giải quyết được vấn đề của chính mình mà đã giúp thế giới chiến đấu với đại dịch". Nhưng đến đầu tháng 3, số ca nhiễm bắt đầu tăng lên ở Maharashtra (vốn là bang do đảng đối lập lãnh đạo). Thay vì giúp đỡ bang này chống lại dịch bệnh, chính quyền trung ương lại chỉ trích chính quyền bang thậm tệ.

Các cuộc vận động bầu cử không ngừng nghỉ cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh tái bùng phát. Ông Modi cũng như các đối thủ đã tổ chức vô số các cuộc vận động quy mô lớn tập trung đông người mà không ai đeo khẩu trang và không có bất kỳ biện pháp giãn cách nào.

Chính sách triển khai vaccine của ông Modi cũng trở thành 1 mớ hỗn độn. Đến giữa tháng 2, Ấn Độ đặt được lượng vaccine chỉ đủ để bảo vệ 3% dân số. Nóng lòng muốn thể hiện sức mạnh khoa học của đất nước, giới chức Ấn Độ đã phê duyệt vaccine nội địa Covaxin dù chưa hoàn tất các bước thử nghiệm cần thiết. Chính phủ cũng chậm trễ trong việc bơm thêm tiền để đẩy nhanh sản xuất vaccine.

Hiện Ấn Độ mới chỉ tiêm vaccine được cho 3 triệu người mỗi ngày, tương đương 0,2% dân số. Và kể cả khi năng lực sản xuất vaccine trong nước đã tăng lên hoặc tăng nhập khẩu từ nước ngoài, làn sóng lây nhiễm hiện nay quá nghiêm trọng để có thể bị chặn đứng chỉ bằng cách tiêm chủng.

Việc Ấn Độ cần làm bây giờ là đưa ra những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, sau đó là nhanh chóng tìm ra cách đẩy mạnh sản xuất vaccine. Điều đó không đồng nghĩa với giành lấy quyền kiểm soát các công ty tư nhân mà phải tiếp thêm nguồn lực lớn cho họ, đảm bảo họ có thể tiếp cận với nguồn cung nguyên liệu đầu vào cần thiết.

Trừ khi cơn sóng thần ở Ấn Độ được kiểm soát, toàn thế giới cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Tham khảo The Economist


Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên