Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa của Quốc hội nói về những kẻ phạm tội trốn đi nước ngoài
“Rút kinh nghiệm trong việc quản lý cán bộ nhưng chúng ta cũng tin tưởng vào pháp luật. Những gì xảy ra trong thời gian qua đã chứng minh rằng, những kẻ phạm tội dù trốn đi phương trời nào rồi cuối cùng sẽ phải ra trước vành móng ngựa”.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ quan điểm với Báo Điện tử Tổ Quốc về hiện tượng hàng loạt cán bộ tham nhũng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước rồi bỏ trốn ra nước ngoài gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: "Những kẻ phạm tội dù trốn đi phương trời nào rồi cuối cùng sẽ phải ra trước vành móng ngựa". (Ảnh: Đờisốngphápluật)
Với sự vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, của các bộ ngành... họ đều phải quay về nước đầu thú trước pháp luật, nhưng dù sao, câu hỏi về việc quản lý cán bộ vẫn cần phải đặt ra.
-Thưa ông, hàng loạt những thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả bước đầu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban phòng chống tham nhũng cũng vừa nhấn mạnh trong phiên họp gần đây “Lò đã nóng lên thì củi tươi vào đây cũng cháy”. Vậy ông chia sẻ như thế nào về điều này?
Ông Lê Như Tiến: Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Về mặt văn bản, pháp lý, chúng ta đã xây dựng Luật phòng chống tham nhũng do Quốc hội thông qua, các chỉ thị của Trung ương về phòng chống tham nhũng, các nghị định của Chính phủ về phòng chống tham nhũng...
Về tổ chức, chúng ta có tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, các bộ ngành đều là thành viên của Ban chỉ đạo, các tỉnh cũng có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng... Chúng ta cũng đã thành lập lại Ban nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh... Đây đều là cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng.
Trong thời gian vừa qua, Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã vào cuộc rất mạnh mẽ và quyết liệt. Các cơ quan giám sát của Quốc hội, các cơ quan thanh tra của Chính phủ, đã có rất nhiều những cuộc giám sát chuyên đề về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Tất cả đã vào cuộc một cách đồng bộ.
Và như chúng ta đã biết, kết quả ban đầu, rất nhiều những vụ án trọng điểm đã được phanh phui như: vụ án Trịnh Xuân Thanh, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa... Hay những vụ trọng điểm về chiếm đoạt tài sản thông qua ngân hàng như: bắt Trầm Bê, Phạm Công Danh...
Đó là những kết quả cụ thể.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói rõ, 12 dự án trọng điểm cần phải sớm có kết luận. Tôi cho rằng đây là kết quả đáng mừng vì đã có chuyển động, kết quả cụ thể. Có nhiều tội phạm đã bị xử lý về hình sự, nhiều vụ đã khởi tố điều tra, khởi tố bị can...
Ngoài ra, đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước.. với các cơ quan của chính quyền...
Ví dụ, khi có kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương thì các cơ quan quản lý nhà nước đều phối hợp đồng bộ và xử lý ngay. Như trường hợp ông Võ Kim Cự. Khi Uỷ ban kiểm tra trung ương có kết luận về sai phạm của ông này trong việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Tôi cũng được biết là Chính phủ cũng đã chỉ đạo để ông Võ Kim Cự thôi chức danh Chủ nhiệm Liên minh HTX Việt Nam.
Tương tự, với trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa, khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì Chính phủ cũng đã có chỉ đạo theo thẩm quyền của mình cho thôi luôn các chức vụ về mặt nhà nước đối với bà Thoa...
Đặc biệt, với vai trò Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt, mạnh mẽ và bám sát từng vụ việc để có những chỉ đạo cụ thể kịp thời.
-Thời gian qua có tình trạng quan chức sai phạm làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước rồi trốn ra nước ngoài. Nhưng dưới cánh tay nối dài của pháp luật, họ sau đó đã phải quay trở về nước và đầu thú. Ông nhìn nhận gì về điều này?
Ông Lê Như Tiến: Thời gian vừa qua, có hiện tượng một số người vi phạm pháp luật đã bỏ trốn ra nước ngoài như trường hợp các đối tượng: Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Giang Kim Đạt...
Hiện tượng này đã đặt ra câu hỏi về sự quản lý trong công tác cán bộ. Khi đã khởi tố bị can thì Luật hình sự cho phép áp dụng một số biện pháp khẩn cấp, trong đó có quy định không được phép xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú... Tuy nhiên trong thời gian qua, dù đã bị cơ quan điều tra khởi tố nhưng một số người vi phạm pháp luật vẫn trốn ra nước ngoài. Điều này cho thấy dù luật pháp đã quy định chặt chẽ nhưng khâu thực hiện có vấn đề, cần chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc phát hiện các vụ việc tham nhũng thời gian qua lại không phải do người đứng đầu các cơ quan, tổ chức mà phần lớn là do từ phía truyền thông, từ nhân dân...Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu?
Thực tế, trách nhiệm của người đứng đầu, của cơ quan bảo vệ pháp luật là rất quan trọng, là trụ cột trong phòng chống tham nhũng. Vậy tại sao các trường hợp vừa qua lại chủ yếu do truyền thông, nhân dân phát hiện?
Không những thế, chúng ta có nhiều vụ việc để kéo quá dài, đến mức Tổng Bi thư đã phải vào cuộc và đề nghị sớm làm rõ những vụ án trọng điểm, công khai trước nhân dân và xã hội. Ví như, đối với vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo điều tra xử lý đến nơi đến chốn, không có vùng cấm và không chịu áp lực của bất kỳ cá nhân nào…
Những nguyên nhân trên là lí do khiến một số trường hợp quan chức sai phạm, làm thất thoát tài sản của Nhà nước rồi bỏ trốn ra nước ngoài. Khi họ đã bỏ trốn ra nước ngoài rồi thì việc truy bắt khó khăn hơn, mất thời gian hơn.
Tất nhiên, cuối cùng những kẻ phạm tội vẫn không thoát khỏi cánh tay vươn dài của pháp luật vì “lưới trời lồng lộng”. Không trước thì sau, những kẻ phạm tội vẫn bị luật pháp nghiêm trị. Chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc quản lý cán bộ nhưng cũng đồng thời tin tưởng vào pháp luật. Những gì xảy ra trong thời gian qua đã chứng minh rằng, những kẻ phạm tội dù trốn đi phương trời nào rồi cuối cùng sẽ phải ra trước vành móng ngựa.
- Theo ông, chúng ta cần phải có những biện pháp quyết liệt gì để dứt điểm hiện tượng cán bộ tham nhũng rồi bỏ trốn ra nước ngoài? Ông tin tưởng như thế nào vào chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong thời gian tới?
Ông Lê Như Tiến: Trường hợp các cán bộ tại các bộ ngành, địa phương, tập đoàn... tham nhũng hiện nay không còn là cá biệt nữa mà đã phổ biến. Tôi từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội rằng, đã là “trọng bệnh thì phải dùng biệt dược chứ không thể xoa bóp ngoài da”.
Đối với các trường hợp tham nhũng thì phải có biện pháp nhằm thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Nếu chỉ xử lý con người mà không thu hồi tài sản thất thoát thì ý nghĩa của việc phòng chống tham nhũng không lớn. Nếu những tài sản đó đã được chuyển cho người thân trong gia đình, hoặc đã bị tẩu tán ra nước ngoài thì chúng ta cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý bởi số tài sản này cũng chính là mồ hôi, nước mắt của nhân dân.
Từ điều này để thấy rằng, việc kê khai tài sản của những người có chức quyền, có cơ hội, có điều kiện để tham nhũng phải thật chính xác, công khai, minh bạch. Kê khai xong thì phải công khai chứ không phải cất vào ngăn kéo.
Tôi cũng cho rằng, chúng ta cần phải có biện pháp đồng bộ hơn nữa giữa trung ương và địa phương. Trung ương thì mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng địa phương thì sự chuyển biến còn chưa tương thích với những chủ trương của Trung ương. Nhiều tỉnh thành còn phải chờ Trung ương có ý kiến chỉ đạo trực tiếp, hoặc đợi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc... thì lúc ấy địa phương, các bộ ngành mới “ngã ngửa người” ra.
Ví như trường hợp Trịnh Xuân Thanh – người làm thất thoát gần 3.300 tỷ đồng của Nhà nước. Tại sao trong cả một thời gian dài không thấy báo cáo gì cho đến khi Tổng Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì sự việc mới được làm rõ?
Dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những thành công bước đầu của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đối với sự việc Formosa, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Trịnh Xuân Thanh… , tôi tin tưởng rằng, thời gian tới Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt hơn nhằm đem lại những hiệu quả tích cực hơn, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
-Xin cảm ơn ông!
Tổ Quốc