Nguyên Phó thống đốc ông Đặng Thanh Bình bị cáo buộc những hành vi phạm tội nào?
Ông Đặng Thanh Bình bị cáo buộc đã không thực hiện đúng phương án của NHNN, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ...không chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, tạo điều kiện cho ông Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.
- 24-03-2018Vì sao cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước bị truy tố?
- 22-03-2018Truy tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình
- 16-02-2018Bốn thách thức đang chờ Thống đốc năm 2018!
VKSNDTC vừa truy tố ông Đặng Thanh Bình (cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cùng 4 bị can khác là ông Lê Văn Thanh (cựu chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, tổ trưởng giám sát Ngân hàng Xây dựng), ông Hà Tấn Phước (cựu phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, tổ trưởng giám sát ngân hàng Đại Tín/Xây dựng), ông Phạm Thế Tuân (cựu phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP HCM, tổ phó giám sát Ngân hàng Xây dựng) và ông Ngô Văn Thanh (cựu phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An, tổ viên tổ giám sát Ngân hàng Đại Tín/Xây dựng).
Theo cáo trạng, các bị can trong Tổ giám sát đã thụ động, hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, để cho Phạm Công Danh và đồng phạm tùy tiện thực hiện hành vi rút tiền, sử dụng tiền trái pháp luật mà không chủ động có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Công Danh.
Trong đó, ông Đặng Thanh Bình được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Vụ pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém trong đó có Đại Tín nhưng đã không thực hiện đúng phương án của NHNN, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, kiến nghị của Cơ quan thanh tra giám sát,...tạo điều kiện cho Phạm Công Danh vào quản lý Đại Tín và sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.
Cụ thể, theo kết quả điều tra, ngày 15/8/2012, ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình Thủ tướng về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín trong đó nêu rõ việc cần xác minh năng lực tài chính của nhóm đầu tư mới là ông Phạm Công Danh để đảm bảo nguồn tiền đầu tư vào Đại Tín.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo vào ngày 31/8/2012 với nội dung: "Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới vào ngân hàng Đại Tín". Nhiệm vụ lúc này đề ra là sau khi tái cơ cấu, ngân hàng có tình trạng tài chính lành mạnh, đáp ứng các quy định về bảo đảm tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng.
Để thực hiện chủ trương trên, đến đầu tháng 9/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN trình ông Đặng Thanh Bình kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng như điều kiện đối với cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức khi thành lập mới ngân hàng. Theo đó nhóm đầu tư có khả năng tài chính để góp vốn thành lập NHTMCP và cam kết không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.
Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Bình đã có bút phê vào tờ trình trên là "Việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng và của chính Ngân hàng nhà nước." Sau đó, ngày 6/9/2012, ông Bình đã ký công văn chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu Trustbank.
Theo cáo trạng, như vậy ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng yêu cầu trong phương án của ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN là để đảm bảo được năng lực tài chính thực sự của nhóm cổ đông tham gia tái cơ cấu Trustbank.
Sau một thời gian cho nhà đầu tư mới tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín, đến giữa năm 2013 chính ông Bình ký thông báo ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín đã thừa nhận lộ trình triển khai phương án còn chậm chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu còn hạn chế. Mặc dù vậy, ông Bình vẫn ký công văn chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín vào ngày 2/7/2013.
Dó đó, VKS cáo buộc ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do NHNN trình Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giam sát NHNN, không chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh (khu đất 302 Tô Hiến Thành không chuyển nhượng được thành tiền) và trên thực tế để có tiền thì ông Danh đã thực hiện các hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ, điều hành NH Đại Tín, sừ dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội. Điều này dẫn tới việc VNCB ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ cấu có khả năng mất vốn tăng cao.
Tại Cơ quan điều tra, ông Đặng Thanh Bình đã không thừa nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình nhưng thừa nhận Văn bản số 652/NHNN-TTGSNH.m ngày 6/9/2012 về việc chấp thuận chủ trương cho nhóm cổ đông mới tham gia tái cơ cấu Trustbank. Cho đến khi kí văn bản vào 7/2013 để chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín thì năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới (Phạm Công Danh) vẫn chưa chắc chắn.