MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rosler khuyên startup Việt Nam nên giữ gìn "bản sắc"

Ông Rosler nói: "Bản sắc riêng vẫn quan trọng hơn hình mẫu nằm phía bên kia Thái Bình Dương".

Khởi nghiệp không thể "sao chép"

Trong vòng 3 năm trở lại đây, cụm từ "startup" hay "khởi nghiệp" đã trở nên quá quen thuộc, đặc biệt là với thế hệ trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, theo cựu Phó Thủ tướng Đức, nếu gọi đó là một "trào lưu" thì không nên. Bởi lẽ trào lưu không phải là thứ sẽ tồn tại lâu dài. Khởi nghiệp xong thì cần phải sống được chứ không thể theo kiểu "thời vụ".

Một trong số những sai lầm lớn nhất của các bạn trẻ muốn startup là "sao chép" mô hình của người khác, đặc biệt là các mô hình từ nước ngoài. Học hỏi là rất tốt, nhưng sao chép ý tưởng khi chưa tìm hiểu rõ về đặc thù thị trường trong nước, nhu cầu của khách hàng trong nước sẽ dẫn đến thất bại tất yếu. Vì mỗi quốc gia có một nền kinh tế, chính trị đặc thù cũng như những nét văn hóa riêng. Một mô hình thành công ở khu vực này không có nghĩa là nó sẽ thành công ở khu vực khác, nếu không muốn nói là có thể thất bại thảm hại.

Đã có rất nhiều tập đoàn lớn với dòng vốn hàng trăm triệu USD vào Việt Nam và kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng phải thoái vốn hoặc rút lui, thì các startup lại càng dễ "chết yểu" hơn nữa nếu không thận trọng với thị trường.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rosler khuyên startup Việt Nam nên giữ gìn bản sắc - Ảnh 1.

Thống kê sơ lược trên thế giới, nguyên nhân dẫn tới thất bại của một doanh nghiệp khởi nghiệp thường do sản phẩm khởi nghiệp không đáp ứng được nhu cầu thị trường (khoảng 42%), không có kế hoạch tài chính phù hợp, dẫn tới thiếu tài chính để phát triển doanh nghiệp (29%), không có đội ngũ phù hợp cho sự phát triển (23%), không có mô hình kinh doanh phù hợp (17%)…

Xây dựng bản sắc riêng

Theo chuyên gia khởi nghiệp Hoàng Minh Trí, Giám đốc AiPac (Hoa Kỳ), công ty khởi nghiệp không phải là phiên bản nhỏ của các công ty lớn. Công ty khởi nghiệp không phải thực hiện theo đúng một kế hoạch tổng thể và một mô hình kinh doanh đã có sẵn của một công ty, mà phải xây dựng một mô hình kinh doanh phù hợp.

Việt Nam là một quốc gia có nền tảng xuất phát từ nông nghiệp, không có lý do gì lại không có các startup về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, công nghệ cao có thể phù hợp với chỗ này nhưng chỗ khác không phù hợp. Lấy ví dụ về sự thành công của nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt nhưng đưa vào áp dụng tại Nghệ An đều thất bại. Nguyên nhân đó là điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. 

Đối với đặc thù nông nghiệp Việt Nam, việc lựa chọn áp dụng phát triển cây gì, con gì cũng cần sự tính toán thông minh. Lựa chọn bản sắc vùng miền là lời khuyên của chuyên gia cho các startup trẻ, tạo ra thị trường riêng.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rosler khuyên startup Việt Nam nên giữ gìn bản sắc - Ảnh 2.

Mở rộng ra, không chỉ riêng nông nghiệp mà mọi lĩnh vực trước khi khởi nghiệp đều phải có sự tìm hiểu thấu đáo. Ông Phillipp Rosler có lời khuyên: "Các bạn nên nghĩ đến việc tự khởi nghiệp và hãy đủ can đảm để biến điều đó thành hiện thực. Hãy tự tin vì các bạn cũng đang ở cùng “cấp độ chơi” với những người ở Thung lũng Silicon và những nơi khác vì các bạn cũng thông minh như họ.

Lời khuyên của tôi là các bạn hãy giữ bản sắc của mình và vận dụng những mô hình kinh doanh khác nhau sao cho phù hợp với thị trường tại Việt Nam, khu vực Mekong hay cả ASEAN. Bởi vì nếu chúng ta quá giống họ, chúng ta sẽ thất bại. Nếu giữ được nét đặc trưng bằng văn hóa Việt Nam và châu Á, các bạn sẽ có cơ hội lớn hơn".

Trả lời câu hỏi "Liệu Silicon City ở Thành phố Hồ Chí Minh đơn thuần là một cái tên ở Việt Nam hay đây là một giấc mơ hoàn toàn đủ khả năng trở thành hiện thực?", ông Rosler cho biết: "Nếu chỉ là những bản sao của những gì xảy ra bên trong Thung lũng Silicon thì không đủ tốt. Các bạn phải mang đến văn hóa của riêng mình. Bạn phải có khả năng “phiên dịch” những mô hình bạn thấy ở Thung lũng Silicon sang môi trường kinh doanh thực tế ở Viêt Nam. Chỉ như vậy các bạn mới thành công".

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên