MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Chuyện ít biết về VAT 20 năm trước và những thay đổi lớn về thuế sắp diễn ra

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, Việt Nam cần ban hành chính sách thuế tài sản, hoàn thiện chính sách thuế về đất đai và thay đổi cách làm luật thuế. Tại các nước khác, Quốc hội sẽ đứng ra xây dựng Luật để đảm bảo tính khách quan và trách nhiệm.

Cách đây 20 năm, Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đã được Quốc hội chính thức ban hành. Thuế GTGT khi đó là một sắc thuế tiên tiến, tránh được việc bị đánh thuế trùng lắp như khi áp dụng thuế doanh thu. Hệ thống chính sách thuế Việt Nam cũng đã từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) đã có cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ.

Từng làm việc tại Tổng cục thuế trong giai đoạn mới áp dụng thu thuế GTGT ở Việt Nam, bà có thể cho biết lý do và bối cảnh dẫn đến quyết định thực hiện thu thuế GTGT ở Việt Nam?

Trước khi ban hành Luật thuế GTGT, Việt Nam đang áp dụng thuế doanh thu với 11 thuế suất khác nhau và thu ở tất cả các khâu. Ví dụ: Trong thương mại, khâu thương mại bán buôn bị thu thuế. Khâu thương mại cấp 1 bị thu thuế. Khâu thương mại cấp 2, cấp 3 cũng bị thu. Khâu bán lẻ cuối cùng cũng bị thu.

Việc thu thuế qua mỗi lần bán hàng hóa dẫn đến việc trùng lắp nên gây khó khăn cho doanh nghiệp và không khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Thời gian này, ngành thuế bắt đầu thực hiện các cam kết hội nhập. Các nước đã áp dụng chính sách thuế tiên tiến với việc 108 nước thực hiện thu thuế GTGT. Căn cứ vào chiến lược cải cách thuế bước II, Quốc hội đã ra Nghị quyết, xác định phải sửa đổi hệ thống chính sách thuế mang tính chất tiên tiến phù hợp với thông lệ quốc tế và nền kinh tế thị trường.

Bộ Tài chính đã trình lên Chính phủ, Chính phủ trình lên Quốc hội và có xin ý kiến Bộ Chính trị để xây dựng hệ thống chính sách thuế mới, trong đó có thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để góp phần hoàn chỉnh hệ thống chính sách thuế Việt Nam, đảm bảo động viên số thu ngân sách nhà nước, tạo điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trong giai đoạn đầu thực hiện luật thuế GTGT, ngành thuế có những khó khăn gì?

Luật thuế GTGT được thông qua vào tháng 4/1997 chuẩn bị thực hiện từ 01/01/1999. Nhưng sang năm 1998, khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực lan nhanh. Tại thời điểm đó, lạm phát tại các nước ASEAN lân cận rất cao. Trong nước, thiên tai, lũ lụt nặng nề gây thiệt hại và để lại nhiều hậu quả trầm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, bộ ngành đều lo lắng không thu được thuế GTGT vào đầu năm 1999.


Ảnh: Nguyễn Thành Đạt. Thiết kế: Hương Xuân

Ảnh: Nguyễn Thành Đạt. Thiết kế: Hương Xuân

Không những thế, việc triển khai luật thuế mới cũng sẽ có những khó khăn. Một là, người dân đang quen cơ chế cũ và chưa kịp thích ứng khi chuyển sang cơ chế mới. Hai là, Việt Nam chưa có chế độ hóa đơn, chứng từ tốt trong khi việc giữ hóa đơn, chứng từ là yêu cầu bắt buộc để được khấu trừ thuế, hoàn thuế. Vì vậy, đã có quan điểm cho rằng nên lùi việc thực hiện thuế GTGT.

Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo trong hệ thống chính trị của đất nước đã quyết tâm thực hiện luật thuế GTGT. Nếu mình sợ khó thì không bao giờ thực hiện được luật thuế mới cả. Vì vậy, phải quyết tâm để thực hiện thuế GTGT đúng thời điểm Luật định.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 44 CT-TW ngày 4/11/1998 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các luật thuế mới. Ngày 25/11/1998, Quốc hội khóa X cũng ra Nghị quyết số 18/1998/QH 10 yêu cầu Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thực hiện các luật thuế mới, nhất là luật thuế GTGT nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đầu, Quốc hội cho phép Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp giảm thuế đối với hoạt động thương mại dịch vụ, ăn uống,... và các biện pháp quản lý để có thể thực hiện luật thuế GTGT. Luật thuế GTGT đầu tiên, có 4 thuế suất: 0%, 5%, 10%, 20%. Quốc hội đã giao cho Chính phủ được quyền chủ động giảm thuế suất và trình lên Quốc hội sau.

Lúc đó, phương án của Chính phủ là tạm thời chưa áp dụng thuế suất 20%, và giữ lại mức thuế suất 0%, 5% và 10%; một số mặt hàng đang chịu thuế suất 10% đã được đề nghị giảm xuống 5%. Phương án này được Chính phủ trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội và được cơ quan này cho phép Chính phủ quyết làm luôn.

Khi thực hiện luật thuế GTGT, bà có gặp những sức ép gì từ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng khác?

Trong thời gian đầu, tất cả mọi người đều cùng rất lo lắng. Mình đang thực hiện thuế doanh thu, giờ chuyển sang thu thuế GTGT. Thu GTGT nộp đầu ra được khấu trừ thuế đầu vào, xuất khẩu thì hoàn. Vậy xác định thuế đầu vào hoàn như thế nào cho đúng? Người bán hàng viết hóa đơn chứng từ ra sao? Việc tổ chức quản lý cũng rất khó.

Tôi còn nhớ, gần đến ngày 01/01/1999, Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế Trần Xuân Thắng, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Đậu và tôi (Phó tổng cục trưởng phụ trách lĩnh vực chính sách Thuế) đã trực tiếp ra các cửa hàng, doanh nghiệp, đi đến tận nơi để xem họ viết hóa đơn như thế nào, ghi thêm tiền thuế thì giá cả có biến động hay không và rất lo giá cả biến động vì thuế,…

Mỗi tỉnh, mỗi ngành đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện Luật thuế mới. Ở 61 tỉnh, thành phần ban chỉ đạo gồm có lãnh đạo tỉnh, cục thuế, sở Tài chính. Ban chỉ đạo ở trung ương có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ,... Ở các bộ cũng thành lập ban chỉ đạo. Tất cả thành một phong trào, hoạt động rất quyết liệt.

Hàng ngày, các đơn vị đều báo cáo tình hình về Bộ Tài chính. Bộ tập hợp để báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để cấp trên nắm bắt thông tin kịp thời. Tôi vẫn cảm nhận được sự hồi hôp, lo lắng trong những ngày đầu thực hiện nhưng cuối cùng thì cũng đã thành công, thực hiện Luật thuế GTGT đúng thời gian quy định.


Ảnh: Nguyễn Thành Đạt. Thiết kế: Hương Xuân

Ảnh: Nguyễn Thành Đạt. Thiết kế: Hương Xuân

Theo bà, luật thuế sẽ còn cần được điều chỉnh như thế nào trong tương lai?

Theo tôi, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách thuế hiện hành và nghiên cứu xây dựng thuế tài sản. Trong chiến lược cải cách thuế đến năm 2020, Quyết định 732 của Chính phủ đã chỉ ra vấn đề ban hành thuế tài sản. Theo thông lệ quốc tế, thuế tài sản đánh vào tài sản của các cá nhân dưới dạng tiền hoặc hiện vật như: bất động sản, du thuyền, vốn, chứng khoán. Họ đánh thuế theo năm với thuế suất không lớn, mang tính chất kiểm soát thu nhập.

Hai là, cần hoàn thiện lại một chính sách thuế về đất. Hiện nay, Việt Nam có hai luật thuế về đất: thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nhưng luật thuế sử dụng đất nông nghiệp gần như miễn giảm là chủ yếu và nên hoàn thiện thêm.

Trong tương lai, việc hoàn chỉnh các luật thuế cần theo hướng rõ ràng, minh bạch, khả thi cao. Khi điều tiết lại chính sách thuế theo chính sách cơ cấu và phù hợp với việc thực hiện cam kết quốc tế, thuế nhập khẩu sẽ bị cắt bỏ.

Trong khi đó, chi ngân sách ngày càng tăng, bội chi ngân sách bị khống chế giảm, thuế trực thu cũng giảm. Việc phải điều chỉnh cơ cấu thu, chuyển từ giảm thuế trực thu sang tăng dần thuế gián thu như thuế GTGT là tất yếu. Đây cũng là thực tế phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Cách làm luật thuế cũng cần thay đổi. Ở các nước, Quốc hội đứng ra xây dựng luật, các cơ quan khác cùng tham gia. Việc này vừa khách quan, vừa thể hiện trách nhiệm vì Quốc hội quyết định dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Vương Diệu Quân (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên