Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Mỹ rất coi trọng Việt Nam
“Việc Tổng thống Mỹ sang Việt Nam lần này cho thấy phía Mỹ rất coi trọng Việt Nam và chúng ta cần phải khai thác cho tốt, làm sao để mối quan hệ Việt - Mỹ càng có thêm nhiều khả năng, điều kiện để phát triển toàn diện”, ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trao đổi với chúng tôi ngày 23/5.
- 23-05-2016Ông Obama trích tục ngữ Việt Nam trong phát biểu tại tiệc chiêu đãi
- 23-05-2016Vì sao ông Obama thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ?
- 23-05-2016Nữ cố vấn gốc Việt đặc biệt trong phái đoàn Tổng thống Obama thăm Việt Nam
Với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama lần này, ông nghĩ gì về quan hệ hai nước?
Các chuyến đi Mỹ gần đây nhất của Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy không còn cản trở nào trong quan hệ của hai nước. Chuyến đi lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama là một bước tiếp theo để thúc đẩy mối quan hệ toàn diện giữa hai nước.
Việc Tổng thống Mỹ sang Việt Nam lần này cho thấy phía Mỹ rất coi trọng Việt Nam và chúng ta cần phải khai thác cho tốt, làm sao để mối quan hệ Việt - Mỹ càng có thêm nhiều khả năng, điều kiện để phát triển toàn diện. Sự kiện này càng củng cố thêm lòng tin giúp cho sự hợp tác, phát triển toàn diện của hai nước càng thêm vững chắc hơn.
Trong cuộc họp báo ngày 23/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Sự kiện này nói lên điều gì, theo ông?
Đây là một bước tiến trong tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước và không có bất cứ lĩnh vực gì mà không thể hợp tác. Trước đây, Mỹ có sự phân biệt đối xử, còn bây giờ mối quan hệ hai nước được nâng cao hơn khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Nhưng chúng ta cũng cần phải xem vũ khí là một loại hàng hóa, dù đó là một loại hàng hóa đặc biệt. Chúng ta có thể mua của Nga hay của quốc bất kỳ quốc gia nào, miễn là giá cả hợp lý, không có điều gì quá đặc biệt cả.
Ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Theo ông, những lĩnh vực nào Việt Nam và Mỹ cần giải quyết lúc này?
Theo tôi, có năm lĩnh vực quan trọng mà hai nước cần giải quyết. Đầu tiên là hợp tác về kinh tế, bởi nếu không phát triển kinh tế thì sẽ không có được vị thế.
Thứ hai là khắc phục hậu quả chiến tranh như rà soát bom mìn, tìm người mất tích. Vấn đề này Mỹ đã triển khai tích cực hơn trong thời gian qua, song cần phải làm tích cực hơn vì hậu quả chiến tranh vẫn còn hiện diện ở đó.
Vấn đề thứ ba là hợp tác về an ninh chủ quyền. Đây là vấn đề thiêng liêng của tất cả các nước, nhưng trong tình hình cụ thể của Việt Nam bây giờ thì điều này còn quan trọng hơn.
Thứ tư, hai bên phải hợp tác giải quyết về những vấn đề mới xuất hiện, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Và thứ năm, những vấn đề vẫn còn sự khác biệt mà ta hay nói là nhạy cảm như vấn đề quyền con người, tự do tôn giáo thì không nên coi là nhạy cảm nữa mà nên coi đó là những vấn đề còn đang tồn tại. Trên cơ sở đó, phải ngồi với nhau để tìm ra hướng giải quyết, chứ không phải trở thành vấn đề cản trở quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Barack Obama sang Việt Nam đã được người dân Việt Nam chào đón rất nồng hậu. Ông nghĩ gì về điều này?
Từ các đời tổng thống Mỹ trước đây sang thăm Việt Nam - ông Bill Clinton, ông George W. Bush và bây giờ đến Tổng thống Barack Obama, người dân Việt Nam đều chào đón rất nhiệt tình với một ý thức chính trị rất cao. Tôi còn nhớ thời Tổng thống George W. Bush sang Việt Nam, ông rất sợ bị người dân phản ứng.
Thế nhưng, khi được người dân chào đón dọc đường, ông ấy đã thấy khác hẳn và nói rằng, đi khắp thế giới nhưng chỉ về Việt Nam mới được chào mừng như vậy. Bản chất văn hóa của chúng ta là hòa hiếu, không lấy quá khứ cản trở tương lai.
Chúng ta không quên quá khứ mà gác lại quá khứ, nhìn về tương lai, cùng nhau hợp tác cùng có lợi. Người dân Việt Nam không hằn thù, luôn bao dung, dù với Mỹ hay với Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp… Điều quan trọng là đồng hành nhiều hơn để đẩy lợi ích hai nước nhiều lên, cũng giống như nước lên thì thuyền lên vậy.
Cảm ơn ông.
Tiền phong