Nhà 3 tỷ đồng mới xây bị tuyến Metro số 1 gây sụt lún, cả gia đình 'cõng' nhau đi thuê trọ
Sau bao năm làm việc vất vả, đôi vợ chồng trẻ tích góp được 3 tỷ đồng để xây dựng ngôi nhà khang trang, thế nhưng khi tuyến Metro số 1 thi công khiến ngôi nhà sụt lún, nứt toác, khiến cả gia đình phải "cõng" nhau đi thuê trọ suốt 3 năm trời.
- 01-02-2018TP.HCM ‘cầu cứu’ Thủ tướng về tuyến metro số 1
- 05-01-2018TP.HCM lý giải nguyên nhân tuyến metro số 1 bị đội vốn
- 19-12-2017Hơn 21.000 tỷ kéo dài Tuyến Metro số 1, BĐS Đồng Nai - Bình Dương bùng nổ cuối năm
Ngày 24/4, Báo điện tử VTC News nhận được đơn phản ánh của anh Phạm Văn Hiền, ngụ số 602/39/17G đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) về việc ngôi nhà của gia đình anh đang ở bị sụt lún, nứt toác do đơn vị thi công tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên gây nên.
Trong đơn, anh Hiền cho biết, giữa năm 2013, gia đình anh xây dựng nhà tại địa chỉ trên, đến cuối năm 2013 thì công trình xây dựng xong.
Đến đầu năm 2014, công trình thi công tuyến Metro đường sắt Bến Thành - Suối Tiên tiến hành cọc khoan nhồi làm trụ cầu, gây chấn động mạnh đã làm cho nhà của anh bị nứt tường, sụt lún nền nghiêm trọng. Nhiều công trình nội thất trong nhà hư hỏng hoàn toàn không thể phục hồi.
Vị trí tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên "đi ngang" khiến nhà dân bị sụt lún, nứt toác.
Sau khi sự việc xảy ra, anh Hiền đã làm đơn khiếu nại gửi UBND phường 22 để phản ánh và yêu cầu đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Sau đó, lãnh đạo phường đã mời anh cùng đại diện nhà thầu thi công công trình và chủ đầu tư ra làm việc để hòa giải. Tuy nhiên, nhiều lần các bên gặp nhau để hòa giải nhưng không tìm được tiếng nói chung.
"Các đơn vị gây ra hậu quả cho nhà tôi đều tìm cách chèn ép, không tính toán đúng thực tế thiệt hại của gia đình tôi và từ chối bồi thường. Thời gian trôi qua cho đến nay đã 3 năm, căn nhà của tôi ngày càng thêm xuống cấp trầm trọng. Tới nay tôi đã gửi trên 10 lá đơn nhưng ủy ban nhân dân phường và bên chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết cho tôi", anh Hiền cho biết.
Theo anh Hiền, đầu năm 2015, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu Cienco 6 đã đi cùng một nhà thầu sửa chữa xây dựng đến gặp anh và đề nghị bồi thường với mức giá 220 - 240 triệu đồng. Tuy nhiên anh không đồng ý vì mức bồi thường này không thỏa đáng so với thiệt hại của ngôi nhà.
"Theo tính toán của gia đình và tham khảo những đơn thi công sửa chữa nhà cửa, để phục hồi nguyên trạng ngôi nhà như ban đầu thì cho phí phải hết khoảng 600 triệu đồng. Trong khi đó mức đền bù tôi đề nghị công ty Cienco 6 là 525 triệu đồng (chưa tính phần làm móng, hư hao nội thất, tiền gia đình tôi phải thuê nhà sống 3 năm qua là 10 triệu đồng/tháng, tiền kinh doanh tại căn nhà trên bình quân 10 triệu đồng/tháng).
Gần đây nhất, trước Tết Nguyên đán 2018, UBND phường 22 đã mời tôi và đại diện Cienco 6 lên để thỏa thuận rồi nói cho thẩm định lại thiệt hại ngôi nhà và phải giải quyết nhanh nhưng tới nay không có bất cứ ai liên hệ để làm việc với tôi", anh Hiền thông tin.
Cũng theo anh Hiền, trong cuộc họp giữa anh, UBND phường 22 và đại diện Cienco 6, anh đã ý kiến rằng, nếu thấy giá đền bù cao thì anh đồng ý giao nhà cho bên công trình Cienco 6 sửa chữa lại như lúc ban đầu. Tuy nhiên, Cienco 6 và UBND phường đều không có câu trả lời.
Anh Hiền cho rằng, công ty Cienco 6 và UBND phường 22 đang coi thường tính mạng con người khi để mặc gia đình anh sống trong lo âu và lẩn tránh trách nhiệm.
"Do lo sợ ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, trong nhà có 2 cháu nhỏ nên chúng tôi không dám ở đó nữa mà phải đi thuê nhà chỗ khác ở. Bỏ ra hơn 3 tỷ để xây dựng rồi sắm sửa trong nhà, thế nhưng không được ở, đến nay tôi đã phải thuê nhà gần 3 năm rồi.
Giá tiền thuê nhà đã lên tới 10 triệu đồng/tháng. Gia đình tôi công việc không ổn định, nếu như nhà tôi không bị sụt lún như trên thì tôi đã có thể mở cửa hàng tạp hóa hay kinh doanh để kiếm sống qua ngày.
Nhưng nay, sự việc của gia đình tôi đã lên đến đỉnh điểm, chúng tôi quyết làm mọi cách để đòi lại công bằng cho gia đình tôi. Không thể để những kẻ gây hậu họa cho gia đình tôi lại nhởn nhơ, coi thường tính mạng người khác như vậy", anh Hiền bức xúc.
Đứng trước ngôi nhà khang trang, công sức bao năm tích góp của 2 vợ chồng nhưng nay bỗng nhiên không được ở, anh Hiền khẳng định, sự việc đã kéo dài hơn 4 năm rồi, nếu phía công ty không xử lý sớm, anh sẽ đưa cả gia đình mình ra ngồi ở công trường Metro đang thi công để đòi lại quyền lợi mà bấy lâu nay bị chèn ép, coi thường.
Trả lời VTC News, đại diện UBND phường 22 cho biết sẽ trả lời tất cả những thắc mắc của phóng viên thông qua văn bản cụ thể. Đồng thời, vị đại diện này cũng cho biết, trụ sở của UBND phường 22 cũng bị ảnh hưởng bởi công trình này. Cụ thể, bị sụt lún và nứt toác nhiều chỗ.
"Như chị cũng thấy rồi đấy, từ ngoài vào là thấy trụ sở bị sụt lún liền. Bậc tâng cấp "há hốc" miệng đấy thôi, và nhiều chỗ bị nứt nẻ nữa. Bản thân chúng tôi cũng đã yêu cầu bồi thường, nhưng bên nhà thầu lập phương án bồi thường không có đúng, họ chỉ đền bù 60 triệu đồng, phần còn lại chúng tôi phải trích từ kinh phí của UBND phường", vị đại diện phường 22 thông tin.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài 19,7km đi qua quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Tổng mức đầu tư công trình này là gần 2,5 tỷ USD, bắt đầu thực hiện vào tháng 8/2012 dự kiến hoàn thành và chạy thử năm 2019.
Dự án này gồm 5 gói thầu chính. Trong đó, gói thầu số 2 do liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) làm nhà thầu.
VTC News