Nhà băng mở rộng bảo lãnh trái phiếu
Trong vòng 2 năm gần đây, làn sóng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ khá mạnh mẽ với các “bà đỡ” NHTM thông qua các công ty chứng khoán trực thuộc.
- 10-05-2019Hiện tượng dư thừa thanh khoản khó kéo dài, lãi suất trái phiếu có thể tăng trong thời gian tới
- 06-05-2019“Ngân hàng khó làm giá trái phiếu Chính phủ”
- 29-04-2019Quý 2, Kho bạc Nhà nước dự kiến huy động 80 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Nở rộ và hấp dẫn nhà đầu tư
Theo thống kê của Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), thời gian qua thị trường trái phiếu DN có mức tăng trưởng khá mạnh cả về số lượng DN phát hành lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu. Kết thúc năm 2018, dư nợ toàn thị trường trái phiếu DN tăng trưởng 53% so với năm 2017, tương đương khoảng 8,6% GDP.
Trong khi đó, từ sau khi Nghị định 163/2018 của Chính phủ về phát hành trái phiếu DN chính thức có hiệu lực (tháng 2/2019 – PV), đã có khoảng trên 1.500 tỷ đồng trái phiếu được các DN lớn phát hành, nâng tổng số trái phiếu DN được phát hành từ đầu năm 2019 đến nay lên mức gần 38.500 tỷ đồng, với 36 DN tham gia thị trường.
Ghi nhận từ các sàn chứng khoán cho thấy, trái phiếu DN hiện nay đang là kênh đầu tư được khá nhiều tổ chức, cá nhân tham gia như một hình thức đầu tư lấy lãi cao. Theo thống kê của CTCK Rồng Việt, hiện mặt bằng lợi tức của trái phiếu DN ổn định ở mức 8%-10%/năm (đối với trái phiếu thông thường, kỳ hạn 1-3 năm). Mức này cao hơn đáng kể so với lãi suất huy động từ 6,6%-7,3%/năm đối với các kỳ hạn tương tự tại các NHTM.
Chẳng hạn, hiện nay trái phiếu của Công ty Nam Hà Nội được CTCK Techcombank (TCBS) chào bán với lãi suất 9,1%/năm, cao hơn 1,8-2,6 điểm % so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn. Hoặc trái phiếu kỳ hạn 7 tháng của Novaland cũng đang được đơn vị này rao bán với lãi suất 7,16%/năm, trái phiếu Vingroup kỳ hạn 29 tháng cũng được rao bán với lãi suất 9,11%/năm.
Phân chia theo lĩnh vực hoạt động thì hiện nay các DN bất động sản và các tập đoàn đa ngành lớn như: Vingroup, Novaland, Cenland, Masan, REE, CII… đang là những DN có khối lượng trái phiếu phát hành lớn nhất. Chỉ tính riêng Vingroup, Vinhomes và Masan, hiện khối lượng trái phiếu đang lưu hành ước đạt khoảng 33.200 tỷ đồng.
Trong khi đó khối các DN bất động sản khác như Đất Xanh, Novaland, HAG, SDI… mỗi đơn vị cũng đang phát hành khoảng 1.000-3.000 tỷ đồng trái phiếu với khả năng bán cho nhà đầu tư cá nhân được nhận định là khả quan và có mức lợi tức luôn ổn định.
Với sự sôi động của thị trường, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có văn bản khuyến nghị các DN trong ngành này quan tâm nhiều hơn đến phương thức phát hành trái phiếu DN để thay thế nguồn vốn ngân hàng. Trong đó, nghiên cứu đến cả giải pháp phát hành các trái phiếu chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại các khoản nợ của DN.
Cẩn trọng những xáo trộn tín dụng
Theo các chuyên gia ngân hàng, tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng được kiểm soát chặt khi mà dư nợ tín dụng hiện đã tăng lên đến hơn 130% GDP. Bên cạnh đó tín dụng trung dài hạn cũng được siết chặt lại để phòng ngừa rủi ro. Trong bối cảnh đó, các NHTM hầu như bắt buộc phải tìm cách tập trung hơn vào các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Trong đó, việc lập ra các công ty chứng khoán trực thuộc để đào sâu các hoạt động môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu DN là một kênh kinh doanh hợp lý và được nhiều ngân hàng lựa chọn.
Quan sát cho thấy, hiện nay trong hệ thống NHTM có khoảng trên 20 đơn vị thành công với các CTCK trực thuộc từ các nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu. Đơn cử trường hợp của Techcombank có thể thấy điều này khi mà giai đoạn 2014 - 2018 khối lượng trái phiếu DN do TCBS bảo lãnh phát hành lên đến 161.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2018 doanh thu của TCBS đã đạt khoảng 1.300 tỷ đồng tăng gấp 3 lần năm trước đó, trong khi chi phí hoạt động của nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu DN chỉ vỏn vẹn 30 triệu đồng.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia đầu tư tài chính, việc ngày càng nhiều CTCK (cả công ty độc lập và CTCK trực thuộc NHTM) tham gia vào thị trường tư vấn, phát hành trái phiếu là một xu hướng tích cực. Bởi việc chuyển hẳn nghiệp vụ tư vấn, phát hành trái phiếu cho các công ty con là hợp lý vì vừa thu được phí vừa không phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Thạc sĩ Phùng Hữu Hạnh - chuyên gia tài chính của FTMS Việt Nam cho rằng, xét ở góc độ kinh doanh thì khi các CTCK có sự hậu thuẫn từ mạng lưới phân phối rộng khắp của ngân hàng mẹ thì kênh tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu DN sẽ là kênh sinh lợi bền vững. Trong khi đó, đối với cả DN phát hành và nhà đầu tư trái phiếu thì mức độ rủi ro cũng có thể chấp nhận được.
Bởi hiện nay, mặc dù không có những số liệu thống kê chính thức nhưng phần lớn các trái phiếu DN chỉ phát hành cho một vài nhà đầu tư ban đầu. Kết quả là tiền lãi DN phải trả hàng kỳ đều ở mức trên dưới 10%, không quá cao so với lãi vay từ NHTM. Còn phía nhà đầu tư thì cũng có thể hưởng mức thu nhập tương đương với lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Đồng quan điểm trên, nhưng TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV vẫn cho rằng, khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu, bản thân các NHTM (thông qua các CTCK) đã gần như phải bao tiêu toàn bộ lượng trái phiếu mà DN bán ra.
Trong trường hợp các khâu thẩm định hoặc phân phối không được thực hiện tốt, trái phiếu bán chậm hoặc không bán được thì NHTM sẽ trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư. Khi đó mục tiêu tư vấn sẽ bị biến chất, nguồn vốn của ngân hàng bị ảnh hưởng và làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh tín dụng.
Ngoài ra, do mức độ minh bạch thông tin ở nhiều DN hiện nay không cao nên các NHTM tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu cũng có thể đối mặt với những “rủi ro kép” khi tham gia bảo lãnh cho các DN kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả. Bởi nhà đầu tư trái phiếu được phép cầm cố trái phiếu để vay vốn từ chính ngân hàng bảo lãnh.
Ghi nhận từ các sàn chứng khoán cho thấy, trái phiếu DN hiện nay đang là kênh đầu tư được khá nhiều tổ chức, cá nhân tham gia như một hình thức đầu tư lấy lãi cao. Theo thống kê của CTCK Rồng Việt, hiện mặt bằng lợi tức của trái phiếu DN ổn định ở mức 8%-10%/năm (đối với trái phiếu thông thường, kỳ hạn 1-3 năm). Mức này cao hơn đáng kể so với lãi suất huy động từ 6,6%-7,3%/năm đối với các kỳ hạn tương tự tại các NHTM.
Thời báo ngân hàng