MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đất khu Tây Sài Gòn có dấu hiệu hạ giá

04-08-2021 - 08:45 AM | Bất động sản

Nhà đất khu Tây Sài Gòn có dấu hiệu hạ giá

Nhiều bất động sản thuộc khu vực vùng ven Tp.HCM đang được người rao bán với mức giá khá hời. Mức giá ghi nhận hiện đang chững lại, hoặc giảm khoảng 200-300 triệu so với trước dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 hiện đang bùng phát trở lại ở Tp.HCM với mức lây lan nhanh và khó kiểm soát. Tình thế này đang tác động đến mọi mặt về kinh tế - xã hội, cũng như gây ra những tác động không nhỏ đến toàn thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt là tại Tp.HCM.

Ghi nhận trên toàn bộ phân khúc của thị trường bất động sản hiện nay đều gần như "đóng băng", doanh nghiệp phải nghỉ dịch hoặc làm chế độ giãn cách, nhiều dự án không thể hoạt động, môi giới không có việc làm, toàn thị trường đều đang trong trạng thái chờ đợi thời điểm dịch qua đi.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã có xu hướng giảm giá bất động sản về sát mức giá mua vào. Một mặt vì sốt ruột muốn thu vốn về nhanh trong mùa dịch, một mặt vì thị trường đang có dấu hiệu chững lại, nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu chờ đợi thì đồng nghĩa sẽ bị lỗ tiền lãi ngân hàng, hoặc chôn vốn… nên đã quyết định đưa mức giá về sát với thực tế.

Theo ghi nhận, hiện nhiều nơi tại khu Tây Tp.HCM đã có dấu hiệu giảm giá bất động sản ở một vài phân khúc. Cụ thể, tại các khu vực phường Hiệp Thành, phường Tân Thới Nhất, phường Đông Hưng Thuận, Tân Chánh Hiệp, Hiệp Thành, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân… đều đang có xu hướng giảm giá đối với dòng sản phẩm nhà đất riêng lẻ. Thực tế, hiện một số nhà ở riêng lẻ tại khu vực quận 12 đang được rao bán với mức giá giảm từ 100-300 triệu tùy giá trị của từng căn nhà. Ví dụ, một căn nhà tại phường Tân Chánh Hiệp, trước khi có dịch được rao bán với giá 5 tỷ đồng, thì nay giảm xuống còn 4,7 – 4,9 tỷ tỷ đồng, nhưng rao bán nhiều tháng vẫn không có khách hỏi mua.

Anh T., một môi giới bất động sản tại khu vực trên cho biết, trên thực tế giá nhà đất vẫn có xu hướng tăng, nhưng đa phần người dân sốt ruột bán ra nên giảm giá chút ít để tìm được khách mua nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cũng theo anh T., do những ảnh hưởng của đại dịch nên việc khách hàng tiếp cận với sản phẩm khó khăn hơn nhiều.

"Ngoài tâm lý giữ dòng tiền phòng khi bất trắc trong đại dịch, người dân cũng ngại tiếp xúc với môi giới vì lo ngại nhiễm dịch bệnh. Trong vòng 2 năm qua, do dịch tác động mạnh nên giá nhà đất khu Tây gần như chững lại toàn bộ. Chỉ có một số dự án mới vẫn tăng giá, còn đa phần người dân vẫn giữ nguyên mức giá rao bán như cũ, thậm chí hiện tại một số căn nhà có giá trị cao đều phải xuống từ 300-500 triệu nhưng vẫn đứng im nhiều tháng nay", anh T. cho hay.

Không chỉ khu vực quận 12, một số khu vực khác như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… cũng có xu hướng giảm giá nhẹ. Cụ thể, tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi trước khi có dịch giá đất khu vực có dấu hiệu tăng lên, bởi sức ảnh hưởng từ thông tin sắp lên quận. Nhiều khu đất riêng lẻ của dân ghi nhận mức tăng giá 20-30%, kể cả đất nông nghiệp cũng tăng giá mạnh khiến nhiều người dân đã bỏ công việc làm vườn chuyển qua kinh doanh nhà đất.

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát, thị trường các khu vực này cũng có xu hướng giảm giá. Những lô đất trước dịch được rao bán với giá khoảng trên 2 tỷ đồng, thì nay giảm xuống khoảng 1,8 tỷ đồng, nhìn chung giá đất giảm khoảng 2-5 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí, nhưng tình hình tiêu thụ vẫn khá chậm rãi. Trước xu thế giảm giá vì dịch, nhiều nhà đầu tư gom đất chờ thời phải chấp nhận bán lỗ, hoặc để dòng tiền đứng yên chờ đợi dịch qua đi.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù đầu năm 2021 nhiều nơi sốt đất nhưng đến nay thị trường bất động sản đã được kiểm soát và dần đi vào ổn định. Thời gian qua thị trường đã xuất hiện hiện tượng giảm giá đất nền, nhà phố với mức giảm khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm.

Theo các chuyên gia, với tình hình dịch bệnh càng tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng cắt lỗ được dự báo sẽ còn tiếp diễn trên thị trường bất động sản. Khi thị trường đi xuống xuống, thanh khoản giảm, việc bán bất động sản khó khăn nên giá bán phải giảm mới giao dịch được.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc có cắt lỗ hay không cần phân tích kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Với những người đầu tư bất động sản bằng tiền có sẵn sẽ không chịu áp lực về dài hạn thì có thể duy trì, chưa vội vàng nghĩ tới chuyện cắt lỗ. Trái lại những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì cũng có thể xem xét đưa ra những mức giá phù hợp để dễ thoát hàng hơn.

Bảo Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên