Nhà đầu tư “cá mập” vẫn chờ hàng ngộp cuối năm, đánh đòn tâm lý người bán
Dù đà giảm giá sâu đã hạ nhiệt song nhóm “cá mập” vẫn chần chừ chơi đòn tâm lý để ép giá bên bán. Họ kì vọng giá có thể giảm thêm một “nấc” vào cuối năm nay.
- 26-07-2024Giao dịch căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng gấp hơn 2 lần, giá trung bình chạm mốc 66 triệu đồng/m2
Theo tiết lộ của một nhà đầu tư hiện sống tại Tp.HCM, nhóm đầu tư của anh đang theo dõi nhiều khu đất, căn nhà giá “ngộp” tại Tp.HCM và tỉnh lân cận. Bên cạnh tự tìm kiếm thì nhóm có mạng lưới "cộng tác viên" môi giới thân tín ở các khu vực để nắm được thông tin nơi nào có người cần bán và bán giá ra sao.
Nếu nhắm được mảnh đất hay căn nhà nào thì nhóm đầu tư của anh bắt đầu tìm hiểu thông tin sâu hơn về người bán và tài sản, kể cả thông tin khoản nợ ngân hàng mà người bán đang cần phải thanh toán. Cùng với đó, nhóm bắt đầu kiểm tra chéo và so sánh các chỉ số về giá, khu đất, tình trạng tài chính của nhà đầu tư… để hiểu rõ hơn là bên bán “ngộp” thật hay “ngộp” giả.
Nhà đầu tư này cho biết, đứng ở góc độ “thợ săn” nên anh chỉ mua khi giá đã được thương lượng thật tốt. Có một số khu đất, nhóm thương lượng trực tiếp với chủ nhà và không vội “chốt giá”. Nếu chủ nhà không đồng ý ngay lúc đó, nhóm của anh sẽ im lặng chờ đợi tiếp cho đến khi người bán thực sự muốn bán mức giá nhóm muốn mua. Theo vị này, có những thương vụ thành công, ngược lại có lúc bị người bán từ chối thẳng thừng do họ xoay được tài chính để lo khoản nợ.
Cũng theo nhà đầu tư này, giữa năm 2023, các bất động sản giảm giá từ 20-40% so với giá mua vào còn khá nhiều. Sang đầu năm 2024, nguồn hàng này vơi dần. Nhưng nếu “săn” kỹ nhà đầu tư vẫn có thể mua được các bất động sản giảm giá sâu, thậm chí lên đến 50%. Tuy nhiên, thời gian thương lượng với bên bán sẽ kéo dài mới đi đến kết quả.
"Đa số các bất động sản được nhóm mua vào là của chủ nhân đang vướng nợ ngân hàng. Tỉ lệ vay nợ của họ đến 60-70% và hiện mất khả năng trả nợ nên mới bán “tháo” tài sản", nhà đầu tư này cho hay.
Ghi nhận cho thấy, hiện nay nhóm đầu tư “cá mập” nắm được thông tin thị trường vẫn còn bộ phận nhà đầu tư đang cố gắng “gồng” lãi ngân hàng. Theo đó, họ dùng đòn tâm lý để ép giá bên bên bán. Thậm chí, một số “tay to” còn tự tin cho rằng, cuối năm nay vẫn còn lượng hàng “ngộp” giảm giá sâu được chào bán ra thị trường.
Thực tế, nhà đầu tư sẵn tài chính đi theo nhóm đã tham gia cuộc săn hàng "ngộp" từ khá lâu. Tận dụng thời điểm “mười người bán, một người mua” như hiện nay, nhóm đầu tư vẫn tiếp tục “đi dạo chợ” tìm kiếm cơ hội cuối năm. Vì có nắm lợi thế về tài chính nên họ thường sàng lọc tài sản kỹ càng và vẫn âm thầm ép giá bên bán. Các giao dịch chỉ diễn ra khi mọi tiêu chí của nhà bên mua được thỏa mãn.
Nhịp sống thị trường