Nhà đầu tư chú ý, gần 1 tỷ cổ phiếu của một loạt doanh nghiệp lớn sẽ chào sàn trong tuần đầu tháng 10
Trong số đó nhiều cổ phiếu "hot" như HPI của KCN Hiệp Phước, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank và có hơn 28 triệu cổ phiếu CVT chuyển sàn từ HNX sang HSX...
- 28-09-2017Cổ phiếu CVT sẽ bắt đầu giao dịch trên HoSE từ 5/10 với giá tham chiếu 50.600 đồng/cp
- 24-09-2017Đừng quên dành tiền cho tuần mới, có đến 8 mã chứng khoán với 320 triệu cổ phiếu sẽ lên sàn
- 22-09-2017Kido Food (KDF) lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 28/9, giá tham chiếu 60.000 đồng/cp
- 20-09-2017Telcom "mang theo" khoản lỗ lũy kế 11 tỷ đồng và mấy lô đất đắc địa lên giao dịch trên UpCOM
Tuần mới từ 2/10 đến 6/10, có 5 mã cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó có hơn 28 triệu cổ phiếu CVT chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HSX, còn lại là các cổ phiếu đăng ký giao dịch mới trên UpCOM.
Đáng chú ý, cả 5 mã cổ phiếu này đều “đổ bộ” lên sàn trong ngày 5/10/2017.
Hơn 28 triệu cổ phiếu CVT "chuyển nhà" từ HNX sang HSX
Cổ phiếu CVT của CTCP CMC là cổ phiếu duy nhất chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HSX trong tuần tới. Toàn bộ hơn 28 triệu cổ phiếu CVT đã hủy niêm yết trên HNX từ 29/9 vừa qua. CVT đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HNX ở mức giá 50.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi thời điểm đầu năm 2017.
Giá chào sàn HoSE là 50.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa ngày lên sàn trên 1.400 tỷ đồng. Biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE là +_20% giá tham chiếu.
Không kể cổ phiếu CVT chuyển sàn, thì trong ngày 5/10 sàn UpCOM đón nhận cùng lúc 4 mã cổ phiếu với gần 1 triệu cổ phiếu chào sàn. Trong số đó nhà đầu tư chú ý tới cổ phiếu HPI của CTCP Khu Công nghiệp Hiệp Phước và cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank).
Khu công nghiệp Hiệp Phước
Toàn bộ 60 triệu cổ phiếu HPI của Khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 16.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có 20.006.178 cổ phiếu đang thuộc diện bị hạn chế giao dịch.
KCN Hiệp Phước được thành lập vào tháng 6/2007 từ một bộ phận trực thuộc dự án KCN Hiệp Phước, có tổng diện tích quy hoạch 1.686 ha chia làm 3 giai đoạn quy hoạch – và là doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có diện tích đất quản lý lớn thứ 6 trên toàn thị trường.
Cơ cấu cổ đông KCN Hiệp Phước tính đến 14/3/2017.
Hiện Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) là cổ đông lớn nhất nắm giữ 40,54% vốn điều lệ. Ngoài ra công ty Tuấn Lộc cũng là cổ đông lớn sử hữu 33,33% vốn.
Năm 2017 KCN Hiệp Phước đặt mục tiêu doanh thu 494 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế ước đạt 97 tỷ đồng, tăng 33%. Trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2017 công ty đạt 38,2 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ.
LienVietPostBank đưa 646 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM
Sở GDCK Hà Nội đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đưa 646 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán LPB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.800 đồng/cổ phiếu.
Ngay trước khi lên sàn, LienVietPostBank đã có nhiều xáo trộn trong cơ cấu cổ đông và nhân sự. Cổ đông lớn CTCP Him Lam đã thoái sạch 14,98% vốn, trong khi đó ông Nguyễn Đức Hưởng lên làm Chủ tịch ngân hàng thay ông Dương Công Minh – người vừa đắc cử vị trí Chủ tịch của SacomBank.
Cơ cấu cổ đông LienVietPostBank đến 29/9/2017 - nguồn CafeF.
Ngay khi Him Lam thoái vốn, ông Dương Công Minh ra đi, hàng loạt lãnh đạo và người có liên quan của LienVietPostBank đã nhanh tay đăng ký mua lượng lớn cổ phần nhưng phần lớn đều bất thành.
Không chỉ các biến động về cơ cấu cổ đông và nhân sự, mà ngay trước khi lên sàn, LienVietPostBank cũng đã khóa room ngoại về mức 5%. Đồng thời cũng được NHNN chấp thuận cho phát hành cổ phiếu chia cổ tức tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.
Tính đến 17/7/2017 LienVietPostBank có 1 cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 12,54% vốn điều lệ công ty là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Năm 2016 LienVietPostBank lãi sau thuế 1.062 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã báo lãi sau thuế 706,5 tỷ đồng.
Thủy điện Hủa Na đưa hơn 225 triệu cổ phiếu lên sàn
Thủy điện Hủa Na được chấp thuận đưa 225.659.210 cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ 5/10 tới đây với mã chứng khoán HNA. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thủy điện Hủa Na được Sở KHĐT tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 5/2007, được thành lập bởi 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama – LLM) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỷ đồng. Lần gần đây nhất, tháng 5/2015 công ty tiến hành tăng vốn điều lệ lên hơn 2.256 tỷ đồng như hiện nay.
CTCP Thủy điện Hủa Na là chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, được xây dựng theo hình thức BOO – Xây dựng – Vận hành – Sở hữu. Nhà máy Thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180MW, tổng mức đầu tư gần 7.100 tỷ đồng với sản lượng điện trung bình hàng năm 716,7 triệu Kwh. Tổ máy số 1 đã hòa mạng lưới điện quốc gia vào tháng 2/2013; tổ máy số 2 vào tháng 3/2013.
Cơ cấu cổ đông của Thủy điện Hủa Na đến 25/7/2017.
Tính đến 25/7/2017 Thủy điện Hủa Na có 2 cổ đông lớn nắm giữ 89,259% vốn điều lệ công ty, trong đó có Công ty TNHH MTV Tổng công ty Dầu khí Điện lực Việt Nam và Ngân hàng TMCP Bắc Á. Bên cạnh đó, cổ đông sáng lập Tổng công ty lắp máy Việt Nam còn sở hữu hơn 8,72 triệu cổ phần tương ứng 3,833% vốn điều lệ.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 Thủy điện Hủa Na đạt 207,5 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với con số gần 202 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2016. Trong kỳ công ty cũng ghi nhận lỗ hơn 87 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối quý lên hơn 178 tỷ đồng.
Cấp nước Thanh Hóa (THN)
Cũng trong ngày 5/10, sàn UpCOM còn đón nhận thêm gần 33 triệu cổ phiếu THN của CTCP Cấp nước Thanh Hóa. Đây là doanh nghiệp thành lập từ năm 2005 với chức năng sản xuất nước sạch, xây dựng nhà cửa, các công trình thủy lợi, công nghiệp…
Cấp nước Thanh Hóa sẽ chào sàn với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có gần 2 triệu cổ phiếu ESOP đang trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang nắm 84,48% vốn điều lệ. Công ty còn có 1 cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Huy Nhắn sở hữu 5,79% vốn (tính đến 30/10/2016).
Doanh thu công ty chủ yếu đến từ cung cấp nước sạch và các sản phẩm liên quan. Nửa đầu năm 2017 doanh thu thuần đạt gần 136 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu từ nước sạch đạt hơn 109 tỷ đồng, chiếm 80,48% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 6,3 tỷ đồng.
Trên BCTC kiểm toán năm 2016, kiểm toán có đưa ý kiến ngoại trừ đối với một số vấn đề liên quan nguồn vốn chủ sở hữu của công ty.
Trí Thức Trẻ