Nhà đầu tư chú ý, toàn bộ 50 triệu cổ phiếu FTM sẽ huỷ niêm yết trên HoSE từ 16/5/2022
Nguyên nhân FTM phải rời sàn do Đức Quân Fortex thua lỗ 3 năm liên tiếp và kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC trong 3 năm liên tiếp.
Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu. theo đó toàn bộ 50 triệu cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex) sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE từ 16/5/2022. Cổ phiếu FTM sẽ giao dịch phiên cuối trên HoSE vào ngày 13/5/2022.
Nguyên nhân hủy niêm yết do công ty kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, và kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Trước đó Đức Quân Fortex công bố BCTC năm 2021 đã kiểm toán với số liệu ghi nhận doanh thu trong quý gấp 2,8 lần cùng kỳ, lên đến gần 232 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí cao hơn doanh thu, công ty lỗ gộp 91 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, cũng như cùng kỳ năm 2020 lỗ gộp đến 108 tỷ đồng.
Thêm khoản chi phí khác 133 tỷ đồng, dẫn tới số lỗ trong năm 2021 tăng 24 tỷ đồng so với năm 2020, lên mức 224 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ. Trước đó năm 2019 Đức Quân Fortex cũng báo lỗ gần 94 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2021 Đức Quân Fortex đã lỗ lũy kế hơn 420 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 88 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 500 tỷ đồng.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, báo cáo tài chính kiểm toán còn có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên. Trong đó:
-Ý kiến ngoại trừ trên BCTC kiểm toán năm 2021 ghi nhận về vấn đề khoản lỗ trên BCTC cả năm hơn 224 tỷ đồng, các khoản vay khách hàng quá hạn thanh toán hơn 602 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán hơn 413 tỷ đồng. Đồng thời tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty. Khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp…
Tại thời điểm kết thúc năm 2021 công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi hơn 186 tỷ đồng. Nếu khoản này được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp thì lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đi số tiền tương ứng.
Kiểm toán viên còn nêu vấn đề nhấn mạnh về các khoản cho vay ngắn hạn, dài hạn không có tài sản đảm bảo, các khoản hợp tác đầu tư chưa được đánh giá tính hiệu quả của việc đầu tư…
-Cơ sở của ý kiến ngoại trừ trên BCTC năm 2020 ghi nhận liên quan đến khoản lỗ trên BCTC là hơn 200 tỷ đồng, luồng tiền từ SXKD âm hơn 55,6 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng chưa thanh toán là gần 206 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng qúa hạn chưa thanh toán hơn 204 tỷ đồng. Và cũng nêu vấn đề về việc khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay… Những điều kiện nay cũng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Ngoài ra trong năm công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng phải thu quá hạn khó đòi hơn 22,7 tỷ đồng. Nếu khoản này được trích lập, thì lợi nhuận sau thuế sẽ giảm đi số tiền tương ứng.
-Cơ sở của ý kiến ngoại trừ trên BCTC năm 2019 liên quan đến khoản lỗ trên BCTC cả năm của công ty hơn 93 tỷ đồng, luồng tiền từ hoạt động SXKD ghi âm hơn 284 tỷ đồng. Các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền hơn 81 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán hơn 141 tỷ đồng. Những điều kiện nay cũng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Ý kiến nhấn mạnh trên BCTC năm 2019 của công ty đề cấp đến giá cổ phiếu của công ty biến động giảm lớn từ vùng giá 23.600 đồng/cổ phiếu xuống xấp xỉ 1.940 đồng/cổ phiếu – tương ứng giảm đi khoảng 92% giá trị…
Trí Thức Trẻ