Nhà đầu tư chứng khoán hưng phấn quá đà?
Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán nhưng định giá thị trường, cổ phiếu hầu hết không còn rẻ
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 4 đến 8-9, thị trường chứng khoán tiếp tục vận động tích cực. Tâm lý nhà đầu tư lạc quan với nhiều yếu tố hỗ trợ từ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước về tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN), nhất là lĩnh vực bất động sản; thông tin Tổng thống Mỹ có chuyến thăm Việt Nam...
Chứng khoán tiếp tục được hưởng lợi
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định chỉ số chung điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần khi VN-Index tăng lên ngưỡng kháng cự. Cổ phiếu các nhóm ngành thép, chứng khoán, vận tải, hóa chất, dầu khí và xuất khẩu vẫn luân phiên tăng điểm nhờ kỳ vọng vào chuyện hồi phục cuối năm nay.
Một điểm chú ý là dù thị trường điều chỉnh giảm trước áp lực chốt lời ngắn hạn nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh dạn mua vào khi có người bán ra. Cụ thể, thanh khoản tuần qua hồi phục đáng kể sau kỳ nghỉ lễ 2-9 với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn (HoSE, HNX, UpCoM) lên tới 27.682 tỉ đồng (+19,6% so với tuần trước).
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều nhà đầu tư đã tiếp tục đổ thêm tiền nhàn rỗi vào mua cổ phiếu trong bối cảnh những kênh đầu tư khác chưa khởi sắc, nhất là lãi suất gửi tiết kiệm chưa dừng đi xuống. Việc có hơn 190.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8 cũng cho thấy lượng tiền lớn sẵn sàng giải ngân vào thị trường này bất cứ lúc nào. Ngoài ra, không ít nhà đầu tư hồi năm ngoái đã rời bỏ thị trường khi VN-Index rơi từ 1.500 xuống 900 điểm nay cũng trở lại kênh đầu tư này.
Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán ngày càng nhiềuẢnh: Tấn Thạnh
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng chứng khoán đã tăng liên tục từ tháng 4-2023 đến nay và đây sẽ tiếp tục là kênh đầu tư thu hút dòng tiền trong bối cảnh người cầm tiền đang chịu sức ép tìm kênh đầu tư có thanh khoản và mức sinh lời tốt. Hiện tại, bối cảnh thị trường không phải là câu chuyện tiền rẻ như giai đoạn năm 2021 bởi nhiều DN vẫn khó khăn, không còn "rủng rỉnh" tiền nhàn rỗi.
"Sức ép này đến từ lãi suất gửi tiết kiệm xuống thấp khiến dòng tiền đến thời điểm đáo hạn phải tìm kiếm kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Trong khi đó, bất động sản vẫn đóng băng, trái phiếu DN chưa đủ niềm tin trở lại, tỉ giá có tăng nhưng không quá hấp dẫn. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới. Rất nhiều nhà đầu tư đã "lỡ tàu" khi thị trường chứng khoán tăng mạnh như vừa qua" - ông Nguyễn Thế Minh phân tích.
Một trong những thông tin được cho là hỗ trợ thị trường chứng khoán tích cực nhất những ngày qua là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Đinh Quang Hinh dẫn một thống kê cho thấy trong các lần Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây, thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực. Điều này xuất phát từ những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm.
"Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden, nhiều DN Mỹ cũng tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart... Những thông tin ấy sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán, nhất là với các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp và các ngành có tỉ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng" - chuyên gia VNDIRECT nhận xét.
Cẩn trọng, tránh mua đuổi
Kênh đầu tư chứng khoán dù được kỳ vọng tiếp tục duy trì xu hướng tích cực từ nay đến cuối năm nhưng cũng bắt đầu xuất hiện trạng thái hưng phấn thái quá của những nhà đầu tư mới, nhà đầu tư ít kinh nghiệm. Họ mua bán bất chấp, không dựa trên cơ sở, phân tích nào, "nhắm mắt" mua cổ phiếu ở giá cao. Sau đó, họ đua nhau bán tháo, cắt lỗ khi thấy cổ phiếu mình mua có dấu hiệu điều chỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số nhà đầu tư cho biết họ rút tiền gửi tiết kiệm để mua cổ phiếu khi thấy mức sinh lời của kênh này cao, bạn bè rủ rê hay công ty chứng khoán mời gọi, dù thừa nhận không quá am hiểu. Sau khi mở tài khoản, họ chủ yếu mua theo khuyến nghị của các đội nhóm trên mạng xã hội chứ không tìm hiểu hay phân tích về DN.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định trong bất kỳ thời điểm nào của thị trường, các lớp nhà đầu tư chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm luôn tồn tại. Đây là nhóm nhà đầu tư giao dịch theo đám đông, theo sự hô hào và là nhóm dễ bị tổn thương dù điều kiện thị trường có tích cực hay không.
"Diễn biến tích cực của thị trường đến giờ phản ánh tâm lý kỳ vọng rằng những khó khăn lớn nhất của nền kinh tế đã qua và các chính sách hướng đến việc thúc đẩy tăng trưởng đang trở lại. Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước gia tăng là dễ hiểu và chưa có gì quá bất thường. Nhưng nhìn xa hơn, có thể tâm lý kỳ vọng đến lúc nào đó sẽ trở nên thái quá và bất hợp lý" - chuyên gia Maybank Investment Bank nhìn nhận.
Theo phân tích của Maybank Investment Bank, điều này trước hết tạo ra rủi ro tổn thương tài sản cho chính nhà đầu tư. Bởi lẽ, thị trường chứng khoán luôn có sự biến động lớn (ở cả chiều tăng lẫn giảm), khó kiểm soát.
"Việc không có một thái độ đúng đắn và thiếu trang bị đầy đủ kiến thức về lâu dài sẽ khiến các nhà đầu tư đối mặt chuyện thua lỗ, thậm chí sẽ tạo ra những sự xáo trộn lớn với thị trường. Gần nhất là sau làn sóng tham gia của rất nhiều nhà đầu tư năm 2020-2021 và những hệ lụy sau đó vào năm 2022, thị trường gần như rơi thẳng đứng từ vùng 1.500 điểm về dưới 900 điểm" - chuyên gia Maybank Investment Bank dẫn chứng.
Ông Đinh Quang Hinh cho rằng thị trường chứng khoán vẫn đang chịu áp lực liên quan việc tỉ giá tăng, áp lực lạm phát quay lại trong những tháng cuối năm, dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể bị thu hẹp đáng kể. Chưa kể, định giá P/E của chỉ số VN-Index đã lên mức 14,8 lần, không còn rẻ như giai đoạn đầu năm. Trong bối cảnh định giá thị trường và cổ phiếu đều không còn rẻ, nhà đầu tư cần có chiến lược linh hoạt hơn, duy trì tỉ trọng danh mục ở mức cân bằng, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh rủi ro.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, thị trường chứng khoán đã tăng rất nhiều nhưng so với vùng đỉnh 1.500 điểm vẫn còn khá xa. Định giá P/E của thị trường cũng chưa quay về mức đỉnh của năm 2021. Do đó, vẫn còn rất nhiều cơ hội ở các nhóm ngành.
Có điều, trong đợt tăng giá sắp tới, dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu cơ bản có tiềm năng tăng trưởng, vốn hóa vừa và lớn, có tính ổn định, thay vì nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao.
Người Lao Động