Nhà đầu tư đi xem đất nhiều hơn mua
Tâm lý xem đất cho “thoả thích” vẫn là thực trạng chung của thị trường BĐS ở thời điểm cuối năm. Bên cạnh các giao dịch diễn ra ổn định, thì nhiều người mua vẫn giữ động thái nghe ngóng, đi xem chứ chưa mua.
Dù đã đi xem đất Đồng Nai, Bình Dương, thậm chí xa hơn là Bình Thuận nhưng anh D và những người bạn (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) vẫn chưa "xuống tiền". Theo anh D, sau dịch chủ yếu đi xem cho "đã" rồi mới quyết định sau. "Cũng phải tìm hiểu kỹ BĐS các khu vực và chờ thêm thông tin, mặc dù biết giá có thể tiếp tục tăng. Nhưng nếu vội xuống tiền thì còn lo hơn", anh D cho hay.
Thực tế, tâm lý giống anh D không hiếm trên thị trường BĐS hiện nay. Sau quãng thời gian dịch, nhiều NĐT có tâm lý đi xem BĐS cho đã, còn việc quyết định "xuống tiền" chưa quá vội vàng.
Anh T, môi giới BĐS Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, hiện nay, hoạt động mua – bán BĐS đã rộn ràng trở lại, nhưng không phải tất cả các khu vực. Giao dịch diễn ra nhiều chủ yếu ở khu vực có "điểm nóng" về hạ tầng. Còn các khu vực khác nhà đầu tư đi xem nhiều hơn mua. "Hiện, lượng nhà đầu tư đi xem đất tăng lên đáng kể so với thời điểm đầu nới giãn cách nhưng đa số vẫn giữ tâm lý xem, tìm hiểu, còn mua chưa thực sự bùng nổ", anh T cho hay.
Theo ghi nhận, dù thời điểm này, thị trường BĐS chưa sôi động bằng dịp đầu năm, nhưng việc nhà đầu tư Tp.HCM rục rịch đổ về các tỉnh lân cận để xem đất ngày càng nhiều cho thấy, BĐS đã có dấu hiệu "bắt nhịp" nhanh với trạng thái "bình thường mới". Lượng nhà đầu tư đổ về các tỉnh xem BĐS tăng lên đáng kể từ thời điểm nới giãn cách. Nhiều người đi nghe ngóng tình hình, nhiều trong số đó đã tìm hiểu sản phẩm trước đó và đi xem thực tế để quyết định.
Báo cáo của DKRA Vietnam chỉ ra, từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường bất động sản luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống.
Dự báo về thị trường bất động sản Quý 4/2021, DKRA Viẹtanm cho rằng, nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn Quý 3, không chỉ ở Tp.HCM mà cả các địa phương lân cận khác. Theo đó: Đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Điểm sáng của Quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản.
Chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư kí Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, mặc dù nhu cầu mua để ở giảm do nhiều người giảm thu nhập. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư bất động sản lại có dấu hiệu tăng lên do thị trường hút lượng tiền lớn từ các lĩnh vực, thị trường khác như chứng khoán, sản xuất...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng cho rằng, nhu cầu đầu tư và giá chào bán nhà đất tăng lên vì nguồn cung mới khan hiếm do vướng thủ tục pháp lý kéo dài, quỹ đất hữu hạn, chi phí đầu vào cao, chi phí tài chính phình to. Theo ông Châu, dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng đây là thời điểm cho nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính. Trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã lướt sóng thành công, tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản lúc này.
Theo ông Châu, nhà đầu tư nên tham gia vào thị trường sớm khi mặt bằng giá còn tốt và nhiều chương trình ưu đãi kích cầu vẫn đang được các chủ đầu tư áp dụng. Bên cạnh đó, cần lưu ý chọn các dự án được quy hoạch bài bản, pháp lý hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, ông Châu cũng nhấn mạnh, diễn biến tăng giá một chiều hiện nay ở phía người rao bán (gồm chủ đầu tư và người rao bán thứ cấp) chưa phản ánh toàn diện bức tranh thị trường. Nhà đầu tư thận trọng với những thông tin thổi giá.