Nhà đầu tư F0 cần làm gì sau 2 phiên TTCK lao dốc?
VN-Index đã rơi xuống mức 1.330 điểm và xu hướng ngắn hạn đã xấu hơn so với giai đoạn trước. Vấn đề nghẽn lệnh trên HoSE, bảng giá hiển thị không rõ ràng, CTCK ngưng hủy sửa lệnh là một phần trong những tác nhân khiến thị trường lao dốc mạnh. Có chuyên gia khuyên nhà đầu tư F0 nên giảm tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư nên tìm hiểu về định giá từ ngành cho tới từng doanh nghiệp và hoc quản trị danh mục, quản trị rủi ro.
- 29-05-2021Bloomberg: Nhà đầu tư F0 là động lực đưa TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt nhất châu Á và sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường
- 06-05-2021Nhà đầu tư F0 dễ sập bẫy "room" phím hàng
- 20-04-2021Những phi vụ kỳ lạ của thế hệ nhà đầu tư F0 ở Việt Nam: Chơi chứng khoán vì thất nghiệp, vì bạn xúi mua, thậm chí vì nghỉ dịch quá... rảnh
Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch tiêu cực khi VN-Index giảm 38,9 điểm (-2,86%) xuống 1.319,88 điểm - đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ thời điểm 22/4 (-3,14%). Nhà đầu tư chứng kiến khá nhiều cổ phiếu tăng "nóng" đợt vừa qua lao dốc như nhóm vật liệu xây dựng, ngân hàng hay chứng khoán, nhiều cổ phiếu còn bị kéo xuống mức giá sàn và không có bên mua. Như vậy, chỉ trong 2 phiên giao dịch, VN-Index đã mất hơn 54 điểm (-3,94%).
Điểm đáng chú ý là đà giảm của thị trường diễn ra trong bối cảnh các chỉ số cũng như nhiều cổ phiếu đã có khoảng thời gian tăng dài trước đó. Tối muộn thứ 6 tuần trước, lãnh đạo UBCKNN nhận định mặt bằng giá chứng khoán lên cao tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng nghẽn, lỗi lệnh trên HoSE diễn ra nghiêm trọng, bảng giá gần như không phản ánh đúng diễn biến giao dịch khi treo gần như toàn bộ thời gian, cộng thêm các CTCK dừng tính năng hủy/sửa lệnh.
Theo phân tích của ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam, phiên giao dịch ngày 8/6 có diễn biến khá tương đồng với những phiên giữa tháng 1 đầu năm - thời điểm thị trường chứng khoán có những phiên bị bán tháo mạnh.
Theo ông Tuấn, dấu hiệu chốt lời đã manh nha ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và vật liệu xây dựng từ phiên 7/6. Đến phiên 8/6, tâm lý nhà đầu tư chuyển xấu hơn bởi những hệ quả của việc ngưng huỷ và sửa lệnh. Điều này làm cho hoạt động mua bán của hầu hết nhà đầu tư đều bằng lệnh MP (lệnh thị trường - market price). Kết hợp với việc sở HoSE trả giá về chậm làm cho mức biến động giá và các lệnh chờ xuất hiện trên bảng điện gần như chập chờn và khoảng trống giá chờ cách nhau rất xa. Chính vấn đề nói trên tạo ra tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư và sẽ gia tăng áp lực chốt lời hàng loạt.
Nhận định về thị trường chứng khoán sau 2 phiên giảm sâu vừa qua, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng VN-Index đã rơi xuống mức 1.330 điểm và xu hướng ngắn hạn đã xấu hơn so với giai đoạn trước. Khi VN-Index lên quanh mốc 1.364 điểm đã có nhiều cảnh báo về việc thị trường đi qua giai đoạn không còn rẻ và hấp dẫn. Rủi ro trong ngắn hạn đã tăng lên, VN-Index sẽ có khả năng mở rộng đà giảm ít nhất về vùng 1.283 – 1.300 điểm và kiểm tra quanh vùng này.
Tuy nhiên, trước khi giảm về vùng 1.283 – 1.300 điểm, thị trường sẽ có giai đoạn đi ngang. Thị trường sau 2 phiên giảm mạnh sẽ lực cầu bắt đáy nhưng sự hồi phục này chỉ mang tính chất rất ngắn khoảng 1 – 2 phiên, ông Minh nhận định.
Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng call margin (CTCK gửi thông báo tới khách hàng yêu cầu nộp thêm tiền để trả bớt tiền vay giảm giá trị) có thể bị kích hoạt nếu các chỉ số tiếp tục giảm thêm một phiên như ngày 8/6. Trầm trọng hơn, thị trường có thể đến giai đoạn force sell (CTCK buộc phải bán đi tài sản hoặc chứng khoán của nhà đầu tư để đưa tỷ lệ ký quỹ về trạng thái an toàn) nếu "rơi" thêm vài phiên. Ở các phiên tới, cần xem xét khả năng nâng đỡ của dòng tiền mới và lượng margin hiện tại đang ở mức nào. Việc dự báo được dòng tiền margin có thể khiến thị trường giảm sâu hơn nữa hay chỉ giảm đoạn ngắn rồi hồi phục là khá khó khi không thể đo lường được dòng tiền.
Về cơ bản, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục những nhóm cổ phiếu đã sinh lời tốt trong thời gian vừa qua như thép, ngân hàng và chứng khoán. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ chờ cơ hội ở những đà giảm tới, xem khả năng đảo chiều của các chỉ số.
Nhà đầu tư F0 cần ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế dùng đòn bẩy và nên trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường chứng khoán. Ảnh: Bảo Linh.
Nhà đầu tư F0 nên làm gì?
Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trong đó có nhiều nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường (F0) là rất lớn. Theo lời khuyên của ông Thế Minh, nhà đầu tư nên ưu tiên đến việc giảm tỷ trọng danh mục cổ phiếu, nhất là những mã đã tăng "nóng" để đảm bảo lợi nhuận đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Cùng với đó, nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy hoặc phải giảm đòn bẩy về tỷ lệ thấp nhất có thể.
Nhà đầu tư chưa nên bắt đáy ở giai đoạn hiện tại và chờ phản ứng từ lực cầu hấp thụ tại các vùng hỗ trợ quyết định khả năng đảo chiều của các chỉ số. Sau những chuỗi tăng nóng của từng nhóm ngành sẽ có những giai đoạn trầm lắng. Nhà đầu tư quay trở lại bắt đáy ở những nhóm ngành này sẽ bị bào mòn tài khoản hoặc sẽ mất cơ hội đầu tư do giá cổ phiếu không tăng, ông Minh phân tích.
Còn theo ông Tuấn, với nhà đầu tư F0 nên tìm hiểu về định giá từ ngành cho tới từng doanh nghiệp và học quản trị danh mục, quản trị rủi ro là những kỹ năng rất cần thiết nếu xác định đây là con đường đầu tư lâu dài. Những câu chuyện về đầu cơ theo tin đồn, theo may mắn chắc chắn sẽ hàm chứa rủi ro lớn. Ngoài ra, quan trọng nhất là học kiểm soát tâm lý và margin - đây là 2 cốt lõi của quá trình đầu tư. "Như phiên 8/6 nếu dùng margin tỷ lệ 1:1 trở lên sẽ bị call margin là chắc chắn" - ông Tuấn nhấn mạnh. Với sai lầm này, áp lực sẽ đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư và dẫn tới hành vi có thể sai lệch như bán ngay cổ phiếu ở đáy hoặc phó mặc thị trường.
Người đồng hành