Nhà đầu tư Hàn Quốc nêu những khó khăn, vướng mắc khi làm ăn ở TP HCM
Chính quyền TP HCM cần phải tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc, tiếp tục tin tưởng và an tâm đầu tư lâu dài.
- 05-03-2021Việt Nam có thể xây dựng những doanh nghiệp lớn như Hàn Quốc để nền kinh tế 'cất cánh'
- 13-02-2021Nikkei Asia: 'Ông lớn' công nghệ Hàn Quốc chính thức xác nhận tiếp tục bơm vốn vào Việt Nam
- 22-01-2021Hàn Quốc tài trợ 13 triệu USD xây dựng thành phố thông minh tại Huế
Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc, ngày 25-3.
Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam khi luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết TP HCM cũng là địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Năm 2020, tuy đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến giao thương toàn cầu nhưng với thành công nổi bật trong việc phòng chống Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi đối thoại ngày 25-3. Ảnh: Lam Giang
Trong 2 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong kim ngạch thương mại 2 chiều giữa TP HCM và Hàn Quốc, với xuất khẩu đạt hơn 366 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu đạt hơn 701 triệu USD, tăng 47,3%.
Về đầu tư, trong 2 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại TP HCM với 1.892 dự án, chiếm gần 19% tổng số dự án nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đạt 5,2 tỉ USD…
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn khi làm ăn tại TP HCM, cũng như ở cả nước. Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Kocham), cho biết các doanh nghiệp kiến nghị về việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định quản lý thuế mới, như tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hằng quý hiện nay tính đến quý 3 nếu không đạt 75% số thuế thực tế tính theo quyết toán cả năm, thì phải nộp phạt chậm nộp.
Theo Kocham, điều này có nghĩa để nộp hơn 75% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế hằng năm theo quy định, cần phải dự đoán tổng số thuế cả năm. Nhưng việc này là không thể trong bối cảnh dịch bệnh, môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
"Có sự bất hợp lý trong quy định nộp phạt theo dự đoán số thuế tương lai không chắc chắn, do đó, các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi căn cứ để tính số tiền thuế dự kiến phải nộp, dựa trên tổng số thuế đã nộp của năm trước hoặc theo doanh số thực tế của các quý trong năm đã được khai báo" – ông Kim Heung Soo đề xuất.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh hạn chế sở hữu nước ngoài trong kinh doanh vận tải; hỗ trợ vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục đăng ký mới và gia hạn giấy phép tại Việt Nam…
Trả lời kiến nghị của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã thay mặt chính quyền TP HCM ghi nhận tất cả những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc và những đề xuất cần cải thiện; đồng thời yêu cầu các sở - ngành tiếp tục nghiên cứu giải quyết những vướng mắc, kiến nghị và sớm có phản hồi, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp; thông tin đến từng doanh nghiệp kết quả giải quyết của chính quyền TP HCM.
"Chính quyền TP HCM mong muốn lắng nghe và ghi nhận từ thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc những khó khăn, kiến nghị và các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế TPHCM - Hàn Quốc trước những tác động của đại dịch, để TP HCM thực sự là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy với các nhà đầu tư" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Người lao động