Nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu ngành gạo
Song song với tình hình xuất khẩu giảm sút, kết quả kinh doanh ngành gạo cũng không mấy khả quan khiến cho nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu ngành này.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,43 triệu tấn với kim ngạch 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Các công ty kinh doanh ngành gạo cũng không mấy khả quan.
Cổ phiếu ngành gạo không mấy mặn mà.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với doanh thu thuần đạt 1.568 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 21%, xuống 58,3 tỷ đồng; biên lợi nhuận mảng gạo giảm mạnh từ 7,6% xuống 2,8%.
Dù các loại chi phí đều giảm nhẹ nhưng chi phí lãi vay của Lộc Trời lại ghi nhận 45 tỷ đồng, tăng 50%, nguyên nhân gây ra hiện tượng này đến từ việc dư nợ vay ngắn hạn tăng lên 3.144 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 7.149 tỷ đồng nhưng khoản mục hàng tồn kho và phải thu chiếm tỷ trong lên tới 72,2%. Đặc biệt, dòng tiền kinh doanh đã âm liên tiếp 2 năm và tiếp tục âm trong quý I/2019.
Trong một thông báo mới đây của Vĩnh Hoàn, công ty đã quyết định giải thể công ty TNHH Lương thực Vĩnh Hoàn 2. Đây là doanh nghiệp trái ngành của Vĩnh Hoàn, phát sinh trong thời điểm "nhà nhà buôn gạo, người người buôn gạo" năm 2011 nhưng tình hình kinh doanh lại không được như kỳ vọng.
Ngoài ra, những doanh nghiệp gạo khác như Docimexco (mã: FDG), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM)… cũng đi đến quyết định chuyển hướng hoạt động từ mảng gạo sang đẩy mạnh kinh doanh phân bón.
Từ những thực tế nói trên, có thể lý giải phần nào sự thờ ơ của giới đầu tư đối với các cổ phiếu ngành gạo, sức hấp dẫn thua kém cả những cổ phiếu thị trường.
Ngày 24/7/2017, Lộc Trời đưa gần 67,2 triệu cổ phiếu lên sàn với giá tham chiếu đạt 55.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 3.696 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng cổ phiếu đang lưu hành đã tăng lên gần 80,6 triệu cổ phiếu và thị giá chỉ còn 23.800 đồng/cp, vốn hóa đạt 1.918 tỷ đồng.
Trong vòng một tháng giao dịch vừa qua, cổ phiếu LTG chỉ ghi nhận ba phiên tăng giá, còn lại là những phiên giao dịch giảm giá và giữ nguyên giá tham chiếu. Nếu chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 tới nay, cổ phiếu LTG ghi nhận giảm gần 8,5% từ mức giá 26.000 đồng/cp.
Cổ phiếu AGM cũng "kém sắc" khi liên tiếp giao dịch ảm đạm, hiện đang quanh vùng giá 10.000 đồng/cp, thậm chí có thời điểm AGM còn giảm xuống hơn 9.000 đồng/cp.
Thê thảm nhất trong nhóm cổ phiếu ngành gạo phải kể đến cổ phiếu FDG của Docimexco. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/5/2019, thị giá FDG đóng cửa tại mức 1.000 đồng/cp, thuộc vào nhóm cổ phiếu rẻ hơn rau và đang trong diện hạn chế giao dịch.
Đáng chú ý, cổ phiếu FDG thường xuyên rơi vào tình trạng không có thanh khoản, từ đầu năm 2019 đến nay, FDG chỉ có 9 phiên giao dịch với vài trăm đơn vị được khớp lệnh, cá biệt có phiên giao dịch ngày 11/1 đạt 107.500 đơn vị.
Nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, Vinafood II được đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, cổ phiếu VSF của Vinafood II lại chào sàn UPCoM với giá tham chiếu khiêm tốn, chỉ 10.100 đồng/cp hồi tháng 4/2018.
Đến nay, sau hơn một năm lên sàn, VSF đang giao dịch tại mức giá 11.200 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 11%. VSF chỉ giao dịch đúng 1 phiên giao dịch trong vòng 1 tháng qua, với 50 cổ phiếu được khớp lệnh.
Từ thực tế này, một chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng để cổ phiếu ngành gạo thu hút được nhà đầu tư, các doanh nghiệp cần giải quyết được bài toán thị trường cũng như có cách xử lý hiệu quả cho các khoản đầu tư ngoài ngành.
VTCnews